Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nâng cao chất lượng trại sáng tác: Bớt phong trào, đầu tư chiều sâu

Thứ Sáu 26/03/2021 | 10:02 GMT+7

VHO- Khi được hỏi, phần lớn các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch... đều khẳng định, trại sáng tác có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ công việc sáng tác. Đến hẹn... lại có, rất nhiều trại sáng tác đã được mở và đón tiếp hàng trăm, ngàn lượt tác giả đến các trại để “thai nghén” và hoàn thiện đứa con tinh thần của mình.

 Một trại sáng tác kịch bản cho phim hoạt hình

Tuy nhiên, không phải trại viết nào cũng đạt được kết quả mong muốn. Có ý kiến cho rằng, để nâng hiệu quả hoạt động sáng tác cần đặc biệt trú trọng tìm kiếm và bồi dưỡng những tác giả trẻ.

Tác giả cần có trại để... sáng tác

Theo báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức thành công 77 trại sáng tác, trong đó có 54 trại tổng hợp và 23 trại chuyên sâu, với 3.059 tác phẩm thuộc nhiều thể loại văn học, nghệ thuật.

Trong thời điểm hiện tại việc tổ chức các trại sáng tác chính là chất xúc tác cho hoạt động sáng tạo hiện nay. Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của nhà sáng tác đối với văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nên các tác phẩm có giá trị, nhà thơ Đoàn Văn Mật cho rằng: “Văn nghệ sĩ rất cần nhà sáng tác, bởi đây chính là một biểu hiện cho sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đến không khí sáng tạo của các cá nhân. Đến với điểm hẹn này, văn nghệ sĩ được nghe, được hiểu, được học, trao đổi và khích lệ nhau sáng tạo, bởi đôi khi với những đề tài nóng, nếu có sự đóng góp ý kiến của tập thể thì tất cả khó khăn đều có thể được tháo gỡ”.

Có giai đoạn, việc tổ chức các trại sáng tác văn học, nghệ thuật thường chú trọng đến số lượng và yếu tố vùng miền để mời các tác giả tham dự trại viết. Trại đông thì vui. Các vùng miền tham gia thì tác giả có cơ hội gặp nhau để hàn huyên, khoe nhau ý tưởng này, dự án nọ. Nhưng để có được những tác phẩm chất lượng sau mỗi trại viết và những tác phẩm ấy đến được với công chúng là những tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh có giá trị văn học, nghệ thuật cao thì không nhiều. Một phần vì các tác giả đăng ký tham gia trại là những người rảnh về thời gian; hoặc có nhóm tác giả “hợp cạ” để lên trại còn “mồi chuyện” nên không phải những cây bút thành danh nào cũng có điều kiện tham gia trại thường xuyên. Thế mới nói, chất lượng trại viết phụ thuộc vào chất lượng của tác giả.

Một lý do khác, với những trại viết 15 ngày, chỉ đủ để các tác giả hoàn thiện những tác phẩm ngắn hoặc nhặt nhạnh những gì mình sáng tác đưa vào tuyển tập; với nhà thơ thì được dăm bảy bài nếu gặp cảm xúc... Còn sáng tác tiểu thuyết ở những trại viết ngắn là chuyện không tưởng. Những tiểu thuyết có giá trị của nhà văn Chu Lai, Hoàng Quốc Hải... khi tham gia các trại viết trước đây đều cỡ 1-3 tháng. Để nâng cao chất lượng trại viết, những năm gần đây, các đơn vị tổ chức trại đã quan tâm lựa chọn những cây bút tiêu biểu, có ít nhiều thành tựu văn học, nghệ thuật ở quy mô cấp chuyên ngành hoặc đang có những dự án ấp ủ đúng với yêu cầu của đơn vị tổ chức trại.

Về điều này, nhà văn Nguyễn Thu Huệ chia sẻ: “Cái quan trọng nhất làm nên chất lượng của mỗi trại viết vẫn là ở mỗi nhà văn. Nói cách khác là chất lượng tác giả. Còn mô hình trại viết, tôi thấy có một mô hình khá hay mà một số Tạp chí Hội Nhà Văn và Tạp chí Văn Nghệ Quân đội đã làm rất hiệu quả - Trại viết thực tế. Đó là liên hệ với các địa phương, tập hợp những cây viết có chất lượng, sung sức đi thực tế tại các địa phương đó. Họ tiếp cận thực tế, va đập cuộc sống, ý tưởng nảy ra... rồi có thời gian suy ngẫm, biến ý tưởng ấy thành tác phẩm”.

Cần có sự tham gia của các tác giả trẻ

Nói về vai trò của người trẻ tham gia trại sáng tác, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà khẳng định: “So với các trại viết văn, kịch bản điện ảnh phim truyện, tài liệu, hay sân khấu... trại viết cho hoạt hình là đông tác giả trẻ nhất. Bởi, ngay từ đầu chúng tôi đã định hướng tác phẩm dành cho người trẻ, thiếu nhi... nên rất cần sự tươi mới của những tư duy sáng tác trẻ. Nhưng cũng chính điều này đã tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt ngay ở đầu vào tham gia trại.

Để chọn được 15 tác giả tham gia trại phải lựa chọn họ từ hơn 150 đề cương gửi đăng ký. Việc các tác giả tham gia trại cũng không chỉ đơn thuần là sáng tác kịch bản của mình mà cũng chính là quá trình đào tạo của chúng tôi để tạo nguồn biên kịch viết kịch bản cho Hãng phim Hoạt hình. Chúng tôi đã cử theo các biên tập để cùng đồng hành với các tác giả trong quá trình tham gia trại. Nhờ vậy 80-100% kịch bản viết ở trại sau đó đều được nghiệm thu và dựng phim”. Nhà văn Nguyễn Văn Toan thì chia sẻ: “Sau những lần tham dự các hội trại sáng tác, không chỉ bản thân mình mà còn nhiều bạn trẻ khác đều có những tác phẩm truyện ngắn được giới thiệu tới công chúng, từ đó thấy được những tác phẩm hoàn thành trong thời gian tham dự trại viết bị đắp chiếu đã ngày một giảm bớt, đem lại cái nhìn nhiều thiện cảm hơn đối với các trại sáng tác. Tuy nhiên, để thế hệ văn nghệ sĩ trẻ thực sự hứng thú với các trại sáng tác, cần loại bỏ bớt một số trại sáng tác theo khuynh hướng phong trào và đầu tư thêm về mặt cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của những người tham gia. Điều này tạo sự cuốn hút hơn cho người trẻ mỗi lần có chương trình trại”.

Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) và Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã ký kết thành công Chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025. Với chương trình này nhiều văn nghệ sĩ và ngay cả bạn đọc cũng đang kỳ vọng, trong công tác quản lý và phát triển sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn học, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT các tỉnh, thành phố hoạt động theo định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác cũng sẽ được chú trọng…

Đây là những tín hiệu vui về sự hợp tác theo chiều sâu của cơ quan Bộ VHTTDL với Hội chuyên ngành, Hội Nhà văn Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của văn học nước nhà. Bởi theo cơ chế phối hợp, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu và phổ biến những tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn học xuất sắc; tạo điều kiện để độc giả tiếp nhận, hưởng thụ tác phẩm văn học; phối hợp đưa tác phẩm văn học giá trị vào nhà trường… 

 VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top