Bảo tồn Đình giặt thôn quê Pháp

VHO- Làng quê Pháp, cách Paris chừng 50 cây số, tưởng đã công nghiệp hóa với những cánh đồng mênh mông xanh mướt lúa mỳ, cải vàng, ruộng ngô, không một bóng người, mọi thứ cổ xưa đã mất đi, hóa ra nơi đây vẫn còn gặp những cảnh một thời xa xưa tưởng chỉ còn trong tiểu thuyết.

Cuối thế kỷ 19  đầu thế kỷ 20, nông thôn Pháp còn dùng nước mưa và nước hồ ao, sông ngòi. Mỗi làng thường có giếng nước và đình giặt.

Đình giặt là nơi giặt công cộng của làng quê Pháp. Nơi có nguồn nước tự nhiên như sông hồ, suối lưu thông không ứ đọng nước. Một số tư nhân khá giả cũng xây riêng nhà giặt cho gia đình khi nhà sát ven bờ nước suối, hồ. Đình giặt để giũ đồ lớn nặng, còn vò giặt ngâm ở bể riêng tại gia để bảo đảm vệ sinh chung, theo quy định của làng … Tức là công đoạn cuối cùng mới mang ra khu  rộng và nước chảy thông, dễ dàng, và sạch hơn giũ trong bể nhỏ. Mùa đông ở Pháp rất lạnh, đồ quần áo, chăn, ga, vỏ chăn, rèm treo rất dày. Khí hậu ẩm trong nhà  là nơi quầy tụ côn trùng. Thời đó người ta còn sưởi bằng than củi  và dùng đồ chăn đệm rất dày để chống rét. Hồ Chí Minh qua Pháp năm 1911 ngay tại Paris còn dùng gạch để nhờ trong lò than, tối lấy để sưởi ấm. Thời đó, hầu như nhà nào cũng có lò than, họ để gạch chịu lửa lên trên. Tối đến cuộn vải dày quanh gạch, trườn lên chăn một lượt trước khi ngủ. Mùa đông, mỗi khi nắng lên, phụ nữ tranh thủ mang ra giặt để hong nắng chống rận và các con côn trùng bám vào gây bệnh.

Dưới thời Napoléon, do dịch tả lan tràn kéo đi nhiều sinh mạng, ngày 3/12/1851 quốc hội Pháp đã phê duyệt một ngân sách 600 ngàn francs và ra thông tri bắt buộc mỗi làng xã phải có đình giặt công cộng nơi có dòng chảy thông và có mái che để mọi người có thể đến giặt bất kỳ lúc nào. Đình giặt xây bằng gạch, lớp ngói để đồ giặt không chạm xuống đất cỏ như trước. Giặt xong người ta phơi trên sào, trên lưng ngựa, hàng rào…

Đình giặt (Lavoir) thực ra nôm na dịch. Gọi bể giặt cũng không đúng, vì giặt ven sông, ven suối. Đình ở Việt Nam là nơi rộng lớn để họp mặt và sân chơi chung của cả làng. Nếu gọi là nhà giặt thì cũng không phải, vì không có cửa, chỉ có mái che, rộng lớn tùy từng làng. Nơi đông dân cư,  đình giặt đúp xây  cả hai bên suối và nhìn ra bãi cỏ rộng mênh mông chuyên để phơi đồ giặt. Nên gọi đình giặt hợp lý vì cũng là nơi tụ hội công cộng có mái che, xây dựng đoàng hoàng trên khuân viên rộng lớn. Hơn nữa, chỗ đình giặt khác với nơi cho gia súc uống nước. Sự quy định chặt chẽ giống như làng quê Việt xưa. Đầu làng có một cái áo xây đoàng hoàng và chỉ để lấy nước nấu ăn, nhưng không được giặt giũ hay rửa chân mặt ở đó. Thời chiến, nhiều trẻ em sơ tán từ thành phố về không biết, xuống rửa chân hay nghịch là bị dân làng mắng ngay.

Đặc biệt ở Pháp, công việc này « ưu tiên » cho phụ nữ. Đàn ông lo việc đồng áng. Tuy nhiên khi vụ mùa thiếu người, phụ nữ cũng tham gia gặt hái. Thời chưa có xà phòng, người ta dùng gỗ thơm, tro củi, hay loại hoa thơm như hoa Oải hương, hoa hồng để làm thơm và sạch đồ. Phụ nữ chuyên gia ở nhà lo con cái, bếp núc, dọn nhà, gia cầm, khâu vá… Nói chung trăm dâu đổ vào đầu tằm. Việc vặt nhưng quần quật suốt ngày. Giặt chăn màn ở xứ lạnh là một công việc khá nặng nhọc thậm chí đòi hỏi sức khỏe tốt. Mùa đông nước lạnh buốt, phụ nữ phải quỳ gối xuống sàn xi măng hay gỗ và họ dùng cán gỗ dài đập bụi bẩn chăn mùng, quần áo. Một bài hát dân gian nổi tiếng của Théodore Botrel nói về phụ nữ nơi đình giặt : « Ôi, đàn bà quì gối, như cầu nguyện Diêm Vương »… để nói cái việc cực hình đối với phụ nữ như đi gặp Diêm Vương.

Đặc biệt luật lệ đề ra cấm đàn ông không được lai vãng đến khu này. Phụ nữ phải sắn váy cao lên, chổng mông lên trời, cúi xuống giặt. Họ phải quay nivel để hạ thấp cầu gỗ xuống dưới nước, dùng chân đạp, gậy như gậy khúc côn để đập thảm, chăn… nên đôi khi rất gợi cảm. Phụ nữ con nhỏ phải mang theo đến đình giặt. Mái che nắng mưa giúp phụ nữ đỡ phơi lưng ra nắng, và để con trong nôi tạm khi không có người trông.

