Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đề xuất giảm tiền ký quỹ trong 2 năm: Giúp doanh nghiệp vượt khó

Thứ Hai 12/07/2021 | 11:20 GMT+7

VHO- Giảm 80% số tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành so với mức ký quỹ hiện tại, thời gian áp dụng trong 2 năm là nội dung chính tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch mà Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến.

 Các Công ty lữ hành hiện nay chủ yếu phục vụ khách du lịch nội địa

 Theo Bộ VHTTDL, sau 3 năm triển khai Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, các quy định của Luật Du lịch 2017 đã được cụ thể hóa, góp phần đưa quy định pháp luật đi vào cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích cho các đối tượng điều chỉnh của Luật Du lịch, trong đó có đối tượng trực tiếp là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Từ 1.1.2018 (khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực) đến hết tháng 5.2021, cả nước có 1.444 doanh nghiệp lữ hành quốc tế mới ra đời.

Nguy cơ doanh nghiệp lữ hành bị nhấn chìm

Tuy nhiên, báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, năm 2020- 2021, dịch Covid-19 đã đẩy ngành Du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, khiến lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng (giảm 73,9% so với năm 2019). Ngành “công nghiệp xanh” bị đẩy về thời điểm cách đây 30 năm và phải mất 2,5-4 năm để lấy lại đà tăng trưởng như trước khi có dịch.

Ở Việt Nam, ngành Du lịch cũng là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Các chỉ số tăng trưởng của ngành năm 2020 đều sụt giảm nghiêm trọng. 4 đợt dịch bùng phát đã đẩy doanh nghiệp lữ hành đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm hàng loạt. Đến nay, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp giấy phép, chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép lữ hành trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch.

Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2021, Chính phủ giao Bộ VHTTDL “khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về ký quỹ kinh doanh lữ hành tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP”. Đồng thời, đầu tháng 6.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”.

Với tình hình thực tiễn hiện nay và những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL cho rằng việc xây dựng Nghị định là cần thiết và triển khai thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định này, Bộ VHTTDL đã lấy ý kiến các Bộ, ngành về chủ trương xây dựng Nghị định theo trình tự rút gọn. Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có ý kiến nhất trí với đề xuất này của Bộ VHTTDL.

Việc giảm tiền ký quỹ được Bộ VHTTDL đề nghị áp dụng thời hạn 2 năm, vì khi đó hoạt động du lịch quốc tế được dự báo sẽ phục hồi khi tiêm vắcxin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi. 2 năm là khoảng thời gian có thể đủ để giúp doanh nghiệp tạo dòng tiền vào, hỗ trợ khó khăn, duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động. Mức ký quỹ sau khi giảm 80% với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa sẽ còn 20 triệu đồng, doanh nghiệp quốc tế kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế vào Việt Nam sẽ còn 50 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài còn 100 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam ra nước ngoài còn 100 triệu đồng.

Cầm cự qua mùa dịch

Cho rằng dự thảo sửa đổi quy định về ký quỹ theo hướng giảm 80% mức ký quỹ ở tất cả các dịch vụ lữ hành (nội địa, quốc tế) dự kiến sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành và các doanh nghiệp muốn gia nhập vào thị trường này. Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề như: Bổ sung trường hợp doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh dịch vụ lữ hành và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh (không chấm dứt hoạt động kinh doanh và bị thu hồi giấy phép), doanh nghiệp có thể được rút tiền ký quỹ; để vừa đảm bảo quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Dự thảo cần quy định trình tự, thủ tục để doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể như: doanh nghiệp gửi thông báo tới cơ quan cấp phép về việc tạm ngừng kinh doanh, cơ quan cấp phép sẽ cấp văn bản xác nhận việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, văn bản này sẽ là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện rút tiền ký quỹ tại ngân hàng thương mại. Thông tin tạm ngừng kinh doanh sẽ được công khai trên website của cơ quan cấp phép và của doanh nghiệp. Khi hết thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải nộp đủ tiền ký quỹ, chứng minh đã nộp đủ tiền ký quỹ theo quy định và thực hiện hoạt động kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành thì việc hạ mức tiền ký quỹ sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, Dự thảo chỉ quy định về mức ký quỹ mới, chứ không sửa các quy định có liên quan, khiến cho việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn. Dự thảo cần quy định rõ việc giảm mức tiền ký quỹ theo quy định tại Dự thảo thì các doanh nghiệp hiện tại đang ký quỹ theo mức của Nghị định 168/2017/NĐ-CP có được rút tiền ký quỹ tại ngân hàng không? Quy định này phải cho phép áp dụng đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ lữ hành thì mới có hiệu quả hỗ trợ. Vì vậy, Dự thảo cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, căn cứ để các doanh nghiệp có thể rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng (Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP đang không quy định giải quyết cho trường hợp đặc biệt này). Bên cạnh đó, quy định rõ sau khi hết thời hạn có hiệu lực của Nghị định sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung tiền ký quỹ như thế nào để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện. 

 NGUYỄN ANH

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top