Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thời điểm chín muồi để mở cửa du lịch an toàn

Thứ Tư 20/10/2021 | 22:09 GMT+7

VHO- Ngày 20.10, báo điện tử Dân Trí tổ chức tọa đàm "Mở cửa Du lịch thế nào để an toàn?” nhằm đánh giá thời điểm mở cửa du lịch, các điều kiện để mở cửa du lịch an toàn. Cần phương án, kế hoạch thí điểm đón khách và xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn trong điều kiện bình thường mới như thế nào?

Các khách mời khẳng định thời điểm mở cửa du lịch đã chín muồi

Tọa đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học KHXHNV - ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing Vietjet Air, ông Hoàng Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Onsen Fuji.

Tại tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã hết sức cạn kiệt. Khi du lịch đã “chạm đáy”, thời điểm này, việc khôi phục du lịch là một trong những yêu cầu cấp bách của tất cả những người làm du lịch và doanh nghiệp du lịch. “Việc mở cửa du lịch sẽ giúp hoạt động du lịch dần quay trở lại; các doanh nghiệp sẽ quay trở lại kết nối lại với đối tác, bạn hàng, tìm kiếm thị trường sau hai năm đứt gãy; các doanh nghiệp sẽ thu hút, đào tạo lại lao động đặc thù. Bên cạnh đó, việc mở cửa du lịch sẽ giúp lan tỏa, kích thích giúp phục hồi lại các ngành nghề khác”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Ông Khánh khẳng định: “Đây là thời điểm chín muồi để chúng ta mở cửa du lịch. Về chủ trương, Đảng và Chính phủ trong thời gian vừa qua rất ủng hộ việc vừa phòng chống dịch an toàn vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế".

Cụ thể, tại Kết luận số 07 tháng 6.2021, Bộ Chính trị đã cho phép khôi phục hoạt động kinh tế, trong đó có việc thí điểm đón khách quốc tế đến một số điểm theo hình thức hộ chiếu vắc xin. Ngoài ra, công văn số 6345 ngày 10.9 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Kiên Giang quay trở lại đón khách quốc tế. Trên cơ sở đánh giá kết quả sẽ mở lại một số trung tâm du lịch khác.

Các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nhân viên du lịch, khách du lịch phải đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động du lịch an toàn

Đặc biệt, ngày 11.10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là cơ sở rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục lại hoạt động kinh doanh, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc phục hồi, phát triển kinh tế.

"Đến thời điểm này, chúng ta cũng đã nhận thấy với những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, tỉ lệ bao phủ vắc xin rất cao, số ca nhiễm trong cộng đồng đã được khống chế. Điều này chứng tỏ năng lực y tế đã của chúng ta đã có những cải thiện đáng kể", ông Khánh nói.

Các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch mong muốn quay trở lại họ đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ.

Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch trong 4 đợt dịch vừa qua. Đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin, để ngành Du lịch có thể khôi phục lại trong thời điểm này.

Đánh giá việc mở cửa lại thị trường quốc tế thời điểm hiện nay, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Tôi nghĩ rằng việc mở cửa thị trường quốc tế là con đường duy nhất chúng ta khôi phục du lịch. Có thể chúng ta làm chậm lại một chút nhưng cái đích vẫn là phải mở cửa cho khách quốc tế vào và trong thời gian sớm nhất. Chỉ khi nào có khách quốc tế vào thì các hoạt động kinh tế đối ngoại mới khởi động trở lại và xã hội mới phát triển bình thường được. Vì thế mở cửa đón khách quốc tế là bắt buộc".

“Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại, việc chọn cách nào để đưa khách quốc tế vào thì nhiều nước vẫn còn băn khoăn, cân nhắc, tính toán. Không chỉ Việt Nam mới mong mở cửa đón khách quốc tế mà nhiều nước cũng mong muốn nhưng họ cũng thận trọng. Thái Lan là nước mở đầu đón khách quốc tế ở Đông Nam Á. Họ cũng mất thời gian, cũng chật vật nhưng đến giờ họ đã tìm ra hướng đi tương đối đúng đắn. Cách làm này của Thái Lan chúng ta có thể học tập”, ông Bình phân tích.