Song nơi cực nhọc chính là điểm hẹn vui vẻ của nhiều phụ nữ. Người ta đến đây như được tự do thoát sự kìm kẹp của chồng con. Họ vừa hát vừa đùa nhau thoái mái vô tư khi giặt. Đây cũng như loa phường,  truyền phát mọi tin tức trong làng nhanh chóng nhất : nhà ai cưới, ai yêu ai, ai ốm sắp mất, ai có thai, ai mới sinh… Nơi cực hình thành nơi hạnh phúc, giây phút tự do của đàn bà, nhất là mùa hè ấm áp, gió đồng thổi, hoa dại mọc ven bờ, cảnh đẹp hữu tình, tiếng nước suối róc rách, tiếng hát nhiều thôn nữ vang lên khi hoàng hôn buông xuống đầy hấp dẫn. Trong nhiều tiểu thuyết Pháp nhắc đến đình giặt thơ mộng toàn phụ nữ này. Tác phẩm nổi tiếng Quán Rượu của Emile Zola có một chương miêu tả trận đánh ghen tàn khốc giữa hai phụ nữ Gervaise và Virginie. Tuy nhiên cảnh có tả đàn ông đứng xem bên ngoài, thực ra thời đó có lệnh cấm đàn ông vào đó. Nhà văn có phần hư cấu cho tấn bi kịch thêm gây cấn.

 Description: https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/0/0e/Lassommoir2.jpg 

Minh họa đánh ghen nơi đình giặt trong tiểu thuyết Quán Rượu (Emile Zola)

 

Description: https://www.patrimoine-iroise.fr/Photos/St-Renan/lavoir-1.jpg

Cảnh giặt xưa khi chưa xây đình giặt.

Giờ đây máy giặt và máy nước đã thay thế công việc đầy ải của người phụ nữ. Máy móc càng đỡ cho con người mệt nhọc, càng làm cho người thêm cô đơn. Nhà nào cũng có một thế giới đầy đủ riêng, máy giặt, tivi, đài thay thế thông báo mọi thông tin. Nhiều phụ nữ già sống đơn côi giữa làng quê yên tĩnh vẫn nhớ nhung một thời trẻ từng vui vẻ bên đình giặt cùng chị em. Tiếng máy giặt khi vắt nước ầm ầm rung chuyển càng gợi nhớ đình giặt ven sông. Khi cô đơn người ta lại nhớ về cái thời khốn khổ nhưng vui và đượm tình làng nghĩa xóm. Ra giặt cũng giúp nhau phơi chăn, màn… Bày cho nhau cách thêu, đan, móc rèm, dentelles… Giờ công nghệ tiến tiến, lớp trẻ cái gì cũng có sẵn. Chỉ với cái điện thoại thông minh là thông tin cập nhật. Thời covid, sự cô đơn càng rõ. Khi con người có thể ngồi nhà làm việc, hội họp và mua hàng… trên vi tính. Hàng xóm có khi cả năm không bao giờ gặp mặt.

Đình giặt là nơi hò hẹn và cái cớ để làm kết duyên nhiều đôi. Nhiều thiếu nữ bị cha mẹ cấm yêu, lấy cớ đi giặt để nhờ bạn gái thư giúp hay hẹn bạn trai chỗ nào đó… Thời nay đình giặt bỏ hoang đã được nhiều nơi đã trùng tu rất đẹp để làm du lịch. Gần bảo tàng Marcel Proust -tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Đi tìm thời gian đã mất, đã từng nhắc về đình giặt thủa ấu thơ ở làng Illiers-Combray thuộc vùng Eure-và-Loir. Tòa thị chính và những người yêu Marcel Proust đã tu sửa đình giặt gần đó với những hình sáp mặc đồ dân tộc rất quyến rũ để thu hút khách khi đến thăm bảo tàng.

Description: Aucune description disponible. Description: Aucune description disponible.

Đình giặt thành di tích bảo tàng nhỏ ở làng Illiers –Combray

Description: Aucune description disponible.

Một đình giặt ở vùng l’Eure et Loir

Đình giặt Pháp ngày nay thành nơi thả hoa súng và bèo hoa dâu và thong dong dăm chú vịt, thiên nga rũ cánh. Phong cảnh hoang dại đình giặt Pháp ngày nay ở một vài nơi gợi nhớ làng quê xưa ở Việt Nam. Ao làng bé nhỏ, hoa súng, hoa bèo tím nổi bồng bềnh trên nước với mái ngói xiêu vẹo như ở Brou. Những thị trấn nhỏ Brou, Boneval cách Paris 70 cây, nơi dòng suối, lạch nhỏ chảy qua, nay còn rất nhiều đình giặt tư nhỏ suốt dọc hai bên bờ suối trở thành nơi du lịch đầy hấp dẫn.

Description: Aucune description disponible.

Dãy đình giặt tư ở Brou.

Cảnh làng quê với những nhà đá cổ, nhà thờ, đình giặt tạo nên một phong cảnh cổ kính, lãng mạn với chút hoang dại nơi sông suối chảy qua và những con đường nhỏ xuống sông suối uốn éo. Học sinh được dẫn đến để tham quan và hiểu thấu được cuộc sống phụ nữ Pháp một thời.  Đình giặt xưa là một thời để nhớ để thương những người mẹ, người vợ, người chị Pháp tần tảo. Bảo tồn văn hóa không chỉ bảo tồn những gì vĩ đại như cung đình, lâu đài, mà cả những gì gắn với nếp sống xưa đều đáng được bảo tồn. Bảo tồn đình giặt là trân trọng tôn vinh sự chịu thương chịu khó tần tảo của người phụ nữ Pháp.

TRẦN THU DUNG

Ý kiến bạn đọc