Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xuất hiện kịch ứng tác:Lối rẽ mới của nghệ thuật sân khấu?

Thứ Tư 10/03/2021 | 10:35 GMT+7

VHO- Hoàn toàn ngẫu hứng, không kịch bản, không đạo cụ và không có đạo diễn… diễn viên lên sân khấu ứng tác từ những gợi ý của khán giả bất kỳ. Đó là hình thức thể hiện của loại hình kịch ứng tác mới xuất hiện trên sân khấu ở Hà Nội và TP.HCM.

 Một chương trình của sân khấu Sài Gòn Tếu Ảnh: T.Đ

 Điều đáng nói là những sân khấu hình thành xu hướng này đã và đang có một lớp khán giả trẻ yêu thích, ủng hộ. Phải chăng đây là con đường đưa kịch nói tới gần hơn với công chúng đương đại mà sân khấu kịch chính thống lâu nay vẫn đang tìm lời đáp?

Ứng tác để đáp ứng nhu cầu của khán giả

Một số Câu lạc bộ (CLB), nhóm kịch ứng tác ở nước ta mới được thành lập, tuy chưa có nhiều cơ hội thể hiện nhưng khán giả đã biết đến CLB kịch ứng tác Hà Nội, Trung tâm kịch ứng tác Việt Nam, High Club ở Hà Nội, nhóm Sài Gòn Tếu tại TP.HCM và một số nhóm nhỏ lẻ khác. Nghệ sĩ Lương Thành Đức, người sáng lập CLB hài kịch ứng tác Hà Nội cho biết: Việc thành lập nhóm với mục đích tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích dành cho các bạn yêu thích loại hình nghệ thuật mới. Qua đó, có thể nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật của chính các “ứng tác viên” và khán giả. Những người tham gia trải nghiệm những tình huống đặt ra trong kịch ứng tác đều là những tình huống có thể xảy ra trong đời sống thật sẽ giúp họ phản ứng một cách nhanh hơn, chính xác hơn nếu như ngoài đời họ gặp tình huống như vậy.

Mới đây, nhóm Sài Gòn Tếu đã triển khai dự án mới biểu diễn “kịch ứng tác” dành cho giới trẻ tại TP.HCM. Uy Lê, trưởng nhóm Sài Gòn Tếu cho biết, nếu không vướng dịch Covid-19 thì “kịch ứng tác” đã ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhóm có thêm thời gian đầu tư thật chắc cho loại hình nghệ thuật mới này. Từ khi sân khấu tấu hài không còn hoạt động tại TP.HCM, sự xuất hiện của nhóm Sài Gòn Tếu với thể loại “độc thoại hài” được khán giả thích thú đón nhận và diễn vào tối thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần tại quán cà phê 698 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM. Với “độc thoại hài”, nghệ sĩ sẽ biểu diễn trực tiếp trước khán giả và kể những câu chuyện hài hước về một thói quen, một hành động nào đó, thông qua tiếng cười sẽ gửi đến khán giả thông điệp tốt đẹp về đời sống cộng đồng. Ưu thế của nhóm chính là sự thông minh, dí dỏm của 9 thành viên, họ đã tạo dựng thương hiệu Sài Gòn Tếu bằng việc khai thác thông tin từ báo chí, truyền hình, những vấn đề giới trẻ đang quan tâm.... Kênh YouTube của nhóm đã có hàng ngàn lượt người xem, quan tâm, chia sẻ.

Nghệ sĩ Lương Thành Đức và các thành viên CLB hài kịch ứng tác Hà Nội, Ảnh : T.Đ

Phải nâng tầm nếu muốn chuyên nghiệp

Theo đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai, Phó Trưởng khoa sân khấu Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, kịch ứng tác đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới và đặc biệt là ở châu Âu. Kịch ứng tác luôn đặt người nghệ sĩ ở hoàn cảnh phải làm tươi mới, đưa nghệ thuật phản ánh xã hội, lồng vào đó những thông điệp về những vấn đề thời sự nóng hổi. Có điều là ở thế giới thì kịch ứng tác được coi là một loại hình sân khấu chuyên nghiệp và những nghệ sĩ tham gia đều rất tài năng, họ không chỉ được trang bị đầy đủ mọi kiến thức, kỹ năng sân khấu mà còn phải có nền tảng kiến thức sâu rộng về văn hoá, triết học, chính trị… để làm sao có thể giải đáp mọi tình huống một cách thông minh, sắc bén nhất.

NSƯT Bùi Như Lai cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu của sân khấu hài kịch ứng tác hiện nay phải có những nghệ sĩ tầm cỡ như NSƯT Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành ở TP.HCM, NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc ở Hà Nội… “Theo tôi, những nghệ sĩ làm sân khấu kịch ứng tác cần phải có một kế hoạch phát triển các CLB được xây dựng theo xu hướng sân khấu mới này. Nếu không có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp thì chắc chắn sân khấu kịch ứng tác cũng sẽ đi vào lối mòn và mai một như loại hình sân khấu kịch hình thể ở miền Bắc trước đây”, NSƯT Bùi Như Lai nhận định.

Băn khoăn của đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai không phải là không có cơ sở. CLB hài kịch ứng tác Hà Nội do nghệ sĩ Lương Thành Đức sáng lập từ năm 2017 cho đến đầu năm 2021 thì tạm dừng vì nghệ sĩ này chuyển vào Nam làm việc. CLB này là sân chơi cho các bạn trẻ cùng tham gia mang tính chất tự phát và kinh phí do nghệ sĩ này bỏ ra để duy trì hoạt động. Sau khi tạm dừng, các thành viên đã “đầu quân” sang các CLB khác ở Hà Nội.

Việc nhiều người trẻ tham gia kịch ứng tác là một tín hiệu đáng mừng đối với sân khấu hiện nay. Các CLB đều xem khán giả là thành tố tham gia để làm nên thành công của suất diễn và họ luôn trong tư thế hoàn thiện kỹ năng diễn xuất, lắng nghe phản hồi của người trẻ. Đây là một hướng đi mới đưa kịch tới gần hơn với công chúng hiện đại - điều mà sân khấu kịch chính thống lâu nay vẫn loay hoay tìm lời đáp. Tuy nhiên, nhìn vào thực lực của đội ngũ nghệ sĩ tham gia sân khấu kịch ứng tác thì rõ ràng những CLB này đang rất cần sự đầu tư một cách bài bản từ cơ sở vật chất, giáo trình giảng dạy và đặc biệt là sự tham gia của những nghệ sĩ “gạo cội” tâm huyết để nâng tầm cho sân khấu kịch ứng tác thực sự trở thành chuyên nghiệp. 

 THUÝ HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top