Xây dựng thương hiệu nhà rường Huế: Cần xem đó là “di sản chủ động”

VHO- Nhà rường Huế được xem là di sản quý báu về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử văn hóa của vùng đất Cố đô nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu nhà rường Huế gắn với những việc phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.

Xây dựng thương hiệu nhà rường Huế: Cần xem đó là “di sản chủ động” - Anh 1

Nhà rường của ông Hồ Văn Hưng ở làng cổ Phước Tích đã được hỗ trợ bảo tồn, trùng tu

Ngày hôm qua 28.10, tại TP Huế, Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các Sở, ngành tổ chức hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế. Dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều nhà rường đã biến mất, một số không nhỏ bị chia năm xẻ bảy, thay đổi cấu trúc nghiêm trọng. Ngay bên trong nhiều khu nhà rường đã xuất hiện công trình xây dựng hiện đại... Đó là thực trạng về nhà rường Huế mà TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét.

Trong giai đoạn 2015-2020 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện có hiệu quả về đề án Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng tại khu vực TP Huế và làng cổ Phước Tích. Đã có nhiều nhà vườn Huế được hỗ trợ trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 30 tỉ đồng. Thế nhưng, cũng có không ít nhà vườn nổi tiếng ở Huế chưa tiếp cận được đề án này bởi nhiều lý do. Do đó, cần xem xét kéo dài triển khai đề án, cùng với mức kinh phí hỗ trợ tăng lên để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Theo TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN, nhà rường Huế được xem như tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, theo thời gian, việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa cũng như thương hiệu nhà rường Huế chưa phát huy hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có; mặt khác, theo thời gian nhiều ngôi nhà rường đã xuống cấp. Các nghệ nhân, lao động lành nghề để làm nhà rường Huế thì ngày càng mai một, trong khi đó việc đào tạo truyền nghề chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhà rường cũng như thị trường tiêu thụ còn hạn chế… “Cần có một kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu nhà rường Huế, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể. Trong đó, đề xuất thành lập Hội sản xuất kinh doanh nhà rường Huế gồm các nghệ nhân, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nhà rường, các chủ nhà rường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để làm chủ thể quản lý nhãn hiệu nhà rường Huế sau này”, ông Hồ Thắng đề xuất.

Xây dựng thương hiệu nhà rường Huế: Cần xem đó là “di sản chủ động” - Anh 2

 Các đại biểu tham dự Hội thảo về nhà rường Huế ngày 28.10

Đề xuất của Giám đốc Sở KHCN đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu có mặt tại Hội thảo. Đại diện Công ty Huế Xuân và Lê Gia, đơn vị từng có hàng chục năm kinh nghiệm trong thực hiện sản xuất, trùng tu các công trình nhà rường tại Huế cho rằng, cần thành lập Hiệp hội nhà rường xứ Huế, gồm các chủ nhà rường và các phường thợ; đồng thời, xem xét thành lập Bảo tàng nhà rường Huế. Hỗ trợ và mở rộng mô hình dạy nghề nhà rường; đưa chương trình giảng dạy về cách thức xây dựng nhà rường Huế vào trường học (chương trình làm quen từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp)…

Đặt vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị của “thương hiệu” nhà rường Huế, KTS Nguyễn Ngọc Tùng (Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học Huế) cho rằng, cần lập bản đồ nhà vườn truyền thống Huế và các công trình di tích khác trên địa bàn tỉnh; các thông tin về ngôi nhà, vị trí tọa lạc, lịch sử xây dựng, tình trạng hiện tại cùng các hình ảnh và thông tin khác sẽ được thể hiện trên bản đồ này; qua đó, giúp cho công tác quảng bá về di sản nhà rường Huế đến những ai quan tâm và du khách đến Huế. Đồng thời, tạo ra sản phẩm du lịch liên quan đến nhà rường như quà lưu niệm là mô hình lắp ghép nhà rường (kèm tờ hướng dẫn lắp ghép) để quảng bá thương hiệu; số hóa VR hoặc AR các nhà rường truyền thống tiêu biểu, có giá trị cao làm cơ sở dữ liệu cần thiết nhằm bảo tồn về sau này…

“Những hoạt động, lễ hội, các tuyến phố du lịch, phố đi bộ… cần gắn với nhà rường. Đừng xem nhà rường là chủ thể “thụ động”, mà phải xem đó là “di sản chủ động”, có thể tạo ra những giá trị có ý nghĩa, có thương hiệu cho các mục đích đương đại. Điển hình như tại các kỳ Festival Huế, trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (bờ Nam sông Hương), nhiều nhà rường đã được dựng lên với các không gian về ẩm thực, giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ… qua đó, góp phần quảng bá về thương hiệu cho nhà rường”, ông Tùng đề xuất. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc