Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Kỳ Thế vận hội đáng nhớ của chân chạy người Mường

Thứ Ba 10/08/2021 | 09:10 GMT+7

VHO- Vận động viên (VĐV) Quách Thị Lan đã làm rạng danh điền kinh Việt Nam tại đấu trường thế giới khi lọt vào bán kết nội dung 400m vượt rào nữ tại Thế vận hội - Olympic Tokyo 2020, diễn ra ở Nhật Bản.

Cô gái người Mường đã làm rạng danh cho điền kinh Việt Nam tại Thế vận hội

Quách Thị Lan là đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam tại Olympic Tokyo nhờ có suất đặc cách từ Ủy Ban Olympic quốc tế. Quách Thị Lan cũng là một trong hai VĐV (bên cạnh Nguyễn Huy Hoàng) vinh dự cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Tokyo. Điều đáng nói là chân chạy dân tộc Mường là người thi đấu cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam tại Thế vận hội. Với việc các VĐV ở các bộ môn như: Bơi, cử tạ, bắn, súng, boxing,… không thể giành huy chương nên áp lực dành cho Quách Thị Lan là không nhỏ. Dù vậy, cô gái quê huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã vượt qua sức ép để thi đấu thành công. Quách Thị Lan hoàn thành phần thi 400m vượt rào của mình tại vòng loại với thời gian 55 giây 71 và trở thành 1 trong 24 VĐV xuất sắc nhất bước vào tranh tài ở bán kết.

Thành tích ấn tượng này đã giúp Quách Thị Lan ghi danh mình vào lịch sử khi trở thành VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam vào đến bán kết có xếp đấu loại tại một kỳ Olympic. Trước đây, điền kinh Việt Nam từng có Vũ Thị Hương tham dự 100m nữ tại Olympic Bắc Kinh 2008 tại Trung Quốc nhưng đã dừng bước ở tứ kết, Nguyễn Đình Cương (800m nam, Bắc Kinh 2008), Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào, Rio 2016) cũng từng tham dự nhưng đều dừng chân ở vòng sơ loại đầu tiên. Càng đặc biệt hơn, Quách Thị Lan cũng là VĐV châu Á duy nhất góp mặt ở bán kết nội dung 400m rào nữ ở Olympic Tokyo 2020.

Tại bán kết, Quách Thị Lan đã thi đấu rất nỗ lực nhưng trước các đối thủ quá mạnh, chân chạy người Mường xứ Thanh đã không thể làm nên bất ngờ. Tuy nhiên, với những gì đã làm được, Quách Thị Lan xứng đáng nhận được những lời ngợi khen “Quách Thị Lan đã khép lại hành trình đáng nhớ của cô ở vòng bán kết nội dung 400m rào nữ tại Olympic Tokyo 2020. Mục tiêu lọt vào vòng thi bán kết đã được 2 thầy trò cô hoàn thành xuất sắc, thành tích 55 giây 71 ở vòng loại và 56 giây 78 tại vòng bán kết (trong điều kiện thời tiết mưa to ảnh hưởng tới thành tích của tất cả các VĐV ở vòng thi bán kết) được giới chuyên môn đánh giá là rất tốt trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Đã gần 2 năm, không có bất cứ cuộc thi đấu quốc tế nào của khu vực châu Á được tổ chức, các cuộc tập huấn luôn bị hủy. Nhưng vượt lên tất cả, Lan đã nỗ lực để khẳng định mình và kết quả đã không phụ lòng người. Đây là tiền đề để Lan sẽ đạt được những thành tích tốt hơn sau này”, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá về màn trình diễn của Quách Thị Lan tại Thế vận hội.

Ở quê nhà Việt Nam, anh trai của Quách Thị Lan là Quách Công Lịch, người đã sát cánh cùng cô em gái suốt chục năm qua trên sân tập và nhiều giải đấu gửi lời nhắn: “Em đã làm quá tốt rồi. Vào đến bán kết mà vẫn còn thắng được 2 đối thủ mạnh của thế giới nữa là quá tuyệt vời rồi. Về nhà nghỉ ngơi và chúng ta sẽ trở lại với những mục tiêu kế tiếp thôi nào. Mọi người tự hào về em”.

Quách Thị Lan xuất thân trong một gia đình nghèo, người Mường tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Nhờ mê chạy, cô gái sinh năm 1995 đã nỗ lực rất nhiều để đạt được thành công như ngày hôm nay. Lan thuộc hàng hiếm của điền kinh nữ Việt Nam khi sở hữu chiều cao 1m75 và thể lực rất phù hợp với môn chạy vượt rào. Trải qua những năm tháng dành cả tuổi trẻ cho điền kinh, cô gái này đã mang theo hành trang là những thành tích và trải nghiệm để đời trong sự nghiệp điền kinh của mình. Quách Thị Lan từng giành Huy chương vàng tại giải vô địch châu Á 2019 và Đại hội thể thao châu Á 2018, cô cũng là người nắm giữ kỷ lục quốc gia 400m vượt rào và rất nhiều huy chương SEA Games, các giải trong nước. Ở tuổi 26, nữ tuyển thủ người Mường đang ở ngưỡng cửa bứt phá trong giai đoạn chín muồi của sự nghiệp. Hy vọng rằng những trải nghiệm giá trị tại Thế vận hội vừa qua sẽ giúp Quách Thị Lan học hỏi thêm nhiều điều bổ ích để có thêm những kinh nghiệm, qua đó hoàn thiện mình hơn ở các giải đấu sắp tới, trong đó có SEA Games 31 diễn ra vào năm sau tại Việt Nam. 

Trong những ngày thi đấu cuối của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, VĐV người dân tộc Thái - Lường Thị Thảo cùng đồng đội Đinh Thị Hảo bước vào thi đấu chung kết nhóm C, nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ hai mái chèo môn Rowing. Do lượt đua này chỉ mang tính chất xếp hạng chung cuộc, không được tính vào nhóm tranh huy chương nên cả Thảo và Hảo đều thi đấu với tâm lý rất thoải mái. Kết quả, đôi VĐV của Việt Nam về đích thứ 3 với thành tích 7 phút 19 giây 05, xếp vị trí thứ 15/18 chung cuộc ở Olympic Tokyo 2020. Đây là thành tích cao nhất của Rowing Việt Nam ở nội dung thuyền đôi nữ đôi mái chèo hạng nhẹ trong các lần tham dự Thế vận hội.

 

NGỌC LÝ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top