Bảo tàng “số hóa”: Giải pháp thích ứng đại dịch Covid-19

VHO- Hết làn sóng này tới làn sóng khác của dịch bệnh Covid-19, hoạt động của hệ thống Bảo tàng Việt Nam liên tiếp chao đảo và đứng trước những thử thách: làm thế nào để thu hút du khách? Khó khăn vì dịch bệnh tiếp tục đang là “đề bài” buộc các thiết chế bảo tàng không thể mãi đứng im. Trong đó, “số hóa” hiện vật và các nội dung trưng bày là giải pháp được nhiều bảo tàng lựa chọn

Bảo tàng “số hóa”: Giải pháp thích ứng đại dịch Covid-19 - Anh 1

Khách nước ngoài sử dụng thuyết minh qua hệ thống tự động tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Trước những khó khăn vì đại dịch Covid-19, chủ đề năm nay được ICOM đưa ra nhằm khuyến khích các bảo tàng, chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực bảo tàng và di sản văn hóa cùng tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để tạo ra các giá trị mới cho di sản văn hóa, đề xuất giải pháp, mô hình hoạt động, hợp tác mới của các thiết chế văn hóa, bảo tàng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại. Tuy nhiên, Tương lai của Bảo tàng: Khôi phục và tái định hình cũng chính là một câu hỏi lớn, khi hoạt động của các Bảo tàng đang gặp phải vô số khó khăn trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

 Ứng dụng số để đưa nội dung hoạt động, trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục,… của bảo tàng đến với công chúng đang là giải pháp mà nhiều bảo tàng lớn trong nước tích cực triển khai. TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày, chia sẻ: “Trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, thêm những làn sóng đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những thách thức, yêu cầu các bảo tàng không còn cách nào khác là phải nỗ lực đổi mới để hoạt động hiệu quả và thu hút công chúng hơn nữa…”.

Bảo tàng “số hóa”: Giải pháp thích ứng đại dịch Covid-19 - Anh 2

Hoạt động tương tác điện tử 3D tìm hiểu trống đồng Ngọc Lũ tại Không gian trải nghiệm, khám phá Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Theo ông Đoàn, Covid-19 ập đến, sau những chao đảo thì các Bảo tàng không thể ngồi im mà phải tính toán, tìm kiếm các giải pháp và bằng mọi cách để đưa những hiện vật vô giá trong kho tàng lưu giữ của Bảo tàng đến với công chúng. Mặc dù vậy, trong thực tế triển khai, mỗi Bảo tàng lại gặp vô số khó khăn về nguồn lực kinh phí cũng như con người.

Chia sẻ những công việc đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia triển khai để vượt khó, hút khách, ông Nguyễn Văn Đoàn cho hay, hơn một năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tập trung tư liệu để số hóa toàn bộ 20 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại địa chỉ này. “Trước đây, một số bảo vật quốc gia đã được Bảo tàng giới thiệu tới công chúng dưới hình thức 3D, tuy nhiên bối cảnh hiện nay buộc chúng tôi phải số hóa toàn bộ “kho báu” này, thông qua việc cập nhật thêm công nghệ mới. Hiện tại công việc số hóa các bảo vật quốc gia đã cơ bản hoàn thành, đang trong quá trình thể nghiệm trước khi chính thức phục vụ khách tham quan vào tháng 7 tới. Cùng với đó, Bảo tàng cũng chuẩn bị xuất bản một cuốn sách về bảo vật quốc gia”, TS. Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Ngoài các bảo vật quốc gia, Bảo tàng đang từng bước làm tư liệu số đối với hệ thống hiện vật, tiến tới mục đích xây dựng Bảo tàng số.  Đây là một con đường dài và có vô số chông gai sẽ phải vượt qua. Theo Giám đốc, việc số hóa không chỉ thực hiện đơn thuần với những tư liệu thô mà là tích hợp toàn bộ những tư liệu, kết quả nghiên cứu về mỗi hiện vật từ trước đến nay. Chẳng hạn như với hiện vật Trống đồng Ngọc Lũ, tư liệu số hóa bao gồm tất cả mọi kết quả nghiên cứu liên quan, đòi hỏi sự kỳ công và thời gian không ngắn.

Bảo tàng “số hóa”: Giải pháp thích ứng đại dịch Covid-19 - Anh 3

Bảo tàng ảo 3D giới thiệu phần Văn hóa Đông Sơn thuộc trưng bày thường trực Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Đầu tháng 4.2021, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có buổi làm việc báo cáo Hội đồng Di sản về ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng. Những ưu điểm, hạn chế trong quá trình ứng dụng công nghệ số đã được Báo cáo Hội đồng, theo đó, thách thức đáng kể là công nghệ số ngày càng phát triển, trong khi nền tảng mạng Internet, kinh phí đầu tư cho xây dựng nội dung, nguồn nhân lực vận hành ở Việt Nam còn hạn chế.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sự kiện ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA vừa qua được xem là sản phẩm thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19 mà đơn vị đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Theo TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thực hiện chủ trương của Bộ VHTTDL trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, nắm bắt cơ hội và lợi ích của việc đưa ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS), xây dựng ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. “Đây là ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và thiết bị định vị iBeacon. IMuseum VFA sở hữu những tính năng hữu ích và vượt trội khiến cho rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý sẽ được xóa bỏ với sự hỗ trợ của 8 ngôn ngữ.

Bảo tàng “số hóa”: Giải pháp thích ứng đại dịch Covid-19 - Anh 4

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA

Ứng dụng sẽ không chỉ giúp khách tham quan trực tiếp bảo tàng mà còn giúp công chúng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể tiếp cận, trải nghiệm, xem và tìm hiểu những thông tin và câu chuyện xung quanh các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, góp phần kết nối bảo tàng với đông đảo công chúng trong và ngoài nước…”, ông Minh chia sẻ.

Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ số trong các Bảo tàng tại Việt Nam hiện nay, theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan, ứng dụng số giúp các Bảo tàng nhận được những phản hồi tích cực về sự phù hợp với xu hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại. Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày bảo tàng, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ tất cả các chi tiết hoa văn hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật.

Bảo tàng “số hóa”: Giải pháp thích ứng đại dịch Covid-19 - Anh 5

Các em học sinh hào hứng trải nghiệm thực tế ảo tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

“Có những khách đánh giá rằng, xem trưng bày ảo thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Chẳng hạn, khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của Bảo tàng thì không thể cảm thụ được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này, nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D, khách tham quan có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí cũng như các thông tin chi tiết về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mà mình mong muốn...”, bà Hoan cho biết.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các ứng dụng trong việc giới thiệu trưng bày ngày càng đa dạng và hướng tới công chúng một cách thiết thực hơn. Xu hướng này cũng được các Bảo tàng khai thác như một cách để trở thành viên “nam châm” đối với công chúng. Theo đó, nhiều phần trưng bày thực tế như không gian trưng bày, nội dung thuyết minh được số hóa và truyền tải thông tin qua nhiều phương thức ứng dụng công nghệ như trưng bày ảo, tham quan tương tác 3D, thuyết minh tự động, tham quan qua kính thực tế ảo…

THANH MỘC, ảnh: THU HOAN

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ- CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Ý kiến bạn đọc