Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tín dụng chứng khoán, bất động sản vẫn “nóng”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ kiểm soát chặt

Thứ Tư 14/04/2021 | 14:30 GMT+7

VHO-Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 3.2021, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,93%. Tín dụng chủ yếu tập trung vào vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng vào lĩnh vực rủi ro được kiểm soát. Tuy nhiên, dư nợ cho vay với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp lại có xu hướng tăng.

Toàn ảnh Hội nghị

Tín dụng chứng khoán, bất động sản vẫn “nóng”

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, với các giải pháp tổng thể của ngành ngân hàng đã tạo đà góp phần khôi phục tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm.

Trong đó, tháng 1 tăng trưởng tín dụng 0,76%; đến tháng 2 có giảm nhẹ còn 0,66% (do diễn biến dịch Covid-19 bùng phát trở lại). Tuy nhiên đến tháng 3 cầu tín dụng tăng mạnh trở lại giúp tăng trưởng tín dụng cả quý đạt mức 2,93%. Con số này gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước (1,3%). Tổng tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỉ đồng.

Tín dụng chủ yếu tập trung vào vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng vào lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng 2,79%; nông lâm thuỷ sản đạt 2,42%; công nghiệp 3,04%; xuất nhập khẩu tăng 2,5%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,5%, công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%...

Tín dụng với các lĩnh vực rủi ro tiếp tục được kiểm soát. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn có xu hướng tăng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực chứng khoán hiện nay khoảng 45.300 tỉ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020, tuy nhiên có xu hướng tăng mạnh trong tháng 3.

“Tín dụng vào chứng khoán vào tháng 11 và tháng 12.2020 tăng trưởng khá nóng. Sang tháng 1.2021 đã giảm mạnh khoảng 10%. Tuy nhiên từ tháng 3.2021 thì lại tiếp tục tăng trở lại, nên hiện nay chỉ giảm so với cuối 2020 khoảng 1%” – ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Ngoài ra, tín dụng với lĩnh vực BOT là 108.000 tỉ, giảm 0,13%; cho vay phục vụ đời sống đạt 1,87 triệu tỉ, tăng 1,2%....

Riêng tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 3% - cao hơn mặt bằng chung toàn ngành.

“Một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn bình quân, như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó là sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước và thế giới thời gian qua cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động các ngân hàng” – ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

NHNN sẽ theo dõi, kiểm soát chặt

Dù tín dụng chung toàn hệ thống có tốc độ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là tín dụng bất động sản tăng khá nóng, song NHNN khẳng định luôn theo dõi sát sao để định hướng tín dụng chảy vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

 “Chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải tự điều hành dư nợ tín dụng của mình lành mạnh, tăng đi đôi với chất lượng, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, phòng ngừa rủi ro để đảm bảo luôn đáp ứng khả năng chi trả của người dân trong bất kỳ thời điểm nào. Không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lưu ý.

Lãnh đạo NHNN cho hay, năm 2021, định hướng mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…

Về các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tính đến cuối tháng 3.2021 hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỉ đồng.

Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23.1.2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỉ đồng cho trên 452.000 khách hàng.

Đối với chương trình cho vay người sử dung lao động để trả lương ngừng việc, đến 31.1.2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 42,9 tỉ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỉ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; Dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay là 39,66 tỉ đồng.

MINH KHÔI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top