Mối lo gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu

VHO- Trước sự bùng phát dữ dội của đại dịch do biến thể Delta, chuỗi cung ứng hàng hóa ở châu Á đang gặp nhiều thách thức trong các hoạt động sản xuất và lưu thông. Điều này làm gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi liên kết hàng hóa toàn cầu, khiến giá thành đắt đỏ hơn khi đến tay người tiêu dùng.

Mối lo gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu - Anh 1

 Chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị gián đoạn vì dịch bệnh Ảnh: AFP

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, châu Á chiếm khoảng 42% thị phần xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Hiện hàng loạt quốc gia châu Á đang phải căng mình ứng phó với những diễn biến phức tạp của đại dịch, khiến việc vận hành của nhiều nhà máy và bến cảng “gặp khó”. Quan ngại hơn, các trục trặc lưu thông khởi phát từ các cảng châu Á, có thể lan tỏa, rồi dẫn đến những chậm trễ ở những thương cảng thuộc châu Âu, châu Mỹ như Rotterdam (Hà Lan), Los Angeles (Mỹ)... Và trong bối cảnh mùa mua sắm cao điểm đang đến gần, thì việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế thế giới. Bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á cho rằng: “Biến thể Delta có thể khiến hoạt động thương mại châu Á gián đoạn đáng kể. Cho đến nay, may mắn là các thị trường tại khu vực này vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Thế nhưng, nếu Covid-19 tiếp tục lan rộng, rủi ro sẽ xảy đến nhiều nơi”.

Thực tế, dù số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc tương đối thấp, nhưng giới chức của nền kinh tế hàng đầu thế giới đã triển khai nhiều giải pháp cứng rắn để kiểm soát dịch bệnh. Ngày 11.8, nước này đã đóng cửa một phần cảng Ninh Ba - Chu Sơn, khiến tất cả các dịch vụ container đi và đến cảng “bận rộn” thứ 3 toàn cầu phải tạm dừng. Trước đó, cảng Diêm Điềm ở Thâm Quyến cũng ngừng hoạt động trong một tháng để kiểm soát dịch bệnh, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận chuyển quốc tế.

Còn tại Đông Nam Á, một trong những khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhiều nhà sản xuất ghi nhận hoạt động sụt giảm trong thời gian gần đây, do phải vật lộn để duy trì sự vận hành của nhà máy. Nghiêm trọng hơn, đã có không ít nhà máy tại khu vực phải ngừng sản xuất hàng điện tử, hàng may mặc và sản phẩm khác. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu, vốn là lực đỡ cho nhiều nền kinh tế dựa vào thương mại. Trong đó, Indonesia đang dẫn đầu Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong, trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng vì Covid-19. Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ các nước Đông Nam Á cũng làm gia tăng áp lực lên các nền kinh tế lớn của thế giới. Theo ước tính của Natixis, mặc dù các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chỉ chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng lại có thể có tác động đáng kể đến các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc, nhất là lĩnh vực điện tử. Hiện Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ 5 quốc gia trên, trong khi Mỹ nhập khẩu một nửa chất bán dẫn từ khu vực này. Ngoài ra, nhiều trung tâm xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, khi có nhiều nhà máy sản xuất đặt tại các nước Đông Nam Á.

Giới chuyên gia kinh tế đang hạ dự báo tăng trưởng đối với khu vực châu Á, khi có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực đối với tiêu dùng và các hoạt động khác. Theo Bloomberg Economics, kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc trong quý này, nhưng đợt bùng phát của biến thể Delta ở Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến các khu vực chiếm hơn 1/3 GDP nước này. Do dịch bệnh bùng lên khi các nhà xuất khẩu tiếp tục chật vật về chi phí vận chuyển đường biển tăng mạnh so với trước đại dịch, mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu container. Tính đến ngày 12.8, chỉ số container của Drewry World đạt 9.421,48 USD mỗi container 40 feet, cao hơn khoảng 350% so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc ngoại thương CNC Electric Lanm Lai (Trung Quốc) chia sẻ: “Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi, thậm chí gấp ba lần trước đại dịch”.

Như vậy, làn sóng dịch bệnh bùng phát không chỉ khiến hệ thống y tế của nhiều nước châu Á phải oằn mình chống đỡ, mà còn kéo theo những áp lực nghiêm trọng lên các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa của nhiều quốc gia. Hy vọng với chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng đại trà, được tiến hành song song với các giải pháp phòng chống dịch cứng rắn, châu Á sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh và đảm bảo được chuỗi cung ứng hàng hóa hoạt động ổn định trở lại. 

 HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc