Cần đồng lòng, đồng thuận sẽ thắng

VHO- Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang phải căng mình chống Covid-19. Hiệu quả chống dịch phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố cơ bản: Sức mạnh kinh tế, trình độ khoa học công nghệ, y tế, chiến lược của Chính phủ và ý thức của người dân. Thế giới hiện đang có rất nhiều mô hình văn hóa - xã hội và lối sống khác nhau, nhưng ở đây người viết chỉ xin phân tích hai nhóm là các nước chống dịch hiệu quả cao nhất và nhóm hiệu quả thấp nhất.

l  Nhóm các nước chống dịch hiệu quả cao, cụ thể như Việt Nam, thu nhập đầu người còn ở mức trung bình, trình độ khoa học công nghệ, y tế chưa cao nhưng lại có số lượng ca nhiễm và tử vong thấp và từng được thế giới đánh giá là “điểm sáng” về phòng, chống Covid-19. Ngược lại, nhóm nước chống dịch hiệu quả thấp lại có tiềm lực kinh tế, khoa học, y tế lớn mạnh nhưng số ca nhiễm và tử vong cũng ở mức cao nhất - thậm chí kéo dài nhất. Vì sao có nghịch lý ấy: Năng lực thấp nhưng hiệu quả cao, năng lực cao nhưng hiệu quả thấp? Để lý giải điều này cần tìm hiểu ở vấn đề chiến lược của Chính phủ và ý thức của người dân.

Ở Việt Nam, ngay từ đầu, Chính phủ đã nêu quan điểm “chống dịch như chống giặc” và yếu tố an toàn sức khỏe cho người dân phải đặt lên hàng đầu. Quan điểm ấy được cụ thể hóa bằng hành động: Nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, cách ly và ban hành các quy định, các biện pháp phòng, chống rất kiên quyết và cụ thể... Nhưng quan trọng hơn là đại đa số người dân chấp hành nghiêm túc các quy định của Chính phủ, hầu như không có các trường hợp phản đối tập thể. Kết quả là tuy không hoàn toàn ngăn chặn được sự bùng phát của các đợt dịch, nhưng số lượng lây nhiễm và tử vong luôn thấp so với thế giới.

Ở nhóm hiệu quả thấp, một số nước ngay từ đầu Chính phủ đã không có chiến lược rõ ràng. Thậm chí còn chủ quan cho rằng Covid sẽ biến mất nhanh thôi... nên không khoanh vùng, truy vết triệt để, không ban hành các quy định kiên quyết và cụ thể, mà chỉ đưa ra một số “khuyến cáo”. Mặt khác, người dân của họ đã quá quen với lối sống đề cao quyền và tự do cá nhân nên nhiều người không làm theo khuyến cáo. Thậm chí còn tổ chức biểu tình phản đối các quy định... và kết quả là số ca nhiễm và tử vong cao nhất là điều khó tránh khỏi.

Từ thực tế chống Covid-19 cho thấy mô hình văn hóa - xã hội của lối sống đề cao quyền riêng tư đến mức cực đoan thì cho dù có tiềm lực kinh tế và khoa học mạnh nhất, mô hình ấy cũng dễ bị tổn thương và bất ổn trước những biến cố bất ngờ. Ngược lại, mô hình văn hóa - xã hội và lối sống nghiêng về những giá trị truyền thống, có tinh thần tập thể “mình vì mọi người”, cho dù tiềm lực kinh tế, khoa học chưa cao nhưng mô hình xã hội ấy vẫn có sức đề kháng mạnh hơn, ít bị tổn thương hơn và khá vững vàng trước những biến cố của ngoại cảnh. Và qua từng đợt dịch, ta đã có những ứng biến để phù hợp với tình hình: 5K + Vắcxin + Công nghệ. Sự ứng biến này không hề duy tình mà dựa trên sự “tính toán” khoa học, thực tiễn cộng với truyền thống cố kết cộng đồng. Nói như vậy để thấy rằng, nếu ai đó cậy thế về tiềm lực và khoa học mà bỏ qua yếu tố sự đồng lòng của cộng đồng thì khó đi đến thành công. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc