Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại nhiều di tích ở Thanh Hóa: Luật Di sản văn hóa vẫn bị coi nhẹ!

Thứ Hai 12/07/2021 | 11:28 GMT+7

VHO- Hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhưng lại chỉ được xử lý theo kiểu “kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”, rồi sau đó vẫn… y nguyên hoặc “phạt cho tồn tại”, khiến dư luận bức xúc.

Nhiều “nhà chòi lá” kiên cố được xây dựng trong vùng lõi danh thắng quốc gia Kim Sơn

 Chỉ tính từ năm 2019 tới nay, có thể dễ dàng điểm mặt, chỉ tên những di tích bị vi phạm nghiêm trọng: Đầu năm 2020, báo chí phát hiện hàng loạt công trình nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, khu lưu trú... được xây dựng tràn lan trong khu vực bảo vệ I của danh thắng quốc gia Kim Sơn (xã Vĩnh An, Vĩnh Lộc) chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng. Điều đáng nói là khi báo chí phản ánh, UBND huyện Vĩnh Lộc mới chỉ đạo kiểm tra và phát hiện trong vùng lõi danh thắng Kim Sơn có hàng loạt công trình đang xây dựng.

Sai phạm ở lại, di tích… ra đi

Di tích quốc gia Hồ Đồng Vụa (Nga Sơn) hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi hàng loạt các công trình xây dựng sai phép diễn ra trong suốt thời gian dài, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái trong quần thể khu danh lam thắng cảnh này.

Mặc dù đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhiều lần kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng việc xây dựng trái phép, thế nhưng sai phạm đến nay vẫn chưa được xử lý. Vụ việc này chưa được xử lý, vụ việc khác đã lại xảy ra. Nghiêm trọng hơn khi mới đây, việc tu bổ, phục hồi di tích cấp tỉnh chùa Bạch Tượng, xã Nga Giáp (huyện Nga Sơn) đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện có nhiều hạng mục không đúng với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, dù Sở VHTTDL, UBND huyện Nga Sơn đã ra nhiều văn bản yêu cầu dừng thi công đầu tư xây dựng, phục hồi công trình không tuân thủ đúng quy định, tuy nhiên các hạng mục sai phạm vẫn ngang nhiên hoàn thiện và đưa vào sử dụng, trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Hiện các cơ quan chức năng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, cho thu hồi quyết định công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với chùa Bạch Tượng.

Đáng buồn hơn, khi mới đây Sở VHTTDL Thanh Hóa lại chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc tu bổ, phục hồi tại các di tích như chùa Thanh Hà, chùa Đại Bi, chùa Đông Tác, chùa Giáp Hoa, chùa Tam Giáo, chùa Linh Ứng, chùa Liên Hoa... Nguyên nhân là việc tu bổ, phục hồi các di tích trên do nhà chùa thực hiện, vai trò của cấp chính quyền chưa được quan tâm.

 Các công trình sai phạm, xâm hại nghiêm trọng đến danh thắng quốc gia Hồ Đồng Vụa diễn ra suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa bị xử lý

Xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”

Nhắc lại hàng loạt vi phạm di tích nghiêm trọng ở Thanh Hóa, nhiều chuyên gia đã hơn một lần cho rằng xử phạt vi phạm di tích “cho vui” hoặc theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Vụ việc nghiêm trọng ở danh thắng quốc gia Kim Sơn sau hàng loạt cuộc họp, thanh tra thì hình thức xử lý cao nhất chỉ là kiểm điểm trách nhiệm. UBND xã Vĩnh An và Phòng VHTT thuộc UBND huyện Vĩnh Lộc khi ấy chỉ “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Đối với di tích quốc gia Hồ Đồng Vụa, trước thực trạng xây dựng, khai thác dịch vụ trái phép, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều văn bản đề nghị UBND huyện Nga Sơn có hình thức xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể trong vụ việc này, đồng thời khẩn trương chấm dứt hợp đồng giao khoán Hồ Đồng Vụa, thu hồi diện tích đất thầu; phối hợp với gia đình ông Hoàng Minh Thanh (bên thầu) tổ chức tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng cho di tích. Tuy nhiên đến nay sai phạm trên vẫn tồn tại và không được xử lý. Còn về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân khi để xảy ra sai phạm tại di tích này chỉ dừng ở mức “làm cho có”, do đó hơn hai năm nay chưa có dấu hiệu cho thấy lãnh đạo địa phương phải chịu xử lý ở những mức có tính răn đe hơn.

Vụ việc được giới chuyên gia di sản đánh giá nghiêm trọng ở công trình chùa Bạch Tượng cuối cùng cũng thành ra “đánh trống bỏ dùi”. Việc chỉnh sửa kiến trúc của di tích này theo đúng quy định là bất khả thi bởi lý do công trình xây dựng lớn nên việc phá, dỡ gặp nhiều khó khăn và gây lãng phí tiền của đóng góp của nhân dân (?). Trước thực trạng sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở nhiều di tích, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế, chưa nắm vững, đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật về di sản văn hoá và còn buông lỏng trong quản lý. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hoá ở cơ sở, đặc biệt là chuyên môn sâu về di tích còn yếu, vẫn còn nhầm lẫn giữa việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích với việc đầu tư xây dựng cơ bản, dẫn đến các sai phạm trong công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thời gian qua như báo chí phản ánh. Mặt khác, chính quyền địa phương các cấp một số nơi chưa thực sự “tự giác” thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục quy định của pháp luật dẫn đến một số di tích có nguy cơ bị huỷ hoại, xâm hại, làm sai lệch nội dung, tính chất của di tích.

“Hy vọng, thời gian tới, sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị, tình trạng sai phạm tại các di tích sẽ được kịp thời chấn chỉnh, các tồn tại, hạn chế được khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Hồng cho biết thêm. 

 NGUYỄN LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top