Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bản sắc Việt thăng hoa qua âm nhạc đương đại

Thứ Sáu 26/02/2021 | 11:25 GMT+7

VHO- Gắn bó với cây kèn saxophone và nhạc jazz như hình với bóng, nhưng lâu nay, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần đều mong muốn thổi vào đó những âm hưởng ngọt ngào của làn điệu dân ca dân tộc.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần trình diễn một tiết mục nhạc jazz kết hợp với dân ca Việt Nam

Nỗ lực của họ đang minh chứng một điều rằng, âm nhạc dân gian Việt Nam nếu biết khai thác sẽ tạo nên những sắc mầu lấp lánh cực kỳ cuốn bạn bè quốc tế.

Lựa chọn song hành

Xuất thân trong gia đình theo nghệ thuật truyền thống, ngay từ thuở nằm nôi nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã được tiếp cận với các nhạc cụ dân tộc. Năm 8 tuổi, Trần Tuấn được bố tặng chiếc kèn saxophone đầu tiên; mới 9-10 tuổi anh đã theo đoàn Cải lương Chuông Vàng đi lưu diễn khắp nơi, gần như không có tuổi thơ như những đứa trẻ khác, không biết một trò chơi nào ngoài âm nhạc. Những năm 90, Trần Mạnh Tuấn chơi trong ban nhạc Phương Đông cùng với Quốc Trung, Quyền Văn Minh, Văn Hà, Anh Quân. Bấy giờ, Trung tâm Văn hóa Pháp đưa một đoàn nghệ sĩ nhạc Jazz sang Việt Nam biểu diễn. Họ đã lựa chọn một số nghệ sĩ Việt tài năng để đào tạo, Trần Mạnh Tuấn là một trong số ấy, và anh chuyển sang chơi jazz từ đó.

Ngay từ năm 1991, Trần Mạnh Tuấn đã bắt đầu trình diễn tác phẩm nhạc jazz tự sáng tác theo cách kết hợp giao thoa với âm nhạc truyền thống. Sau đó, nghệ sĩ ra nhiều album như “Ru rừng”, “Thằng Cuội” hay “Bèo dạt mây trôi” kết hợp nhạc jazz với dân ca 3 miền. “Chơi jazz, nhưng có một điều chắc chắn, âm nhạc truyền thống, cải lương, chèo, những làn điệu dân ca vẫn sống trong tôi rất mạnh mẽ. Tôi đã đi trên 50 nước, trình diễn ở nhiều quốc gia khác nhau, chơi với nhiều nghệ sĩ jazz quốc tế, nhưng tôi luôn tìm bản sắc riêng để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam ra nước ngoài”. Theo Trần Mạnh Tuấn, đó cũng là cách anh dạy cho con gái, An Trần, học về nhạc jazz bài bản, nhưng lại chơi theo cách của một nghệ sĩ Việt Nam. Gần đây, An Trần đã tham gia nhiều sản phẩm âm nhạc cùng cha mình, như một sự tiếp bước thế hệ trong niềm đam mê chung với nhạc jazz và với dân ca.

Trong chương trình mạn đàm trực tuyến đầu tháng 2 vừa qua của VietNam Centre - tổ chức kết nối và quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động tri thức và nghệ thuật, hai nghệ sĩ, hai thế hệ dưới cùng một mái nhà đã chia sẻ những câu chuyện xoay quanh chủ đề “Từ làn điệu dân ca đến âm nhạc thế giới”. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và An Trần đều gắn bó với kèn saxophone, trình diễn nhạc jazz nhưng mong muốn thổi vào đó âm hưởng ngọt ngào của làn điệu dân ca dân tộc, nhằm đưa âm nhạc Việt Nam đến gần hơn nữa với khán giả trong nước và quốc tế.

Mang lại giá trị mới mẻ

Là một trong những nghệ sĩ tiên phong giúp nhạc jazz dần trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả nhưng Trần Mạnh Tuấn cũng công nhận rằng, con đường giao thoa âm nhạc đương đại với truyền thống đầy thách thức. Âm nhạc dân tộc kết hợp với nhạc jazz đương đại mang lại những cảm thụ rất mới mẻ cho người yêu nghệ thuật, họ có thể thấy tính ngẫu hứng và cả tính bản địa, tiết tấu phóng khoáng trong jazz... Nói vậy, không phải làn điệu dân ca nào cũng có thể kết hợp với nhạc jazz, mà nghệ sĩ buộc phải nghiên cứu, chọn lựa. Chẳng hạn, dân ca Bắc Bộ, Nam Bộ thường sử dụng giai điệu ngũ cung đặc trưng, dễ phát triển, hòa âm với nhạc đương đại, trong khi dân ca miền Trung khó kết hợp, phát triển hơn. Cùng là ngũ cung nhưng cách thể hiện khác nhau cũng tạo nên khác biệt rõ ràng, hình thành nét độc đáo của âm nhạc dân gian truyền thống.

Nhớ lại kỷ niệm cũng là bài học sâu sắc trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn tâm sự, khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi đi học ở nước ngoài về, anh làm một album nhạc jazz nhằm giới thiệu các tác phẩm kinh điển thế giới. Tiếc rằng, album không thành công, chỉ được một số ít người đón nhận. “Lúc đó, tôi cứ tự tin mình làm tốt, làm hay những tác phẩm kinh điển thế giới, không để ý khán giả thích nghe thể loại gì, thấu hiểu đến đâu, chỉ thích thì làm thôi. Rồi tôi ngồi lại, thấm thía rằng nghệ sĩ bao giờ cũng muốn đưa cái tôi vào sản phẩm, nhưng vấn đề còn phải xem là cái tôi như thế nào, đang đứng vị trí ở đâu, được khán giả đón nhận ra sao...”

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn quyết định thực hiện một sản phẩm khác, mang tên “Về quê” - một ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương vốn được rất nhiều người nghe yêu thích và nhiều nghệ sĩ thể hiện... Ngoài bài hát đó, album còn gồm hàng loạt tác phẩm không thuần túy là giai điệu dân ca mà được phỏng theo hơi hướng làn điệu dân ca, như “Mẹ yêu con”, “Quê hương”, “Ngược dòng Hương Giang”... Những tác phẩm đó rất gần gũi với khán thính giả, nhưng được khoác lên mình tấm áo mới. Album ngay khi phát hành (2003) đã được đón nhận nhiệt liệt. Thứ âm nhạc vừa quen vừa lạ khi làn điệu dân ca được hòa âm, phối khí, thể hiện bằng saxophone.

Từ trải nghiệm này, nghệ sĩ thấu hiểu hơn rằng làm cho mình cũng là chia sẻ với khán thính giả. Những sản phẩm âm nhạc được đón nhận đã cho nghệ sĩ năng lượng để đi tiếp hành trình kiếm tìm và khẳng định bản sắc Việt trong âm nhạc đương đại. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn luôn tâm niệm: “Tôi đã biểu diễn tại rất nhiều festival trên thế giới và càng hiểu được rằng tính bản địa, màu sắc riêng của dân tộc thực sự quan trọng đến nhường nào”. Còn nghệ sĩ trẻ An Trần thì chia sẻ: “Tôi đang học tập ở nước ngoài, dự định sẽ trở về để chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam những gì đã học được ở xứ người, đồng thời chia sẻ với những người bạn nước ngoài về âm nhạc dân gian của Việt Nam”. 

 NGỌC HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top