Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Liên kết tạo sức mạnh cộng sinh

Thứ Hai 19/04/2021 | 10:59 GMT+7

VHO- Chưa mở lại thị trường quốc tế, du lịch nội địa được xác định có vai trò quan trọng, là “đòn bẩy” để phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Khách du lịch có xu hướng trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ Ảnh: BÌNH THUẬN

Trong đó, việc thiết lập, kết nối mạng lưới trong phát triển du lịch nội địa là một trong những nhiệm vụ chính.

Cần có chính sách cụ thể

Du lịch nội địa những năm gần đây đã được nhìn nhận đúng vị trí, vai trò và có nhiều chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: “Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.

Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2025 ngành Du lịch phục vụ ít nhất 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6-7%. Đến năm 2030 ngành Du lịch phục vụ khoảng 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc dộ tăng trưởng bình quân từ 5-6%. Nếu duy trì được tỉ lệ 41-45% đóng góp thu từ khách du lịch nội địa trong cơ cấu tổng thu toàn ngành thì đến năm 2025, thu từ khách du lịch nội địa sẽ đạt khoảng 740.000- 810.000 tỉ đồng và đến năm 2030 sẽ là 1.310.000- 1.440.000 tỉ đồng. Những con số này cho thấy du lịch nội đóng góp không hề nhỏ đối với sự phát triển của ngành Du lịch.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện nay những vấn đề liên quan đến du lịch đã có rất nhiều thay đổi. Về phía các doanh nghiệp, đứng trước nhu cầu du lịch an toàn như một sản phẩm mới, các doanh nghiệp đều cần có những giải pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khách và phù hợp với tình hình địa phương, đặc biệt chú trọng tới việc tạo an toàn cho khách. “Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có chiến lược hay kế hoạch sẵn sàng trong việc định hướng phát triển du lịch sau đại dịch như định hướng ưu tiên thị trường, sản phẩm du lịch, quy trình đảm bảo an toàn…”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, giải quyết đồng thời việc nhân lực du lịch đang có xu hướng thu hẹp do ảnh hướng của đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, khả năng áp dụng công nghệ trong cung ứng các sản phẩm du lịch như: Lưu trú, vận chuyển, ăn uống và các dịch vụ liên quan… hiện nay vẫn còn rất hạn chế.

Hơn nữa, cho đến nay, ngành Du lịch chưa có chính sách cụ thể đối với phát triển thị trường du lịch nội địa; công tác nghiên cứu, phát triển thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch đối với thị trường khách du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và chi tiêu của từng phân khúc thị trường khách du lịch nội địa vẫn còn nhiều bất cập khiến cho thị trường này chưa được khai thác hiệu quả.

Đảm bảo tôn trọng môi trường

Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương cho biết, hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã tái cấu trúc ngành Du lịch, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững. Trong đó, định hướng quy hoạch phát triển lại ngành Du lịch thông qua việc ban hành chính sách, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, đẩy mạnh công cuộc số hóa trong chuỗi cung ứng dịch vụ, tăng cường tính kết nối giữa nhà nước- khối tư nhân- khách du lịch, tập trung mục tiêu du lịch bền vững, thân thiện môi trường. Ở Việt Nam, dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, nhưng khách du lịch nội địa vẫn phục hồi mạnh mẽ. Năm 2020 cả nước đón 55 triệu lượt khách nội địa, 3 tháng đầu năm 2021 đón 16,5 triệu lượt khách nội địa.

Các chương trình kích cầu nội địa quy mô toàn quốc đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch đã liên kết ngày càng chặt chẽ và hình thành các liên minh, liên kết phát triển du lịch, tạo thành sức mạnh cộng sinh, giúp ngành Du lịch thoát khỏi những khó khăn, nhanh chóng hồi phục. Chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các địa phương trong cả nước, nhất là các trung tâm du lịch: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Khánh Hòa, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Ninh Bình, 8 tỉnh Tây Bắc, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang, 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Trong đó có nhiều liên minh kích cầu hoạt động hiệu quả như: Cụm 7 Sở Du lịch, Sở VHTTDL (Bà Rịa Vũng Tàu- Bình Dương - Bình Phước - Bình Thuận - Đồng Nai - TP.HCM - Tây Ninh); 3 tỉnh (Nghệ An - Hải Phòng - Bình Định); liên minh Đắk Lắk - Gia Lai - Bình Định - Phú Yên; trong Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021, diễn ra từ 16-18.4, Sở Du lịch, VHTTDL 5 tỉnh, thành phố Hà Nội - Thanh Hóa - Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình đã ký kết hợp tác phát triển du lịch...

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngành Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế cũng như những cơ quan, ban, ngành liên quan trong việc hướng dẫn và thực hiện đúng các quy định, quy trình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động du lịch tại các điểm đến, khu, điểm du lịch. Liên kết du lịch giữa các địa phương, liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và vùng, Hiệp hội Du lịch địa phương và Hiệp hội Đào tạo du lịch thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cần được đẩy mạnh nhằm tư vấn, tập huấn và tiến hành các hoạt động hỗ trợ cần thiết để khôi phục hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển trong giai đoạn bình thường mới, các định hướng phát triển du lịch cần đảm bảo nguyên tắc tôn trọng môi trường, hài hòa với tự nhiên, tôn trọng văn hóa địa phương, bản sắc vùng miền, chủ động ứng phó với dịch bệnh mới nổi, phát triển theo hướng bền vững. Có nhiều vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết, thực hiện nhưng với vấn đề liên kết trong phát triển cần chú trọng liên kết hợp tác giữa các địa phương, Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp du lịch để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế hợp tác đối tác công - tư. Thành lập các cơ quan chuyên trách, quản lý các nội dung ký kết, hợp tác giữa các bên nhằm giám sát, đánh giá, đảm bảo hiệu quả, định hướng kịp thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top