Workshop nghệ thuật: Hiện thực hóa những đam mê

VHO- Tìm hiểu, trải nghiệm nghệ thuật không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu thêm về cái đẹp, về các triết lý xoay quanh nó, mà còn là một hình thức thư giãn vô cùng hiệu quả. Hòa chung trong dòng chảy của xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều khóa học ngắn trong vài ngày, thậm chí vài giờ, thu hút công chúng đến với các loại hình nghệ thuật.

Workshop nghệ thuật: Hiện thực hóa những đam mê - Anh 1

 Tạo cơ hội trải nghiệm nghệ thuật cho công chúng Ảnh: ITN

 Các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật này còn giúp đơn vị tổ chức, nghệ sĩ tiếp cận công chúng nhanh chóng, giúp nghệ thuật được quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Đa dạng các hoạt động hấp dẫn

Trong khuôn khổ của triển lãm Thế giới nhiệm màu của các họa sĩ minh họa sách thiếu nhi Séc do Đại sứ quán CH Séc tại Hà Nội và NXB Kim Đồng tổ chức, workshop Học vẽ cùng họa sĩ Linh Rab được tổ chức riêng cho những vị khách nhí, những bạn nhỏ thích vẽ, thích sáng tạo hay đang ấp ủ giấc mơ làm họa sĩ. Dự kiến, workshop sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 tới nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Các bạn nhỏ sẽ có hai buổi trải nghiệm dưới sự hướng dẫn từ họa sĩ Linh Rab, được vẽ các nhân vật trong những cuốn sách thiếu nhi kinh điển của CH Séc, tập vẽ tranh minh họa với những tình huống giả tưởng thú vị cũng như trưng bày tác phẩm tại triển lãm tranh...

Không chỉ có hoạt động dành cho các em nhỏ, nhiều chương trình đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng hiện đại đã ra đời. Ở phố Nhà Chung, phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội), wokshop Nặn và vẽ trên gốm đều đặn diễn ra vào các thứ 7 hằng tuần. Người tham gia workshop được học cách làm gốm trên bàn xoay, vẽ trang trí gốm. Chị Minh Sang (TP Hồ Chí Minh) đến Hà Nội tham quan và tham dự workshop chia sẻ: “Mới nhìn, tôi cảm thấy việc nặn gốm vô cùng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào mới thấy không hề dễ dàng để có thể biến cục đất vô tri thành các hình thù khác nhau. Tuy nhiên, chỉ qua vài giờ học tập là tôi có thể nắm được kỹ thuật cơ bản và tạo hình sản phẩm mình yêu thích”.

Bên cạnh các workshop diễn ra trong thời gian ngắn, khơi gợi tình yêu thẩm mỹ cho công chúng còn có những lớp chuyên sâu, dành cho những người muốn thực hành nghệ thuật. Chẳng hạn, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ cùng DOC CICADA phối hợp tổ chức workshop Làm phim Tài liệu ngắn, dành cho các nhà làm phim từ 18 tuổi trở lên đang sống và học tập, làm việc tại Việt Nam, với mục tiêu mang tới các kỹ năng nền tảng cho những cá nhân muốn theo đuổi thực hành phim tài liệu. Kéo dài 4 tuần từ 5.7-1.8, học viên sẽ thực hành các kỹ năng căn bản và tiếp xúc với ngôn ngữ làm phim tài liệu thông qua các thảo luận và thực hành trên lớp, bài tập hiện trường. Cùng với đó, học viên sẽ tham gia làm phim ngắn...

Cùng với đó, còn rất nhiều loại hình nghệ thuật khác đã và đang được giới thiệu, cả trực tiếp và trực tuyến, tạo cơ hội cho công chúng trải nghiệm, như các lớp vẽ tranh thư giãn cho người không chuyên, hướng dẫn chụp ảnh Stay at home, điêu khắc chuyển động, in độc bản, khám phá múa đương đại...

Tạo lớp khán giả thưởng thức nghệ thuật

So với việc học bài bản, các workshop chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng đã giúp những người có ít hoặc không có kinh nghiệm trước đó, nhận biết và hiểu hơn về một bộ môn nghệ thuật mà mình quan tâm. Chẳng hạn, chỉ trong vài giờ tìm hiểu cách vẽ tranh, người tham dự có thể khám phá chính mình và sở hữu một một tác phẩm do chính tay mình vẽ. Tham gia khá nhiều workshop vẽ tranh, bạn Nguyễn Thị Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Chủ yếu tôi vẽ để thư giãn và làm kỷ niệm nên chuyện xấu đẹp không quan trọng. Qua các buổi học, tôi thấy nắm được kỹ thuật là mình có thể tạo ra tác phẩm riêng. Mỗi buổi học như vậy, chúng tôi biết được nhiều điều mới về sáng tạo, rất vui nên tôi và nhóm bạn thường hẹn nhau ở workshop cuối tuần để vẽ”.

Nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ, workshop Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế đã được tổ chức cuối năm 2020, với sự tham gia của hơn 30 bạn trẻ quan tâm về nghệ thuật chèo cũng như tư duy thiết kế. Tại workshop, những người tham dự làm việc theo nhóm, ứng dụng để tạo ra các giải pháp sáng tạo đưa chèo đến gần hơn với giới trẻ... Chị Đinh Thảo, người sáng lập Chèo 48h, đơn vị tổ chức cho biết: “Không đào tạo diễn viên hay nghệ sĩ, Chèo 48h tạo sân chơi, workshop, lớp học để những người bình thường biết đến nghệ thuật truyền thống. 6 năm qua, Chèo 48h vẫn miệt mài tìm cách để chèo đến gần hơn với người trẻ, tạo ra cảm hứng cho họ, để giá trị nghệ thuật này không mất đi mà ngày càng trở nên sống động”.

Thu hút khách tham gia, nhất là giới trẻ, các workshop như vậy đã góp phần đưa nghệ thuật đến với khán giả, làm tăng kiến thức nền và từ đó tạo được lớp khán giả tương lai cho các loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, để các hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn, tiếp cận được đúng đối tượng cũng như nhu cầu của họ nhằm hình thành một lớp khán giả thường thức nghệ thuật có gu hơn, thì cần phải có thời gian cũng như đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp, và quan trọng nhất là phải có những kế hoạch “dài hơi” với sự vào cuộc của những người có thẩm quyền. 

TÙNG LINH

Ý kiến bạn đọc