Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ứng xử với công trình Trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM): Xứng đáng được bảo tồn như một di tích lịch sử

Thứ Tư 07/04/2021 | 10:11 GMT+7

VHO- Khi được tin Công an TP.HCM sẽ di dời Trại tạm giam Chí Hòa về trại tạm giam T30 và sẽ hoàn thành trong quý 2.2021, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực cho rằng đây là cơ hội để thành phố biến nơi đây thành công viên, bảo tàng phục vụ người dân và du khách.

 Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại nơi anh bị xử bắn ở khám Chí Hòa - Ảnh: NHƯ PHONG

Cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ ngạc nhiên xen lẫn khó hiểu là vì sao đến thời điểm này công trình Trại tạm giam Chí Hòa vẫn chưa được tiến hành lập hồ sơ để xem xét công nhận di tích lịch sử cách mạng...

Cần có biện pháp bảo tồn sớm

Được biết, năm 2017 UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 923 phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020, trong đó Trại tạm giam Chí Hòa đóng trên địa bàn phường 12 (quận 10) do Công an TP.HCM quản lý thuộc loại hình công trình lịch sử được lập hồ sơ để xếp hạng di tích. Theo một nguồn tin cho biết, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị được khảo sát công trình này nhằm thu thập hồ sơ nhưng chưa được hợp tác. Trong khi đó, Danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tóm tắt Trại tạm giam Chí Hòa: “Nơi đây đã từng giam giữ các chiến sĩ cộng sản, sinh viên, trí thức,… đấu tranh cho công cuộc giải phóng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.

Theo cuốn Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, “Khám Chí Hòa do Nhật giúp Pháp xây dựng năm 1943. Tòa nhà cao như một building nhiều tầng, mặt ngoài tường bê tông vây kín, trên một mặt bằng hình bát giác, mở ra sân trong chia ô theo từng khu vực phòng giam, với hành lang chạy quanh, song sắt chắc chắn. Nhà tù có thể chứa từ 2.000 đến 7.000 tù nhân, sinh hoạt như một tòa chung cư vĩ đại. Tòa nhà không có giá trị về mặt thẩm mỹ nhưng cũng xin ghi lại đây để biết một loại hình kiến trúc hành chính khác”. Hiện có nhiều nguồn tư liệu, sách báo và nhân chứng đủ để nói lên khám Chí Hòa chính là trung tâm giam giữ rất lớn đối với tù nhân là nhiều nhà hoạt động cách mạng, và nơi đây cũng là “địa ngục” của sự tra tấn rất dã man đối với các chiến sĩ cách mạng. Trong phạm vi Trại tạm giam Chí Hòa hiện còn khám Chí Hòa là nơi đã từng giam cầm và xử tử anh hùng Nguyễn Văn Trỗi năm 1964.

Trả lời báo chí, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, Trại tạm giam Chí Hòa quá tải nên Công an TP.HCM đề xuất di dời và đã được Bộ Công an chấp thuận chủ trương. Về công năng của trụ sở trại tạm giam Chí Hòa sau khi di dời, ông Xô cho biết nên giữ lại một phần để làm bảo tàng. Còn phương án hay cách ứng xử với nó như thế nào vẫn còn đang bỏ ngỏ khiến dư luận và những người quan tâm không khỏi “quan ngại”. Chia sẻ với phóng viên Văn Hóa, PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM nhấn mạnh, “những di tích, công trình để lại nhiều dấu ấn của một thời kỳ lịch sử gắn liền với rất nhiều hoạt động của một bộ phận nhân dân, hoặc của lực lượng vũ trang, các lực lượng cách mạng khác thì cần phải có biện pháp bảo vệ, tuyên truyền và tạo điều kiện phát huy. Vì thế cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nên có biện pháp để cho công trình kiến trúc Trại tạm giam Chí Hòa trở thành nơi tham quan để người dân, du khách trong và ngoài nước có hiểu biết thêm về truyền thống đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng”.

