Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Những ngày khó quên

Thứ Sáu 30/07/2021 | 09:43 GMT+7

VHO-  Không chỉ đơn thuần là một Thế vận hội thể thao lớn và danh giá nhất thế giới, Olympic Tokyo 2020 còn đem đến niềm tin và hy vọng về một ngày thế giới sẽ bình yên trở lại, đại dịch sẽ qua đi.

 Các thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam cổ vũ cho đồng đội thi đấu tại văn phòng Đoàn

Với chúng tôi, những thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam, đây là kỳ Olympic thật đặc biệt, bởi ở đó ngoài ý nghĩa là những cuộc tranh tài cao - thấp còn là nơi chia sẻ yêu thương, gắn kết giữa VĐV của 203 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Thế vận hội.

Chúng ta là một gia đình!

Khi Hoàng Xuân Vinh không thể hoàn thành tâm nguyện bảo vệ chiếc HCV danh giá của kỳ Thế vận hội trước, giọng anh như lạc đi: “Kết thúc thi đấu rồi, từ mai tôi sẽ đi cổ vũ các VĐV khác. Mong rằng họ sẽ thi đấu tốt”. Thế nhưng tâm nguyện của Hoàng Xuân Vinh và nhiều vận động viên khác đã không thành. Năm nay do lo ngại sự lây lan của đại dịch nên ngoài việc không cho khán giả tới sân, BTC cũng hạn chế sự tham gia của các thành viên Olympic tại các địa điểm thi đấu. Vận động viên ở môn nào sẽ chỉ được đến nhà thi đấu của môn ấy. Không đến được tận nơi cổ vũ cho các đồng đội, các vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam đành xem qua điện thoại hoặc máy tính tại phòng để cổ vũ cho Hoàng Thị Duyên, Nguyễn Thuỳ Linh... Tất cả đều hồi hộp, căng thẳng, những tiếng xuýt xoa tiếc nuối, tiếng vỗ tay tán thưởng, cổ vũ liên tục vang lên…

Ở căn phòng bên cạnh, HLV môn thể dục dụng cụ Trương Minh Sang đi từ tầng 11 xuống tầng 1 lấy đá cho tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh chườm lạnh. Đoàn chỉ có 2 bác sĩ nên nhiều khi bị quá tải, các huấn luyện viên, vận động viên phải hỗ trợ nhau để hồi phục. Công việc của các bác sĩ cũng rất vất vả khi phải chăm sóc, chữa trị chấn thương cho 18 VĐV. Ngày nào cũng vậy, công việc của chuyên gia vật lý trị liệu Dương Tiến Cần bắt đầu từ sáng sớm khi anh đi theo các đội đến các địa điểm thi đấu và đến tối về lại tiếp tục xoa bóp, điều trị cho các VĐV bị chấn thương. Công việc của bác sĩ Cần thường kết thúc vào 12h đêm nhưng anh luôn vui vẻ: “Các VĐV rất vất vả vì sau một ngày tập luyện, thi đấu họ hay bị căng cơ hoặc bị tái phát chấn thương từ trước nên tôi phải giúp họ hồi phục”, Dương Tiến Cần cho biết.

Thấy tôi quá vất vả do chỉ có một mình vừa làm nhiệm vụ quay clip, chụp ảnh, vừa viết bài, cung cấp thông tin gửi các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và một số hãng thông tấn nước ngoài, các HLV, lãnh đạo đội cũng chia sẻ bằng cách quay phim, chụp ảnh khi đến nhà thi đấu. Việc ghi lại những khoảnh khắc quý giá, vừa để làm tư liệu cho công tác huấn luyện sau này, vừa cung cấp hình ảnh kịp thời về cho các cơ quan báo chí trong nước.

Thể thao đã gắn kết tất cả

Là người từng tham gia nhiều Đại hội thể thao lớn từ khi còn là vận động viên đến khi làm HLV rồi trọng tài quốc tế, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 Tổng cục TDTT Hoàng Quốc Vinh xúc động: “Đối với tôi, đây là một kỳ Olympic đặc biệt. Đặc biệt không chỉ bởi cách thức tổ chức phải thay đổi do diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà đặc biệt là bởi trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch, thể thao đã gắn kết mọi người trên thế giới lại với nhau. Đã có những giọt nước mắt rơi, những nụ cười hạnh phúc vì tinh thần đoàn kết, chia sẻ của Olympic”.

