Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thực hiện Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là điểm nhấn trong Chiến lược Phát triển Văn hóa của đất nước

Thứ Tư 07/04/2021 | 16:33 GMT+7

VHO- “Việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm tới phải đặt ra mục tiêu, lộ trình cụ thể và đặc biệt, phải xác định đây là điểm nhấn trong thực hiện Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030...”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại cuộc họp về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vào sáng 7.4.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sau gần 5 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cần đánh giá  chúng ta đã làm được những gì, những gì chưa làm được, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, phương hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Sau gần 5 năm triển khai, cần đánh giá  chúng ta đã làm được những gì, những gì chưa làm được, thuận lợi và khó khăn, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, phương hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược.
“Cần xác định Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam phải tạo ra những sản phẩm cụ thể, mang giá trị kinh tế đóng góp vào GDP và sự phát triển của đất nước”,  Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhìn lại kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Lê Hồng Phong cho biết, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Chiến lược, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch  thực hiện, trong đó chú trọng đến công tác phổ biến, quán triệt nhận thức về tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật  nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ trưởng lưu ý, việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm tới phải xác định là điểm nhấn trong thực hiện Chiến lược phát triển Văn hóa của đất nước

Tại Quyết định 1755/QĐ-TTg, Thủ tướng giao Bộ VHTTDL triển khai, thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa trong 5 lĩnh vực: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Quảng cáo và Du lịch văn hóa. Bộ đã ban hành các văn bản liên quan đến từng lĩnh vực, tập trung nội dung về truyền thông, nâng cao nhận thức; xây dựng thương hiệu quốc gia trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Cùng với những thuận lợi, việc triển khai thực hiện Chiến lược còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển  kinh tế- xã hội chưa đầy đủ; nguồn nhân lực còn hạn chế; chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời để phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho hoạt động và đầu tư nâng cấp trang thiết bị trong các công trình văn hóa nghệ thuật, thiết chế văn hóa trọng điểm chưa được quan tâm đúng mức và đầu tư thiếu đồng bộ; các sản phẩm cụ thể không nhiều; nhiều ngành công nghiệp văn hóa chưa có nhiều sáng tạo đột phá...
Đề xuất Bộ VHTTDL chủ trì, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chỉ thị về đẩy mạnh công tác triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam" nhằm đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Lê Hồng Phong nêu, mục tiêu thực hiện Chiến lược trong thời gian tới cần tập trung, không dàn trải. Trước mắt, đề xuất một số nội dung về đề án truyền thông và số hóa dữ liệu tổng thể về các ngành công nghiệp văn hóa...

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Lê Hồng Phong báo cáo kết quả triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong gần 5 năm qua

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị báo cáo một số thuận lợi, khó khăn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở từng lĩnh vực. Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, tạo ra những sản phẩm văn hóa cụ thể mang lại nguồn thu kinh tế. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ, thành công của những bộ phim tư nhân ra rạp trong thời gian qua như “Bố già”, “Tiệc trăng máu”... cho thấy phim hay luôn có sức cạnh tranh, thu hút khán giả đến rạp.  Trong hơn một năm qua, việc tháo “nút thắt” ở khâu kiểm duyệt, tạo sự thông thoáng đã mang lại hiệu quả rõ rệt,  hàng loạt tác phẩm điện ảnh ra rạp trong năm 2020 đã đem lại doanh thu đáng kể.
Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đang đặt ra bài toán cần có sự nghiên cứu, đưa ra giải  pháp và định hướng cụ thể. Thứ trưởng lưu ý, Bộ VHTTDL đang xây dựng Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030. Đây là Chương trình hành động của Bộ VHTTDL nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải được  xác định là điểm nhấn trong thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa của ngành.
Sau gần 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt  là 3 năm đầu với bối cảnh thuận lợi cơ bản, Bộ VHTTDL đã  nỗ lực thực hiện một số sản phẩm văn hóa có giá trị kinh tế và ở chừng  mực nào đó, các giá trị kinh tế kết tinh trong sản phẩm văn hóa cụ thể đã đóng góp một phần trong thu ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển. 

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành

Tuy nhiên, Thứ trưởng nêu rõ, nhìn một cách tổng thể, nhiều mục tiêu chưa đạt được như trong Chiến lược đề ra. Thực tế này có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan chi phối. Trong đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là lĩnh vực mới và khó đối với Việt Nam, cách tính toán để lượng hóa được các giá trị kinh tế lồng ghép trong sản phẩm văn hóa chưa được tách bạch, nguồn lực chưa được đầu tư tương xứng với nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa còn giản đơn, chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến việc chưa có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị kinh tế cao, đóng góp vào GDP và sự phát triển của đất nước...

Thứ trưởng giao Cục Bản quyền tác giả là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan thành viên xây dựng nội dung triển khai Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tổng thể Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2026. Hiện nay, lãnh đạo Bộ đang chỉ đạo Viện VHNT quốc gia Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ cần chủ động, phối hợp với Viện VHNT quốc gia Việt Nam để khớp nối, đưa những nội dung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong từng lĩnh vực vào tổng thể Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030.
Thứ trưởng lưu ý, trong thực hiện Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam những năm tới, cần phải hoàn thiện, bổ sung các thể chế, thiết chế. Trong đó, phải rõ phân bổ các nguồn lực như thế nào. Đặc biệt, phải xác định sản phẩm của công nghiệp văn hóa ở từng lĩnh vực là gì...

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương phát biểu về phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực quảng cáo

“Từng ngành phải chọn sản phẩm cụ thể để tập trung xây dựng. Chẳng hạn, điện ảnh trong 5 năm tới sẽ có bao nhiêu bộ phim, tỉ lệ đóng góp GDP là bao nhiêu, phim đưa ra thế giới là gì. Tương tự, trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sẽ chọn lĩnh vực nào, sản phẩm cụ thể sẽ phát triển ở thị trường nào...”, Thứ trưởng yêu cầu.
Với cách tiếp cận đó, theo Thứ trưởng, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để đạt hiệu quả cao cần  phải có mục tiêu, lộ trình cụ thể, không chung chung. Những nội dung này cũng sẽ được lồng ghép trong hội thảo xin ý kiến hoàn thiện Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam, dự kiến được Bộ VHTTDL tổ chức tới đây. Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan liên quan ở từng lĩnh vực cần khẩn trương chuẩn bị những nội dung đóng góp này. “Thiết thực, cụ thể, từ thấp đến cao..., tinh thần xây dựng chương trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới phải truyền được ngọn lửa này, tinh thần này”, Thứ trưởng lưu ý.
 Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh từ những Hội nghề nghiệp chuyên ngành  để có được các sản phẩm văn hóa cụ thể, có giá trị kinh tế. Như vậy, sau 3- 5 năm nhìn lại, chúng ta mới có được công cụ đo lường hiệu quả mà các sản phẩm công nghiệp văn hóa đem lại.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top