 Trại tạm giam Chí Hòa nhìn từ trên cao Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nơi khác giữ được thì nơi đây cũng cần xếp hạng

Cũng theo PGS.TS Hà Minh Hồng, chúng ta cần biết rằng để có một TP.HCM hiện đại như ngày hôm nay thì cần phải ghi nhận công lao của biết bao thế hệ, những người đi trước đã cống hiến cả xương máu cho độc lập dân tộc. Với những công trình còn ghi dấu lại như Trại tạm giam Chí Hòa thì rất cần bảo tồn để thế hệ mai sau hiểu thêm về những tội ác mà quân xâm lược đã gây nên. Nếu chỉ vì xây dựng và phát triển mà chúng ta phải làm cho nó bị mất đi thì thật sự rất đáng buồn. “Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử của mình, công trình Trại tạm giam Chí Hòa ít nhất phải là di tích cấp thành phố, rồi đến di tích cấp quốc gia. Cho nên, tôi rất ủng hộ việc xây dựng hồ sơ di tích cho công trình này trở thành di tích lịch sử để di tích được giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo và phát triển hiệu quả, tránh việc để công trình rơi vào quên lãng. Cơ quan liên quan, mà cụ thể ở đây là Công an TP.HCM cần có bước đi thật thận trọng, ghi nhận ý kiến của các ngành, các cấp liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học trước khi quyết định số phận công trình này, đừng để sự việc đã rồi thì có muốn làm lại cũng không còn kịp”, PGS.TS Hà Minh Hồng nói.

Trại tạm giam Chí Hòa gắn liền với biết bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống và cũng đã có nhiều hồi ký, công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đề cập đến, qua đó cho thấy đây là một công trình có giá trị lịch sử rất tiêu biểu, không thể để mất đi, mà bằng mọi giá phải được giữ lại. Nhiều thành phố lớn trên thế giới, bên cạnh các công trình nguy nga, bề thế hiện đại thì các công trình lịch sử luôn được giữ gìn. Đó không phải là sự mâu thuẫn trong quá trình phát triển mà đó là phản ảnh sự hiện đại và ý thức văn hóa, ý thức di sản, ý thức lịch sử của mỗi con người khi ứng xử với di sản. “Với tư cách là một hội nghề nghiệp, chúng tôi sẽ có công văn đề nghị gửi cấp có thểm quyền, bởi nếu không, chỉ cần chậm một bước thì sau này khi đã quy hoạch, đi vào thực hiện rồi thì sẽ khó mà thay đổi”, PGS Hồng đề xuất.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM cho biết, trong những năm chiến tranh, miền Nam có nhiều nhà tù nhưng có lẽ Trại tạm giam Chí Hòa là nhà giam lớn nhất ở TP.HCM. Đặc biệt, không có đồng chí nào tham gia cách mạng trước khi bị tù đày ra Côn Đảo mà không trải qua bị tạm giam ở Chí Hòa. Vì thế, công trình này là nơi ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, nhất là những cuộc đấu tranh chính trị. Do đó, quan điểm của Hội Di sản văn hóa là phải giữ lại công trình, hoặc chí ít giữ lại một phần như nhà tù Hỏa Lò. Trước mắt, công trình đã được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thì phải được đối xử như một di tích theo Luật Di sản văn hóa hiện hành, không được phá bỏ khi chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa về vấn đề là nên ứng xử như thế nào khi Trại tạm giam sẽ được di dời trong nay mai, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng cho biết là ông hơi ngạc nhiên khi công trình này đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích cấp thành phố, tiến tới di tích cấp quốc gia như nhiều nhà tù khác như nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc... “Vì nó quá xứng đáng”, ông nhấn mạnh và cho rằng, với chủ trương di dời thì cơ quan chức năng của TP.HCM nên tiến hành tổ chức hội thảo để nhận diện, đánh giá công trình Khám Chí Hòa để qua đó lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng. Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, chúng ta có thể “nhân nhượng” cho sự phát triển kinh tế, xã hội nhưng ít nhất cũng phải giữ được phần lớn công trình này để làm bằng chứng tố cáo những tội ác của đế quốc đã gây ra... 

 THÙY TRANG – HOÀNG HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top