Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Làm sao để vàng... hóa kim cương

VHO- Tại cuộc tọa đàm tiếp theo về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô do Thành ủy Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, nhiều tính toán gợi mở đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế nhiệt tình “hiến kế”, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần cú hích đủ mạnh để có thể biến tiềm năng thành thế mạnh…

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Làm sao để vàng... hóa kim cương - Anh 1

 Ông Michael Croft, Trưởng VP Đại diện UNESCO tại HN phát biểu tại tọa đàm

 Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa nếu thực sự muốn đưa những cơ hội “vàng” hóa thành “kim cương”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cùng lãnh đạo các Ban, ngành, tổ chức quốc tế đã tham dự buổi tọa đàm.

Vẫn chưa thực sự tìm ra hướng đi hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế được đối tác, du khách trong nước và quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, đứng trước bài toán phát triển công nghiệp văn hóa với 12 lĩnh vực, Hà Nội không thể cùng lúc tập trung cho tất cả các lĩnh vực mà chia thành nhiều giai đoạn: 2021-2025; 2025- 2030, 2030-2045. “Hà Nội mong muốn sẽ tiếp tục nhận được tư vấn từ các chuyên gia về việc lựa chọn lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và có thể phát triển ngay được”, ông Phong nói.

Hiện Hà Nội được tư vấn nên tập trung thực hiện 4 nhóm phát triển công nghiệp văn hóa, bao gồm: Làng nghề truyền thống; Nghệ thuật biểu diễn; Du lịch văn hóa và Giáo dục sáng tạo trong nhà trường. Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực Hà Nội đang có thế mạnh như kinh tế số, giải trí số cũng cần tập trung phát triển.

Các chuyên gia chỉ rõ, dù có nhiều tiềm năng nhưng công nghiệp văn hóa vẫn chưa trở thành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội đang định vị thương hiệu các ngành công nghiệp văn hóa nhưng vẫn chưa thực sự hình thành những thương hiệu mạnh. “Đừng để nghệ sĩ giỏi phải sống trong những cơ sở xập xệ. Cần có điều kiện nuôi dưỡng tài năng, khơi dậy khát vọng sáng tạo cho họ. Công nghiệp văn hóa phải trở về đúng vị trí, phát huy đúng thế mạnh và tiềm năng của mình…”, bà Phương nêu.

TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam nhìn nhận, Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. “Biết bao nhiêu đề tài lịch sử, văn hoá, nghệ thuật ẩn chứa trong kho di sản đồ sộ này đang chờ đợi các ngành công nghiệp văn hóa khai thác để tỏa sáng...”, theo TS Lê Thị Minh Lý. Bên cạnh những điểm mạnh, bà Minh Lý cũng chỉ rõ một số điểm yếu khiến cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô chưa tạo thành của cải: Các sản phẩm văn hoá chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo; chưa nhận diện được giá trị văn hoá từ di sản một cách sâu sắc, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hoá; thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hoá còn chưa hợp lý; thiếu liên kết chuyên ngành; thiếu tư vấn thiết kế và nhà sáng tạo ở trình độ cao, đẳng cấp quốc tế…

Hà Nội có quá nhiều lợi thế để có thể biến những tiềm năng công nghiệp văn hóa trở thành của cải. Nhưng vì sao cho Thủ đô vẫn chưa thực sự tìm ra hướng đi hiệu quả? Các chuyên gia cho rằng, cần một cú hích đủ mạnh để công nghiệp văn hóa không còn là tiềm năng mà thực sự có giá trị thúc đẩy sự phát triển.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Làm sao để vàng... hóa kim cương - Anh 2

 Tổ hợp mỏ than Zollverein (Đức) đã được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO và trở thành Công viên văn hóa đa năng Zeche Zollverein Ảnh: INTERNET

Nhường “vàng” cho văn hóa để biến cơ hội thành hiện thực

Thu hút nhiều sự quan tâm là sáng kiến của một nhóm nghiên cứu về việc biến các nhà máy cũ tại Hà Nội thành các không gian văn hóa sáng tạo. Theo ông Lê Quang Bình, thành viên của nhóm, xu hướng chuyển đổi cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa sáng tạo thành công trên thế giới có khá nhiều như: Khu văn hóa nghệ thuật 798 Art Zone (Bắc Kinh), Công viên văn hóa đa năng Zeche Zollverein ở Đức, Trung tâm Nghệ thuật sáng tạo lưu trú nghệ sĩ Treasure Hill ở Đài Loan…

Tính tới hết năm 2019, Hà Nội có tới 92 nhà máy thuộc diện phải di dời khỏi nội thành. Nhóm khảo sát kỹ 10 nhà máy, trong đó có những cái tên “đình đám” như Bia Hà Nội, Xe lửa Gia Lâm, Thuốc lá Thăng Long, Cao su Sao vàng... Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy cũ nếu di dời thì đều được chuyển đổi thành các khu đô thị mới mật độ cao, các chung cư thương mại cao tầng. Điển hình như Royal City, khu chung cư hạng sang mọc trên đất của Nhà máy Cơ khí Hà Nội “lừng danh” một thủa; khu “siêu” đô thị Times City nằm trong khuôn viên Nhà máy Dệt 8-3 cũ; Nhà máy cơ khí 120 ở 609 Trương Định, Hoàng Mai đã thành Nam Đô Complex…

Qua số liệu điều tra vào tháng 2-3 năm 2020 của nhóm PPWG và Vì một Hà Nội đáng sống về thực trạng di dời các nhà máy tại hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân, có 21/39 tổng số nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng; 19/21 nhà máy sau khi di dời chuyển thành tổ hợp chung cư thương mại; mỗi quận chỉ có duy nhất một cơ sở được chuyển sang mục đích phi thương mại là trường học và hạ tầng giao thông. Tỷ trọng về diện tích chuyển đổi thành chung cư thương mại ở quận Thanh Xuân lên đến 84%. “Như vậy, mặc dù đã có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng thực tế triển khai di dời, chuyển đổi các nhà máy đã không thực sự ưu tiên phát triển không gian công cộng cho Hà Nội”, nhóm nghiên cứu thẳng thắn chỉ rõ.

Ông Bình nêu, một số vấn đề cấp bách cần giải quyết để Hà Nội là thành phố đáng sống và có sức cạnh tranh là: Ô nhiễm môi trường không khí trầm trọng, thiếu các không gian cây xanh, mặt nước, không gian công cộng, không gian vui chơi giải trí; gần như không có không gian cho các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp về văn hoá nghệ thuật, nơi nghệ sĩ tiếp cận xã hội và ngược lại. Chính vì thế, các nhà máy cũ là cơ hội để chuyển đổi thành không gian văn hóa, sáng tạo, thế nhưng, thực tế thì đây đều là những “mảnh đất vàng”. Hà Nội hoàn toàn có thể biến cơ hội thành hiện thực nếu chịu nhường “vàng” đó cho văn hóa thay vì lựa chọn các tòa cao ốc. Về lâu dài, rõ ràng những không gian văn hóa sáng tạo có thể mang đến nguồn của cải vật chất dồi dào cho Hà Nội, thay vì chất lên những không gian sống gánh nặng của sự quá tải.

Tọa đàm cũng thu hút nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, đại diện các Đại sứ quán tại Hà Nội. Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho hay, cơ quan này phối hợp với các đối tác khác và UBND TP Hà Nội phát triển dự án Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội với khẩu hiệu “Rethink Hà Nội” (tạm dịch: Nghĩ khác Hà Nội). “Sáng kiến giúp Hà Nội khai thác tài nguyên hiện có, xây dựng sức mạnh tổng hợp trong số rất nhiều dự án để hỗ trợ những nỗ lực của Hà Nội thực hiện cam kết của mình là một Thành phố Sáng tạo…”, ông Michael Croft nói.

Ông Emanuel Cerise, Trưởng đại diện chương trình hợp tác giữa vùng Ile-de-France (Pháp) và TP Hà Nội kiến nghị phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội với mô hình mà Paris từng thành công. “Hà Nội giống Paris ở chỗ không chỉ có thế mạnh ở nội đô, mà còn có khu vực ngoại ô giàu tiềm năng, có nhiều di sản văn hóa truyền thống hấp dẫn. Hà Nội nên thúc đẩy khách du lịch không chỉ tập trung tới nội đô mà cần mở rộng ra xung quanh, tạo thành vùng thủ đô như khu vực sông Hồng. Con sông này là dòng chảy văn hóa, kết nối công nghiệp văn hóa với các ngành công nghiệp khác. Phố đi bộ Hoàn Kiếm là sáng kiến quan trọng của Hà Nội, cần phát triển nhiều tuyến phố tương tự”, ông Emanuel Cerise nói.

Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonion Alessandro đánh giá Hà Nội không giống bất kỳ thành phố nào khác ở Đông Nam Á, sở hữu nền tảng văn hóa lâu đời và có danh tiếng trên thế giới. Ông cho rằng Hà Nội muốn phát triển thì cần tổ chức nhiều sự kiện lớn ở tầm quốc tế hơn nữa. Italia với thế mạnh bảo tồn di sản văn hóa sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Hà Nội trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. 

Các nhà máy cũ là cơ hội để chuyển đổi thành không gian văn hóa, sáng tạo, thế nhưng, thực tế đây đều là những “mảnh đất vàng”. Hà Nội hoàn toàn có thể biến cơ hội thành hiện thực nếu chịu nhường “vàng” cho văn hóa thay vì các tòa cao ốc. Về lâu dài, những không gian văn hóa sáng tạo có thể mang đến nguồn của cải vật chất dồi dào cho Hà Nội, thay vì chất lên những không gian sống gánh nặng của sự quá tải.

 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc