Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Động lực phát triển du lịch nông thôn (Bài cuối): Để nông dân hào hứng nhập cuộc

Thứ Tư 30/06/2021 | 09:48 GMT+7

VHO- Rất muốn và sẵn sàng tham gia phát triển du lịch nông thôn trên chính quê hương mình nhưng nhiều nông dân đang tập làm, đã làm du lịch nông thôn mong muốn được Nhà nước định hướng, hỗ trợ; các chuyên gia, doanh nghiệp hợp tác để có thể phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững.

Khách du lịch và bà con dân tộc ở Nậm Hồng Ảnh: HÀ CHÂU

 Cần chính sách ưu đãi đặc thù

Buổi tối ở thôn Nậm Hồng (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) trời mưa rả rích, tiếng ếch kêu ộp oạp, thứ mà lâu lắm những đoàn khách ở thành phố như chúng tôi không được nghe. Cả đoàn ngồi quây quần bên căn chòi chìa ra ruộng bậc thang, uống thứ trà Shan Tuyết đậm đặc và nghe câu chuyện của Triệu Kinh, chàng thanh niên dân tộc Dao, người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Nậm Hồng. “Khi còn làm thuê cho một khu du lịch nổi tiếng ở Sa Pa, em đã suy nghĩ, trăn trở mãi vì không làm được gì trên vùng quê của mình. Cứ làm thuê không thu được kiến thức, lương vài trăm nghìn cũng không biết bao giờ giàu được. Sau đó, em quyết định về Hà Giang, tìm gặp A Sử ở Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang. A Sử không phải là người quê gốc miền đá tai mèo này nhưng rất hiểu về vùng đất, con người Hà Giang và cả thị trường du lịch của Hà Giang. A Sử đã truyền cho em rất nhiều thông tin, kiến thức và kỹ năng làm nghề, truyền cho em cả tình yêu với mảnh đất này nữa”, Triệu Kinh nhớ lại.

Sau khi trở về thôn Nậm Hồng, Triệu Kinh bàn với anh trai mình là Triệu Quyên (Quyên hiện là Bí thư Đoàn xã Thông Nguyên) đầu tư tiền chỉnh trang nhà cửa, làm khu vệ sinh, làm giường đệm, tập văn nghệ… đón khách du lịch. Bắt đầu làm du lịch từ năm 2015, những năm đầu khó khăn vô kể nhưng cả nhà Kinh cố gắng bám trụ. Đến nay Dao homestay nhà Kinh có thể đón cùng lúc 50- 60 khách. Năm 2018, 2019, mỗi năm đón hàng nghìn khách. Khách đông nhất vào tháng 9-10, lúc lúa ở những thửa ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì đang chín rộ hoặc thời điểm tháng 5-6 mùa nước đổ, nếu không đặt trước sẽ không có phòng. Hợp tác xã du lịch cộng đồng Nậm Hồng ra đời, tập hợp những thanh niên khởi nghiệp của thôn do Triệu Kinh làm giám đốc đã hợp tác với hơn 40 công ty du lịch trên cả nước đưa khách trải nghiệm, khám phá Hà Giang. Đời sống của bà con Nậm Hồng giờ tăng lên rõ rệt, mùa đông khách còn không đủ người làm.

Tuy nhiên, theo Triệu Kinh, hiện nay nông dân làm du lịch rất khó khăn, mặc dù tỉnh Hà Giang cũng đã có chính sách hỗ trợ cho người dân làm du lịch cộng đồng nhưng vẫn rất cần những lớp tập huấn, đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc để giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số làm du lịch. Triệu Kinh cho rằng, sự tham gia quá sâu của các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư ở các đô thị lớn lên các vùng núi cao như Hoàng Su Phì đầu tư ồ ạt, có thể sẽ phá vỡ không gian văn hóa vốn có của dân tộc Dao, Mông biến người nông dân trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của cha ông và khiến họ chạy theo lợi nhuận mà không chú ý đến sự phát triển bền vững.

Chàng trai người Dao vẫn không ngừng nuôi mơ ước được làm giàu trên quê hương và để lại con đường làm ăn bền vững cho con cháu mong muốn Nhà nước có những định hướng phù hợp xu hướng phát triển mới như farmstay (du lịch nông trại); khôi phục, mở rộng các làng nghề truyền thống để tạo sản phẩm, trải nghiệm mới cho khách; cho vay vốn ưu đãi; hỗ trợ người nông dân quảng bá trên internet và các nền tảng mạng xã hội…

Kết nối với các hãng lữ hành

Ông Dương Minh Bình, người sáng lập ra CBT Travel (Du lịch cộng đồng), người được cho là “thầy phù thuỷ” trong làng du lịch cộng đồng cho rằng: “Du lịch cộng đồng chỉ phát triển được khi người nông dân làm chủ, người nông dân hưởng lợi và người nông dân hiểu về mảnh đất của mình. Du lịch cộng đồng không chỉ là để vào nhà mấy tấm đệm mới, chăn gối mới; làm mấy cái nhà vệ sinh, cho khách lưu trú lại mà nó phải là cộng đồng làm du lịch, homestay phải đủ tiện nghi, đủ để thoải mái, hoạt động du lịch cộng đồng phải đủ trải nghiệm, đủ khám phá bản sắc địa phương, giá trị văn hóa khác biệt”.

Theo ông Bình, từ khi bắt đầu làm du lịch cộng đồng năm 2013, tôi đã hướng đến việc giúp cộng đồng địa phương xóa đói giảm nghèo thông qua du lịch, mỗi chuyến đi của khách là một hành trình chia sẻ cho cộng đồng. “Nói gì thì nói, với người nông dân, trình độ hạn chế, việc đầu tiên phải cho họ hiểu được làm du lịch là ra tiền, sống được. Ngay từ đầu mà nói đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo ra cộng đồng đoàn kết, chia sẻ lợi ích… có thể họ sẽ không hiểu ngay và sẽ rất áp lực.

Đến bây giờ, ông Bình không thể nhớ có bao nhiêu mô hình CBT ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. “Chỉ biết, những bản làng làm du lịch cộng đồng theo mô hình CBT đều phù hợp với văn hóa địa phương, mang đặc trưng riêng. Tôi có may mắn là làm du lịch lâu năm nên có mối quan hệ rất tốt với các công ty du lịch, trước đây phần lớn là công ty chuyên làm inbound (đưa khách quốc tế đến Việt Nam), trong mùa dịch Covid-19 này hầu hết là các công ty du lịch đón khách nội địa nên đã kết nối để giúp người dân có nguồn khách ổn định”, ông Bình chia sẻ. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, lượng khách du lịch qua các mô hình du lịch cộng đồng CBT đạt khoảng 600.000- 700.000 lượt/ năm, nếu không có dịch, mục tiêu của các mô hình du lịch cộng đồng CBT sẽ đạt 5 triệu lượt vào năm 2025”, ông Bình nói.

Khi dịch Covid-19 hoành hành, thôn Nậm Hồng không có khách du lịch, anh em nhà Triệu Kinh vẫn đầu tư thêm 7 bungalow và homestay ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì để đón đầu xu hướng du lịch nông thôn, về những miền quê bình yên, trong lành. CBT Travel cũng chuẩn bị khai trương 2 homestay ở Sóc Trăng và Thanh Hóa. Cuộc sống vẫn cứ liên tục chuyển động, những người nông dân trên khắp dải đất hình chữ S vẫn rất hào hứng làm du lịch. Họ mong muốn được tạo điều kiện, có cơ chế chính sách tốt để phát triển du lịch, kiếm sống và làm giàu trên mảnh đất quê hương, hơn hết là giữ được cộng đồng nông thôn, văn hóa truyền thống tồn tại trước nguy cơ thương mại hóa, đô thị hóa ồ ạt hiện nay. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top