Những câu chuyện về sự trở lại của gốm sứ

VHO- Triển lãm gốm sứ “Vết in từ đất” đang diễn ra tại Sàn Art, TP.HCM đã mang đến cho công chúng sự thưởng ngoạn một không gian nghệ thuật độc đáo, cũ mà mới với sự trở lại của gốm sứ trong nhiều vai trò khác nhau, qua bàn tay của bốn nghệ sĩ Bùi Công Khánh, Hồng Lĩnh, Lê Triều Điển và Nguyễn Đức Phương.

Những câu chuyện về sự trở lại của gốm sứ - Anh 1

Nghệ sĩ Lê Triều Điển trong không gian sáng tạo của mình

Triển lãm có thể chia thành năm nội dung như: “Gốm sứ trong thủ công và thủ công trong mỹ thuật”, “Gốm sứ ý niệm trình diễn di sản”, “Một chỉ dẫn khác của gốm sứ”, “Anh hoa của các vật thể dân gian” và “Căn phòng của riêng ta”.

Gắn với truyền thống bản địa

Thay vì chỉ tập trung vào các đồ vật riêng lẻ, triển lãm nhằm mục đích xem xét tầm quan trọng của từng bộ tác phẩm và tìm hiểu cách các nghệ sĩ đã khám phá, thử nghiệm, tái bối cảnh hoá đồ gốm và nâng tầm chúng lên trên cấp độ thủ công. Kết nối Bùi Công Khánh, Lê Triều Điển, Hồng Lĩnh và Nguyễn Đức Phương là những đồ gốm theo cách này hay cách khác gắn với truyền thống bản địa, dù trong thẩm mỹ, phương tiện, chủ đề hay địa điểm sản xuất, nhưng đã không còn quan hệ với chức năng sử dụng.

Đó là những tác phẩm nhìn lại ranh giới ý niệm của phương tiện, những vật thể được trí thức hoá, hồi sinh và tôn vinh di sản Việt Nam, đồng thời mở rộng nhận thức của chúng ta về gốm sứ trong nghệ thuật đương đại. Bùi Công Khánh (sinh 1972, tại Đà Nẵng) đã tự khẳng định mình là một nhân vật hàng đầu trong số các nghệ sĩ khu vực, những người đã sử dụng truyền thống thủ công làm chất xúc tác cho sự đổi mới. Về mặt phong cách đồ sứ và đồ gốm men ngọc của anh không chỉ khác với hình thức và công dụng thông thường của chúng mà còn chứa đầy ý nghĩa, khi chất liệu trở thành vật mang ý niệm cho sự phê bình xã hội. Đặt trong không gian và thẩm mỹ đối lập với ông, các tác phẩm thô mộc và không bó buộc của nghệ sĩ Lê Triều Điển (1943, Bến Tre) và Hồng Lĩnh (1953, Vĩnh Long) gợi cho chúng ta một tiếng nói khác: Đó là tiếng nói của những nghệ sĩ tự học, có tầm nhìn xa, không đi theo những mong đợi của phòng tranh chính thống.

Đồ gốm bằng đất nung của họ đầy sức sống, gợi lên sự trở lại của các hình thức chế tạo nguyên thủy và bản năng, không phù hợp với bất kỳ khuôn mẫu nào. Cuối cùng, Nguyễn Đức Phương (1982, Hà Nội), còn gọi là Phương Giò, đứng ở giữa nghệ thuật dân gian và mỹ thuật, anh đứng gần nhất với nghề thủ công truyền thống trong việc tuân thủ chủ đề và chất liệu. Khả năng trẻ hóa nghệ thuật bản ngữ của anh bằng cách truyền cho chúng sự hài hước và thử nghiệm cho phép anh loại bỏ các nhãn hiệu nghệ nhân, thay vào đó trở thành một phong cách trong một trí tưởng tượng phức tạp hơn… Mỗi nghệ sĩ có mối liên hệ cụ thể với truyền thống gốm sứ và không gian sản xuất của họ: Bùi Công Khánh gắn kết di sản hỗn hợp của mình với các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng và Giang Tây; Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh gìn giữ tình yêu quê hương trong việc sử dụng đất sông Mekong, hoặc trong cuộc điều tra đa dạng của Nguyễn Đức Phương về truyền thống dân gian và nghề thủ công ở miền Bắc Việt Nam.

Đối với nhiều khán giả đương đại, sức hấp dẫn của đồ thủ công đến từ sự kết nối của nó với cuộc sống hằng ngày. Xuất phát từ ý tưởng này, người ta có thể ghi nhận sự tương đồng giữa không gian sản xuất cá nhân của nghệ sĩ (tại nhà hoặc trong xưởng) như một phần của bản sắc hình thành tác phẩm nghệ thuật và sự hiện diện tưởng tượng của họ trong không gian triển lãm…

Những câu chuyện về sự trở lại của gốm sứ - Anh 2

 Các sắp đặt gốm của nghệ sĩ Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh

Tiếng nói và phương pháp hợp lệ cho các nghệ sĩ đương đại

Với Bùi Công Khánh, việc phân biệt tác phẩm nghệ thuật của anh với các đồ vật chức năng của ngôi nhà là rất khó vì cả hai đều được trình bày cạnh nhau trong những trưng bày khéo léo.

Sự tương tác giữa các đồ vật có tính chức năng sử dụng và nghệ thuật nhấn mạnh chất lượng thấm nhuần không gian kiến trúc trong tác phẩm của anh. Với Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh, nghệ thuật và sự sáng tạo tràn ngập khắp mọi nơi từ gối đệm, ghế sofa đến cầu thang và kệ chứa đầy tác phẩm. Thơ và sơn có mặt trên các tấm toan vẽ, các từ ngữ được tạo lại thành bảng chữ cái bằng gốm, các bình hoa được chuyển thành giá đỡ, và các tác phẩm nghệ thuật cũ hay gần đây chia sẻ mọi ngóc ngách và bức tường của gia đình. Đó là sự sáng tạo vui tươi, mang tính thiết tha và bản năng trong thực hành của họ, và ở đây điều đó được trưng bày một cách trừu tượng trên các bệ đỡ gỗ, nhằm mục đích ghi lại dáng vẻ đa chiều trong ngôi nhà của họ. Là một người đam mê sưu tầm hay tích trữ, các đồ vật dân gian và những món đồ tìm thấy, Nguyễn Đức Phương đã trở thành một dạng bách khoa toàn thư về nghề thủ công địa phương.

Trải nghiệm tại xưởng của Nguyễn Đức Phương, với trần thấp và mặt đất trống, gợi nhớ đến việc đi vào căn gác bị lãng quên của ai đó, có lẽ đó là lý do tại sao không gian gác lửng đột nhiên cảm thấy khá thích hợp... Mỗi khu vực mang mục đích cung cấp bối cảnh và cơ sở cho cách tiếp cận độc đáo của các nghệ sĩ đối với việc tạo ra đồ gốm, và các phép sắp đặt đối chiếu tinh tế cho thấy một cái nhìn toàn diện và bao quát hơn về phương tiện gốm.

Có thể nói, sự trở lại của gốm sứ, và nói chung hơn là thủ công, trong các cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại đã liên tục thúc đẩy các cuộc tranh luận trong hai thập kỷ qua: Về quan điểm cũ phân biệt cao và thấp trong nghệ thuật, về chức năng thẩm mỹ của nghệ thuật, về phân loại thủ công và vật mỹ nghệ, hoặc triển vọng đương đại của nghề thủ công truyền thống. Nếu chúng ta đi theo logic rằng nghệ thuật đương đại phát triển từ quá trình phi vật chất hóa những vật thể nghệ thuật thì liệu sự gắn bó của nghề thủ công vào kỹ năng và chất liệu có tự động loại bỏ nó khỏi danh mục mỹ thuật không? Hay tính chất lỗi thời và chống sản xuất hàng loạt khiến nó đủ cấp tiến và tiên phong để đảm bảo vị trí của mình trong một định nghĩa rộng hơn về nghệ thuật thị giác?

Mặc dù không có kết luận thống nhất nào được đưa ra, nhưng có vẻ an toàn khi nói rằng sự xuất hiện của thủ công ngày càng tăng trong các thiết viện chỉ ra một thực tế không thể phủ nhận: Thủ công đã trở thành một tiếng nói và phương pháp hợp lệ cho các nghệ sĩ đương đại, một lập trường mà triển lãm này mong muốn được công nhận. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc