Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ý nghĩa của loài hoa Dook Khoun trong đời sống của người dân Lào

Chủ Nhật 11/04/2021 | 12:07 GMT+7

VHO- Theo quan niệm của người Lào, người nào dâng hoa Dook Khoun lên Đức Phật, người đó sẽ có sức mạnh đánh bại mọi kẻ thù, học hành giỏi giang và trở thành người thông minh, luôn thăng tiến.

Y nghia cua loai hoa Dook Khoun trong doi song cua nguoi dan Lao hinh anh 1

Dook Khoun, loài hoa báo Tết vào mỗi dịp Bun Pi Mày

Hằng năm, cứ mỗi dịp cuối tháng Ba và đầu tháng Tư dương lịch, khi cái khô, cái nóng có thể cảm nhận được mọi nơi mọi lúc trên khắp nước Lào, cũng là lúc các đường phố, làng bản của đất nước Triệu Voi lại được nhuộm vàng bởi những sắc hoa Dook Khoun.

Giống như hoa đào ở Việt Nam, thường chỉ nở vào Tết Nguyên Đán, hoa Dook Khoun, tiếng Việt là muồng Hoàng Yến, cũng được xem là loài hoa báo hiệu một Năm mới đã đến khi thường nở rộ vào đúng dịp Bun Pi Mày, Tết cổ truyền của người dân các dân tộc Lào anh em.

Đối với người Lào, hoa Dook Khoun luôn có ý nghĩa sâu sắc và rất quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh, là loại hoa đại diện cho sự thuần khiết, may mắn và thịnh vượng. Thân cây có thể làm thuốc, gỗ của cây rất cứng, có thể làm các vật dụng trong nhà, đặc biệt là hoa, có màu vàng chanh tươi sáng, mọc thành chùm dài, dày đặc phất phơ theo gió, tạo nên những tấm thảm vàng óng ả với vẻ đẹp rất riêng, thanh khiết, nhưng cũng không thiếu sự quý phái và sang trọng.

Theo quan niệm của người Lào, người nào dâng hoa Dook Khoun lên Đức Phật, người đó sẽ có sức mạnh đánh bại mọi kẻ thù, học hành giỏi giang và trở thành người thông minh, luôn thăng tiến trong công việc.

Sư thầy Okath Pethsisanovong, chùa Simeuang, một ngôi chùa có tiếng là linh thiêng ở thủ đô Vientiane cho biết người nào dùng nước có thả những bông hoa Dook Khoun để tắm cho Phật, một nghi lễ thiêng liêng chỉ được tiến hành 1 năm 1 lần vào ngày đầu tiên của Năm mới Lào, người đó sẽ toại nguyện mọi ước mơ, tích được nhiều công đức.

Đặc biệt, nếu thường xuyên sử dụng nước có thả những bông hoa Dook Khun để tắm cho Phật, người đó sẽ có vẻ đẹp thuần khiết như hoa, có con cháu thông minh, ngoan hiền, học hành giỏi giang và sau này lớn lên sẽ trở thành người con, người cháu hiếu thảo trong gia đình, trở thành người có ích cho xã hội.

Đó là lý do vào mỗi dịp tết cổ truyền của dân tộc Lào, hoa Dook Khoun lại trở thành một trong những nguyên liệu bắt buộc làm nên loại nước thơm tắm Phật và sau đó được dùng để vẩy cầu may cho người thân trong gia đình, cho bạn bè, khách khứa và thậm chí là đồ vật trong nhà để lấy may.

Y nghia cua loai hoa Dook Khoun trong doi song cua nguoi dan Lao hinh anh 2

Một âu nước thơm tắm Phật cùng các loại hoa lá dùng để vẩy nước chúc phúc đã sẵn sàng

Trong tiềm thức của người dân Lào, nước ngâm hoa Dook Khoun giống như một loại nước thánh, khi vẩy lên người bất kỳ ai, người đó sẽ tránh được mọi phiền muộn, bệnh tật và có được sự may mắn trong năm tới.

Nói về ý nghĩa của loài hoa này, chị Viengsi Soukkhaseum, một cư dân thủ đô Vientiane cho biết Dook trong tiếng Lào nghĩa là hoa, trong khi chữ Khoun có nghĩa là may mắn. Chính vì vậy, mỗi khi đón Tết cổ truyền, ngoài dùng hoa Dook Khoun để pha nước tắm Phật, người Lào còn hái hoa để buộc vào cửa nhà, cổng nhà, ôtô và đồ vật...

Trong dịp này, quả Dook Khoun khô cũng sẽ được dùng thay thế dùi chiêng, trống với quan niệm mỗi âm thanh phát ra là những điều cầu chúc tốt đẹp lan tỏa đến với mọi người.

Với ý nghĩa văn hóa và tâm linh đặc biệt đó, nên năm nay, dù Chính phủ cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người ở nơi công cộng và chùa chiền nhưng để duy trì bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bà Bouachan Vongsa, sống tại bản Hongke, quận Saysettha, thủ đô Vientiane và người thân trong gia đình vẫn cùng nhau đi hái hoa Dook Khoun và các loại hoa, lá khác để pha chế nước thơm tắm Phật và thực hiện các nghi thức cầu chúc năm mới cho mọi người và đồ vật trong gia đình, bởi theo bà, đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp, không tổ chức được lớn thì làm theo diện hẹp, chứ không được phép bỏ.

Y nghia cua loai hoa Dook Khoun trong doi song cua nguoi dan Lao hinh anh 3

Bà Bouachan Vongsa (bên hoa Dook Khoun) đang cùng người thân trong gia đình chuẩn bị nước thơm tắm Phật trong dịp Bun Pi Mày của Lào

Theo bà Bouachan, để tạo nên loại nước thơm tắm Phật, người Lào thường dùng hoa Dook Khoun, hoa Champa (hoa đại), quốc hoa của Lào, và hoa Khut (hoa nhài tây) và một số loại củ quả khác như quả bồ kết và nghệ… Sự kết hợp giữa màu vàng may mắn của hoa Dook Khoun, màu trắng tinh khiết của hoa Khut và vẻ đẹp dịu dàng của hoa Champa cùng các loại củ quả nói trên và nước sạch sẽ tạo nước tắm thiêng, dành để tắm Phật và để vẩy lên người và đồ vật, mang lại sự may mắn, sức khỏe và hạnh phúc đến cho mọi người…

Không chỉ được coi là loài hoa báo hiệu Bun Pi Mày đã đến, trong quan niệm của người Lào, Dook Khoun còn là biểu tượng của sự thuần khiết, sự lạc quan và trí tuệ, đồng thời mang lại sự may mắn, an lành, thịnh vượng và hạnh phúc cho mọi người. Đây cũng là lý do hầu hết mọi gia đình có sân vườn tại Lào đều trồng ít nhất một cây Dook Khoun với niềm tin sẽ đem lại sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng cho gia chủ.

TTXVN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top