Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bất ổn vì... sống nhờ

Thứ Hai 12/04/2021 | 11:15 GMT+7

VHO- Cuối cùng thì ngòi nổ của “quả bom” lớn nhất LS.V.League 2021 từ đầu mùa tới giờ đã tạm được tháo sau khi Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh ứng ra 4,5 tỉ đồng trả lương cho cầu thủ.

 Dù bị nợ lương trong một thời gian dài nhưng các cầu thủ Than Quảng Ninh vẫn thi đấu đầy quyết tâm Ảnh: VPF

Thay vì bỏ thi đấu, các cầu thủ Than Quảng Ninh đã ra sân gặp CLB Hà Nội vào tối qua 11.4. Kíp nổ đã được tháo nhưng sự việc này cho thấy, bóng đá Việt Nam còn nhiều bất ổn.

Từ mô hình đáng mơ, trở thành điểm nóng

Theo ước tính, tổng số tiền mà CLB Than Quảng Ninh nợ các cầu thủ lên tới 90 tỉ đồng gồm 40% tiền lót tay hợp đồng năm 2019, năm 2020, 2021, các khoản thưởng từ cuối năm 2019 và lương từ tháng 9.2020 đến nay. Và đó là lý do để các cầu thủ đồng loạt kêu cứu và định không ra sân trong trận đấu ngày hôm qua. Khó khăn của CLB này đến từ việc từ năm 2020, nhà tài trợ chính là Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam không rót tiền tài trợ, mỗi năm khoảng 30 tỉ đồng nên một mình Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng không thể gánh vác. Cần phải nói thêm ông Hùng từng là nhà tài trợ cho nhiều hoạt động thể thao, trong đó có đội tuyển bóng đá nữ.

Cũng như bầu Đức, ông Hùng là doanh nhân đam mê bóng đá. Vì thế khi tiếp quản đội bóng Quảng Ninh vào tháng 8.2014, ông đã đem tới một luồng gió mới cho đội bóng. CLB Than Quảng Ninh bật lên, trở thành niềm tự hào của người hâm mộ vùng than. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp sa sút, khó vực dậy sau đại dịch Covid-19 thì đội bóng này lao đao theo. Từ niềm ước mơ, bến đỗ bình yên cho nhiều cầu thủ, Than Quảng Ninh rơi vào cơn túng quẫn về tài chính. Và “đám cháy” chỉ được dập tạm thời khi Chủ tịch CLB chi thêm 4,5 tỉ đồng, tỉnh thưởng thành tích thi đấu của đội 500 triệu đồng và một số doanh nghiệp trong tỉnh cũng tài trợ đội bóng để tạm thời chi trả lương, thưởng cho các cầu thủ.

Thực ra vấn đề của đội Than Quảng Ninh hiện nay là vấn đề mà nhiều CLB bóng đá phải đối mặt trong suốt thời gian qua. Theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp, các CLB bóng đá sẽ phải tự nuôi được mình, từ các nguồn thu đến từ bán vé, quảng cáo, thậm chí là đào tạo cầu thủ trẻ để bán như cách làm của nhiều đội bóng nổi tiếng trên thế giới. Nhưng cho tới giờ, đó chỉ là mô hình trên giấy. Sự thực chưa một CLB bóng đá nào ở Việt Nam tự nuôi sống được mình, dù chúng ta đã khoác tấm áo chuyên nghiệp lên tới hơn 20 năm.

Điểm danh các CLB tại V.League hiện nay thì có thể thấy CLB nào dư dả là do nhà tài trợ “chịu chơi” và ngược lại, CLB nào “đói kém” là do nhà tài trợ khó khăn hoặc rút hay không kêu gọi được nhà tài trợ. Trước đây giàu có, ổn định nhất V.League là đội bóng nhà bầu Đức. Tuy nhiên, khi việc kinh doanh của bầu Đức không được như mong muốn thì đội bóng này cũng lao đao.

Khi chưa thể tự nuôi được mình

Sau thời hoàng kim của Hoàng Anh Gia Lai đến thời của CLB Hà Nội. Đây là đội bóng ổn định và đáng mơ ước của V.League hiện nay. Nếu nói về các điều kiện để một đội bóng có thể tự nuôi được mình thì Hà Nội có đầy đủ khi sở hữu trong tay “dàn sao” khủng. Thế nhưng dù khá nhạy bén và làm truyền thông tốt nhưng thực tế cho thấy dàn sao khủng của đội bóng cũng không thể trở thành “cần câu cơm” cho CLB bằng những hợp đồng quảng cáo khủng. Thế nên CLB này vẫn đang sống dựa vào hầu bao của bầu Hiển. Tuy chưa có đại bản doanh và phải ở nhờ nhưng đây là CLB ổn định về tài chính nhất V.League hiện nay, đảm bảo đủ lương, thưởng, chế độ cho các cầu thủ và chỉ khi nào bầu Hiển nói không, đội bóng mới phải “rơi nước mắt” như các cầu thủ Quảng Ninh bây giờ.

Ví dụ nêu trên cho thấy đến một CLB có hình ảnh đẹp, thành tích tốt, nhiều “sao” như CLB Hà Nội còn chưa thể tự sống thì khó mơ các CLB khác tự nuôi sống được mình. Ở Việt Nam, các CLB bóng đá chuyên nghiệp tồn tại theo cách sân bãi là của nhà nước còn kinh phí duy trì hoạt động là của các doanh nghiệp. Vì thế khi nhà tài trợ rút thì đội bóng sẽ đứng trước nguy cơ giải tán. Thêm một vấn đề cốt lõi nữa là trong khi bóng đá còn chưa tự kéo được khán giả tới sân để CLB có thêm nguồn thu lớn từ bán vé thì mức chi trả lương, thưởng cho các cầu thủ lại khá cao so với mặt bằng chung. Ước tính thu nhập của các “sao” hàng đầu V.League rơi vào khoảng 50-60 triệu/tháng, chưa kể các khoản thưởng, phí lót tay. Thế nên một doanh nghiệp nếu muốn “ôm” được một đội bóng thì phải lo được khoản tối thiểu 35 tỉ/mùa, theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ngoài ra còn khá nhiều khoản phí phát sinh khác. Vì thế sẽ là khó khăn cho một doanh nghiệp nếu như phải nuôi một đội bóng trong bối cảnh chung, gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Bóng đá Việt Nam từng hưởng lợi khi các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư, hình ảnh được nâng cao, đời sống cầu thủ được cải thiện. Nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá bởi hàng loạt giá trị bị đẩy lên quá cao so với thực tế. Nhiều chuyên gia từng dự báo, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giống như quả bong bóng, có thể vỡ bất cứ lúc nào nếu các doanh nghiệp rút lui và thực tế ở nhiều CLB đã chứng minh điều đó. Chuyên gia bóng đá Nguyễn Hồng Thanh từng đánh gía, sau hơn 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn chưa đi đủ xa, đạt hiệu quả như mong muốn, căn cơ cho nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn mỏng, chưa đủ bền vững khi quá ít những câu chuyện nhà nước - doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ, hiệu quả và lâu dài. Ông Thanh cũng kiến nghị muốn bóng đá chuyên nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm bóng đá. 

 THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top