Tinh thần đoàn kết, chia sẻ và gắn kết của Olympic ấy cũng được thể hiện qua hình ảnh một VĐV trẻ nhất Olympic người Syria 12 tuổi chia sẻ, kết quả thi đấu của em thế nào không quan trọng bởi em đến được đây đã là một món quà và em tự hào vì muốn mang thông điệp hòa bình về cho đất nước em, nơi đã bị chiến tranh tàn phá. Còn nữ VĐV môn Thể dục dụng cụ Oksana Chusovitina, VĐV lớn tuổi nhất (46 tuổi) người Uzbekistan lại khóc những giọt nước mắt tự hào và hạnh phúc vì cô đã 8 lần tham dự Olympic. Đến với Olympic lần này cô đã trở thành tấm gương của ý chí, nghị lực phi thường, vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi đam mê.

Đến với Olympic Tokyo 2020 trong vai trò tình nguyện viên cho các khách VIP, Bùi Mạnh Khoa, chàng trai Hà Nội chia sẻ với tôi câu chuyện về ý chí vươn lên của nữ VĐV bơi lội Nhật Bản. Đó là Ikee Rikako (21 tuổi), người đi vào lịch sử khi giành 6 HCV tại 1 kỳ Asian Games. Cô là niềm hy vọng rất lớn của Nhật Bản tại Olympic lần này và từng mơ ước được thi đấu và giành HCV tại kỳ Olympic diễn ra trên quê hương mình. Nhưng mọi thứ dường như sụp đổ khi tháng 1.2019 cô bị phát hiện bệnh ung thư máu và phải dừng luyện tập để tập trung điều trị bệnh. Đã có nhiều phóng sự về quá trình điều trị của cô, từ một cô gái vàng với thân hình khoẻ khoắn của một VĐV bơi lội ngày nào, sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật, cô gày gò chỉ còn “da bọc xương” kéo theo đó là những cơn đau cả về thể xác, lẫn tinh thần. Nhưng ngay cả những giây phút phải đối diện với cái chết, niềm tin về một ngày có thể quay trở lại thi đấu Olympic của cô chưa bao giờ tắt. Và cuối cùng cô đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo để có mặt tại Thế vận hội lần này, tranh tài ở nội dung 4x400m bơi tự do nữ. Dù kết quả chỉ dừng ở vòng loại nhưng ý chí và nghị lực phi thường của cô có lẽ sẽ được ghi vào lịch sử Olympic. Chính tinh thần, ý chí đó cũng đã góp phần làm nên một kỳ Olympic đặc biệt và truyền tới cả thế giới thông điệp: Nếu có ý chí và nghị lực phi thường, chúng ta sẽ vượt qua tất cả.

Đối với chúng tôi, những thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam, đối với Bùi Mạnh Khoa, hiện đang làm việc tại Công ty cổ phần công nghệ VMO Holdings senior manager chi nhánh Nhật Bản và có lẽ là đối với tất cả các thành viên của Olympic lần này, tấm gương của Ikee Rikako sẽ mãi là biểu tượng bất diệt của niềm tin, tình yêu và khát vọng sống. Và không chỉ đơn thuần là một Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới, Olympic Tokyo 2020 còn mang đến niềm tin và hy vọng về một ngày không xa, thế giới sẽ bình yên trở lại bởi nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch! 

 Sáng qua 29.7, cặp tay chèo Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo dự chung kết nhóm C phân hạng nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ 2 mái chèo. Kết quả, Thảo và Hảo đã về thứ 3 với thành tích 7 phút 19 giây 05. Đây là thành tích tốt nhất của Rowing tại đấu trường Olympic vì đã thu hẹp khoảng cách với đối thủ. Kết quả chung cuộc, rowing xếp thứ 15/18 đội dự Olympic. Trưa qua cung thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ đã thua VĐV Tang Chih-Chun (Đài Loan, Trung Quốc) tại vòng 1/32 nội dung cung cá nhân một dây nam, với tỉ số 7-1. Đối thủ của Phi Vũ là cung thủ có chuyên môn khá mạnh và từng giành HCV đồng đội tại Asian Games 2018. Chiều tối, Ánh Viên cũng đã hoàn thành nội dung thi đấu vòng loại 800m tự do nữ.

 

 THU SÂM (Từ Tokyo, Nhật Bản)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top