Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bạn đọc vẫn còn quan tâm là điều may mắn cho văn học

Thứ Tư 14/04/2021 | 11:05 GMT+7

VHO- Không lặng lẽ như mọi người nghĩ, những năm qua rất nhiều giải thưởng văn học được tổ chức nhưng lại chẳng được dư luận chú ý. Cho đến khi bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân nằm trong chùm tác phẩm được trao giải B Cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ bị “soi nát”, Hội đồng chung khảo mới ớ ra rằng, bạn đọc vẫn còn quan tâm đến các giải thưởng văn, thơ... là điều may mắn mắn cho văn học.

 Tác giả Tòng Văn Hân (thứ hai từ trái sang) và Nguyễn Văn Song nhận giải B cuộc thi thơ Báo Văn nghệ

 Nhưng, đúng là quá hiếm những tác phẩm đoạt giải xứng đáng với sự kỳ vọng của công chúng.

Hoang mang tiếng bấc, tiếng chì

Nói về giải thưởng ở mỗi cuộc thi, mặc dù Ban tổ chức đã đưa ra những kiến giải tương đối thuyết phục, nhưng đâu đó vẫn rộ lên “tiếng bấc, tiếng chì” làm hoang mang bạn đọc. Đơn cử như Cuộc thi thơ Báo Văn nghệ vừa trao giải cuối tuần qua.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, trong 2 năm, cuộc thi đã nhận được hơn 3.500 tác phẩm với hơn 400 tác phẩm đã được công bố trên Báo Văn nghệ. Một số lượng không nhỏ để có thể “đãi cát tìm vàng”. Nhưng kết quả, tác phẩm được giải B (không có giải A) lại khiến dư luận và cộng đồng mạng dậy sóng, trong đó có không ít phản ứng của những cây bút “lão làng”. Số đông không đồng tình với quyết định trao giải của Hội đồng Chung khảo. Nhiều ý kiến nghi ngờ chất lượng của cuộc thi, nói trắng ra là 3.500 tác phẩm vẫn chưa đảm bảo để có thể “đãi được ra vàng”, nếu Ban giám khảo không có sự ưu ái hoặc nhầm lẫn khi dùng lý trí và những lý do ngoài tiêu chí chất lượng để trao giải.

Về điều này, nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ chia sẻ: “Có thể nói cuộc thi là một sự chuyển dịch âm thầm. Đó là sự đang được và đang mất, đang có mà để không, đang lên mà để xuống, đang mới mà để cũ… Với những kết quả đạt được cả về số lượng cũng như chất lượng, ngay sau khi kết thúc chặng đầu, Ban tổ chức đã từng hy vọng vào một kết thúc khả quan của cuộc thi. Tuy nhiên, số lượng cùng với sự đa dạng chưa phải là tất cả...”. Cái “chưa phải tất cả” ở đây chúng ta đều hiểu rằng đó là chất lượng của những tác phẩm tham gia dự thi và những tác phẩm đoạt giải.

Còn nhà thơ Hữu Thỉnh, Trưởng Ban chung khảo đã đưa ra những kiến giải cho từng tác phẩm đoạt giải cao của cuộc thi. Theo ông, tính nhân văn đã thể hiện rất rõ, đặc biệt là ở bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm (nằm trong chùm thơ đoạt giải B của Tòng Văn Hân). “Lý thường, khi chửi kẻ trộm, người ta sẽ nguyền rủa kẻ trộm gặp những tai ương, đây Mẹ tôi chửi kẻ trộm lại mong cho kẻ trộm đủ ăn, giàu có, tử tế lên để không phải đi ăn trộm nữa. Tư tưởng đó nhân văn vô cùng, rất cao thượng và độ lượng. Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều người lại không đồng tình với ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh. Có thể bài thơ đó không dở, thậm chí tính nhân văn rất cao nhưng đã là cuộc thi văn chương chuyên nghiệp thì những tiêu chí về nghề phải được đảm bảo; và giải thưởng cao phải thật xứng đáng, phải là “khuôn, thước” để những cây viết có tự trọng hướng đến học hỏi. Còn như hiện nay, Ban tổ chức nói tôi trao đúng. Giới viết văn, làm thơ... số đông không đồng tình. Người đọc không khỏi hoang mang: Vậy thế nào mới đúng?

Tác phẩm đoạt giải có đại diện cho nền văn học?

Những năm gần đây, dư luận luôn đặt câu hỏi: Văn học Việt Nam đang ở vị trí nào? Xã hội phát triển, nhiều vấn đề mới nảy sinh; hình tượng con người của xã hội đương đại cũng có những tố chất khác trước... nhưng lại rất hiếm tác phẩm đề cập đến những vấn đề thời sự, những vấn đề mới, xây dựng con người mới chạm đến trái tim người đọc. Trong khi đó, những cuộc “đãi cát tìm vàng” vẫn liên tục được tổ chức. Ngoài các cuộc thi sáng tác, giải thưởng mang tính định kì của các Bộ, ngành, giải thưởng của Hội Nhà văn, giải thưởng của các Hội Văn học nghệ thuật… còn có các giải thưởng mang tầm khu vực như: Giải thưởng Văn học ASEAN; Giải thưởng Văn học sông Mekong. Mỗi giải thưởng có thể lệ và tiêu chí riêng để xét giải. Giải cao vẫn có, sách đoạt giải vẫn được xuất bản, bày bán trên kệ... nhưng dư âm thì không vang xa và rất ít tác phẩm đọng lại trong cảm nhận của người đọc. Không lẽ, các tác phẩm đoạt giải không đại diện cho sự phát triển của nền văn học ? Hay còn lý do nào khác?

Nhìn vào thực tế, từ trước tới nay, nhiều nhà văn, nhà thơ dẫu không nhận được giải thưởng nào trong nước, nhưng tác phẩm của họ lại có dấu ấn mạnh mẽ đối với nền văn học nước nhà như thời Thơ mới 1930-1945, thời Văn học hiện thực phê phán 1930-1945, hay các nhà thơ nhà văn gần đây như Dương Kiều Minh, Nguyễn Huy Thiệp… Từ đó có thể hiểu, các giải thưởng được trao ở một số cuộc thi chỉ có ý nghĩa nhất định với Hội đồng Giám khảo, với cá nhân tác giả và thiểu số người quan tâm chứ chưa thực sự tạo được tác động tích cực đến xã hội, chưa nói được tiếng nói của xã hội và chưa đọng lại lâu bền trong lòng độc giả. Những ý kiến chủ quan của ai đó cho rằng văn chương đoạt giải là đại diện cho văn học ở thời điểm ấy là không chính xác. Như thế, những ồn ào rồi cũng sẽ qua đi. Tác phẩm có tồn tại được với thời gian trong lòng bạn đọc hay không mới là chân giá trị của giải thưởng đích thực. 

 VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top