Philippines đối mặt với “khủng hoảng giáo dục” khi trẻ học online quá lâu

VHO-Hàng triệu học sinh ở Philippines đã phải ở nhà học online năm thứ 2 liên tiếp do dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Các chuyên gia lo ngại nếu tình trạng vẫn tiếp tục, cuộc “khủng hoảng giáo dục” sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Philippines đối mặt với “khủng hoảng giáo dục” khi trẻ học online quá lâu - Anh 1

Học sinh Philippines học trực tuyến tại nhà trong điều kiện khó khăn

“Em muốn đến trường”

Đó là những gì Kylie Larrobis, một học sinh 7 tuổi nói với phóng viên AFP. Kylie nói rằng em không thể đọc chữ sau một năm học trực tuyến ở trong căn nhà thuộc khu ổ chuột của Thủ đô Manila. Không những vậy, em còn phải học chung với 6 người khác nên việc học tập khó đạt hiệu quả.

“Em không biết lớp học nhìn như thế nào. Em chưa từng một lần được đến lớp”, Kylie Larrobis tâm sự.

Mẹ của Kylie, bà Jessielyn Genel cũng tỏ ra lo lắng khi con của mình không thể hiểu được các bài giảng trực tuyến trên điện thoại thông minh: “Những gì đang xảy ra với học sinh Philippines thật không tốt. Con tôi thậm chí còn khóc mỗi lần không hiểu bài”.

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép mở cửa một phần hoặc hoàn toàn trường học để học sinh được học trực tiếp nhưng Philippines lại không làm điều này. Theo Liên Hợp Quốc, mọi trường học ở nước này đã đóng cửa kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến giờ vẫn bác bỏ đề xuất thí điểm mở cửa các trường tiểu học và trung học do lo ngại trẻ nhỏ có thể nhiễm Covid-19 và lây cho người khác. Hoạt động giáo dục thể chất cũng bị hạn chế bởi lệnh cấm trẻ em chơi ngoài trời.

Nhằm khắc phục khó khăn, một chương trình “học tập kết hợp” bao gồm giảng dạy trực tuyến, tài liệu in và các bài học được phát sóng trên truyền hình, phương tiện truyền thông xã hội đã đươc khởi động vào năm ngoài. Tuy nhiên, dự án này không mấy khả quan khi hầu hết học sinh Philippines không có máy tính và internet ở nhà.

Thầy Kristhean Navales, giáo viên môn khoa học của một trường tiểu học cho biết: “Chúng tôi thường giảng dạy qua Facebook Messenger. Học sinh sử dụng các biểu tượng cảm xúc như trái tìm, hình ngón tay để phản hồi xem mình có hiểu bài hay không. Tuy nhiên, có những lúc chưa đến 50% học sinh có thiết bị thông minh để học tập. Hoặc có thì dữ liệu Internet cũng bị hạn chế để thực hiện các cuộc gọi điện video”.

Thầy Kristhean cũng nói thêm, đối với các môn học đòi hỏi thực hành cao như khoa học và toán thì sẽ rất khó để giảng dạy trực tuyến. Các học sinh phải phụ thuộc rất nhiều vào tài liệu nhà trường phát và dần trở nên chán nản với việc học.

Philippines đối mặt với “khủng hoảng giáo dục” khi trẻ học online quá lâu - Anh 2

Các nhà khoa học e ngại việc học tại nhà quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Học sinh có thể không bao giờ trở lại trường

Ông Isy Faingold, Giám đốc phụ trách giáo dục của UNICEF tại Philippines cho hay, hơn 80% phụ huynh tại đây được khảo sát có tâm lý lo lắng con cái của họ “học kém hơn”. Khoảng 2/3 phụ huynh trong số họ ủng hộ việc mở lại các lớp học ở khu vực ít lây nhiễm.

“Học tập trực tuyến không thể thay thế các lớp học trực tiếp. Chúng ta đã có một cuộc khủng hoảng học tập trước Covid-19… Và nếu cứ tiếp tục như bây giờ, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông Isy Faingold khẳng định.

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, thanh thiếu niên 15 tuổi ở Philippines đạt hạng gần cuối về toán và khoa học. Nguyên nhân là bởi hầu hết học sinh theo học tại các trường công lập, nơi có sĩ số lớp đông, phương pháp giảng dạy lạc hậu và thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà vệ sinh. Ngoài ra, nghèo đói cũng là nguyên nhân khiến trẻ em tụt hậu.

Số liệu chính thức của quốc gia Đông Nam Á này cho thấy, số lượng học sinh đăng ký học tại trường đã giảm xuống còn 26,9 triệu em vào tháng 9 năm 2020. Giảm 5 triệu học sinh so với thời điểm trước đó. Ông Isy Faingold lo ngại việc trường học tạm dừng có thể khiến học sinh không bao giờ trở lại trường. Kéo theo đó là các mối lo về nguy cơ học sinh dễ bị xâm hại tình dục và mang thai ngoài ý muốn hơn.  Giám đốc phụ trách giáo dục của UNICEF tại Philippines mong muốn phụ huynh hãy đăng ký cho con em đi học trong thời gian sớm nhất.

Không chỉ lo lắng về sự kém hiệu quả của giảng dạy trực tuyến, nhiều chuyên gia còn nhận định học tập từ xa trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển chung của trẻ em. Chuyên gia Rhodora Concepcion thuộc Hiệp hội Tâm thần học Trẻ em và Vị thành niên Philippines cho biết: “Sự cô lập xã hội trong thời gian dài có liên quan mật thiết đến sự cô đơn và bệnh sinh lý ở trẻ em. Với sự gián đoạn của việc học trực tuyến và giao tiếp xã hội, chúng tôi đã quan sát thấy sự suy giảm trong các kỹ năng đã thành thạo trước đây ở trẻ em”.

Không chỉ học sinh, những người thân trong gia đình cũng chịu nhiều áp lực khi nhà trường đóng cửa. Chẳng hạn, trường hợp của bà Aida Castillio (65 tuổi) đã phải đến trường nhận tài liệu học tập, đem về cho 5 đứa cháu nhỏ học tại gia khi cha mẹ chúng đi làm. Nhiều em còn bị buộc rơi vào tình cảnh “muốn làm gì thì làm” khi không ai trông coi.

ĐÌNH TOÁN (Theo AFP)

Ý kiến bạn đọc