Quảng Ngãi: Tạo điều kiện để ngư dân khai thác, mua bán hải sản nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch

VHO- Trường hợp ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ (sáng đi tối về, tối đi sáng về) thì tạo điều kiện để ngư dân cập cảng, giải quyết lên bờ bình thường. Trường hợp ngư dân cập bờ tại các cảng trên địa bàn tỉnh, các địa phương thực hiện nghiêm việc tổ chức xét nghiệm, cách ly theo quy định tại các thông báo đã ban hành của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi: Tạo điều kiện để ngư dân khai thác, mua bán hải sản nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch - Anh 1

Tạo điều kiện để ngư dân khai thác, mua bán hải sản nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19

Để tạo điều kiện cho ngư dân khai thác, tiêu thụ thủy sản, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhưng đảm bảo an toàn quy định về phòng, chống dịch, tại cuộc họp BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có chỉ đạo như sau:

Trường hợp ngư dân cập bờ tại các cảng trên địa bàn tỉnh: Các địa phương thực hiện nghiêm việc tổ chức xét nghiệm, cách ly theo nội dung các thông báo số 391 (ngày 11.8.2021), số 384 (ngày 6.8.2021) của UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành. 
Theo đó, đối với trường hợp ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ (sáng đi tối về, tối đi sáng về) thì tạo điều kiện để ngư dân được cập cảng, các bến, vũng neo đậu. Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với địa phương có liên quan quản lý và kiểm soát chặt chẽ.
Những phương tiện đi đánh bắt thủy sản dài ngày trên biển nhưng có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giám sát chặt chẽ (từ lúc đi, về, không giao dịch với các phương tiện ngoài tỉnh, không vào các cảng cá ngoài tỉnh), khi vào bờ thực hiện test nhanh Covid-19 đối với tất cả các ngư dân, nếu âm tính thì giải quyết cho lên bờ và không thực hiện việc cách ly y tế tập trung.
Những phương tiện tàu cá đi đánh bắt xa bờ (dài ngày) nhưng tắt thiết bị giám sát hành trình hoặc không có thiết bị giám sát hành trình, trốn tránh sự kiểm soát, khi vào bờ phải thực hiện xét nghiệm PCR đối với tất cả các ngư dân, nếu dương tính thì tổ chức điều trị; kết quả âm tính thì cách ly y tế tập trung và người được cách ly phải trả toàn bộ chi phí.
Đối với các phương tiện (trong tỉnh, ngoài tỉnh) cập cảng cá tại các địa phương ngoài tỉnh đang có dịch, tiếp xúc với các phương tiện ngoài khơi, không xác định được hành trình di chuyển; không xác định được có hay không có lây nhiễm, nếu về địa phương khi vào bờ phải xét nghiệm PCR, cách ly y tế tập trung và người được cách ly phải trả toàn bộ chi phí.
Trường hợp trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng thì xử lý vi phạm hành chính, làm lây lan dịch bệnh thì xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật (trường hợp bất khả kháng hoặc cần mua lương thực, thực thẩm thì cho phép nhưng có sự giám sát, khi thực hiện xong phải đi ngay, không được cập cảng).

Đối với việc tiêu thụ thủy sản của ngư dân đi biển: Các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan có liên quan xây dựng phương án để tiêu thụ thủy sản nhanh nhất, đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả (theo đó, nếu người tại các địa phương khác khi đến giao dịch thu mua thì phải có xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ; đối với tiểu thương tại địa phương thực hiện nghiêm phòng, chống dịch; trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân).
Về thu mua thủy sản: Thống nhất cho các phương tiện tàu cá thu mua thủy sản ngoài khơi của các phương tiện đánh bắt ở vùng biển lộng, người thu mua phải có giấy xét nghiệm PCR còn hiệu lực.
Thống nhất cho các phương tiện thu mua ở các cảng cá tư nhân hoạt động nhưng kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch: Giao các địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ tại nơi thu mua; người tham gia thu mua và người liên quan phải thường xuyên xét nghiệm PCR ít nhất 02 lần/tuần; nếu không đảm bảo điều kiện phòng chống dịch thì không cho hoạt động,…

P.V
 

Ý kiến bạn đọc