Bên cạnh đó, theo ông Bình, trong thời điểm này khách du lịch nội địa cũng cần được đưa vào những vị trí quan trọng. Chính khách nội địa khi đi du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các ngành kinh tế khác.

Chính phủ đã tạo điều kiện để các địa phương mở cửa du lịch trở lại nhưng nhiều địa phương dường như chưa thực sự nắm bắt tốt thời cơ. Vì thế, du lịch nội địa cũng vất vả, chật vật khi khôi phục. Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng, khi nào mà dịch được kiểm soát là các đoàn khách nội địa sẽ lên đường. Dù rằng doanh thu của du lịch nội địa không quyết định đến toàn ngành nhưng sự khởi động sẽ tạo ra sự hứng khởi cho du lịch và lan tỏa đến các ngành khác. 

Mặt khác, nếu du lịch nội địa khởi sắc, sôi động khách quốc tế sẽ cảm nhận được là Việt Nam chúng ta đã là điểm du lịch an toàn và “đáng đến” sau khi dịch bệnh qua đi.

Nhu cầu du lịch của người dân sau khi dịch được khống chế là rất lớn

Đề cập đến những chính sách ưu đãi, giảm giá để kích cầu du lịch sau dịch, ông Nguyễn Quý Phương cho biết: “Qua nghiên cứu, khách du lịch nước ngoài và trong nước đều có nhu cầu lớn đi du lịch. Tôi thấy rằng, do dịch Covid-19 nên nhu cầu du lịch cũng có những thay đổi kể cả khách quốc tế và nội địa. Khách quan tâm đến du lịch tự nhiên, du lịch nông thôn, nông nghiệp… Khi quan tâm đến các sản phẩm du lịch này, khách cũng quan tâm chính sách khuyến khích của nhà nước và địa phương. Để triển khai chính sách kích cầu du lịch nội địa, ví dụ Quảng Ninh có chính sách miễn phí phí tham quan… Một số địa phương có những gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tổ chức các lớp đào tạo về các kỹ năng an toàn”.

Về phía ngành Du lịch, ông Phương thông tin Tổng cục Du lịch đã đề xuất miễn phí visa cho khách du lịch quốc tế.

Thảo luận về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng, thực ra, kích cầu du lịch là việc làm cần thiết trong giai đoạn ngắn hạn để hỗ trợ cho một ngành kinh tế hồi phục. Thời gian qua, các chương trình kích cầu cũng đã có thành công. Với ngành Du lịch, cứ mỗi khi khó khăn chúng ta lại triển khai một chương trình kích cầu. Có những chương trình kích cầu được Chính phủ hỗ trợ như năm 2009, giảm thuế VAT, miễn lệ phí visa… điều này giúp du lịch khôi phục rất nhanh. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ. Chúng ta không thể mang thứ “cũ” để thích ứng với giai đoạn mới này.

“Hiện nay người đi du lịch không chỉ mong chờ vào việc giảm giá mà vấn đề là họ đi có an toàn không, có được hưởng thụ giá trị dịch vụ phù hợp tiêu chí mới không, tìm hiểu văn hóa mới, sản phẩm mới như thế nào? Khái niệm kích cầu của giai đoạn này đã khác trước rất nhiều. Chúng ta phải có những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, quan tâm đến sự an toàn dành cho khách. Chúng tôi mong khách du lịch hiểu rằng chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới và hãy đồng hành, hiệp lực cùng với ngành”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing VietJet cho biết rất muốn đồng hành với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đơn vị lữ hành để xây dựng sản phẩm mới, an toàn, hấp dẫn phục vụ khách du lịch. “VietJet cam kết đồng hành với các đơn vị đưa ra gói sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất và giá hợp lý nhất. Quan trọng nhất là chúng ta cần có sự phối hợp, tiến hành truyền thông ở quy mô cả nước và cả thị trường quốc tế”, ông Sơn nói.

Nguyễn Anh, ảnh Mạnh Quân, Ngọc Tấn

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top