Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Không gian cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội sau di dời:Cần ưu tiên xây dựng không gian văn hóa, sáng tạo

Thứ Tư 03/11/2021 | 11:07 GMT+7

VHO- Hà Nội đã có quy hoạch di dời hơn 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô. Giới KTS cho rằng, quỹ đất sau khi di dời cần được quy hoạch thành không gian công cộng phục vụ người dân; đặc biệt một số nhà máy được xây dựng trước năm 1954 có giá trị về mặt kiến trúc cần được bảo tồn thành bảo tàng hoặc không gian sáng tạo cho Thủ đô.

 Bên trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm Ảnh: ĐIỆP BỒNG

 Báo cáo cho thấy đa số các cơ sở hình thành từ 1954 - 2015 và một số sau 2015; các cơ sở có quy mô nhỏ và phân bố trong giới hạn nội đô. Cụ thể, có 6 nhà máy được xây dựng trước năm 1954, 36 nhà máy ở giai đoạn 1954 - 1986, 42 nhà máy ở giai đoạn 1988 - 2015 và 11 nhà máy chưa có thông tin về việc xây dựng... như Nhà máy xe lửa Gia Lâm (năm 1939), Nhà in báo Nhân dân, Cty CP Diêm Thống nhất (năm 1956), Cty TNHH một thành viên in báo Hà Nội mới... 
Chuyển đổi các di sản công nghiệp thành không gian văn hóa và sáng tạo 
Qua khảo sát của nhiều KTS có 28 nhà máy có giá trị về kiến trúc, 67 nhà máy có giá trị kiến trúc trung bình hoặc không có giá trị. Trước năm 2020, nhiều nhà máy công nghiệp đã được di dời và quỹ đất trở thành những khu phục vụ người dân như Xưởng in báo Ideco thành Viện Pháp (phố Tràng Tiền), Nhà máy mỳ Chùa Bộc thành trường TH School… Một số di sản nhà máy công nghiệp có thể bảo tồn thành bảo tàng như Nhà máy bia Habeco, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà in báo Nhân dân…
Hiện nay, một dự án mang tên “Tái thiết di sản công nghiệp” do Viện Văn hóa quốc gia châu Âu (EUNIC) đang được thực hiện nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa các thành viên EUNIC và các đối tác Việt Nam nhằm đưa ra mô hình trong việc chuyển đổi các di sản công nghiệp thành các không gian văn hóa và sáng tạo tại Hà Nội. Dự án nhấn mạnh vào việc chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình đã được thực hiện thành công ở các nước thành viên EUNIC để đóng góp vào tiến trình bảo tồn các nhà máy cũ như là di sản công nghiệp của thành phố, chuyển đổi chúng thành các không gian văn hóa, sáng tạo nhằm góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô. 
Theo PGS.TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tái thiết đô thị không đơn giản là việc xây mới trên nền các công trình cũ. Đó là cả một quá trình tác động vào đô thị mà nó được gắn kết, có những mối quan hệ phức tạp với các lĩnh vực xã hội khác nhau. Trong bối cảnh Luật Kiến trúc đã có hiệu lực và bắt đầu đi vào cuộc sống, việc thực hiện một cách tiếp cận mới để nhận diện giá trị di sản, kiến trúc và văn hoá của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong thành phố sẽ cung cấp được các cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tái thiết đô thị từ không gian sau di dời của các cơ sở công nghiệp. Tại hội thảo “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp” (nằm trong khuôn khổ Dự án “Tái thiết di sản công nghiệp”) vừa tổ chức trực tuyến mới đây, KTS Massimo Roj, đến từ nước Ý, từng được Bộ Ngoại giao Ý chọn là Đại sứ thiết kế của Ý trên thế giới cho rằng, những KTS phải yêu vật liệu cũ với bề mặt, những lớp bao phủ che cũ của công trình, nhưng đồng thời họ cũng phải trân trọng những khu vực xung quanh các tòa nhà cổ, và những không gian công nghiệp. Không khí vẫn hiện diện trong những chi tiết, sàn nhà, đường phố, nơi mà cha ông chúng ta đã từng sống và làm việc. Những KTS đang truyền đạt quá khứ và lưu giữ thông điệp cho tương lai. Bảo tồn di sản bao gồm các khu vực xung quanh. “Chẳng hạn, Magazzini del Sale ở Venice, thế kỷ XV từng là một kho muối lớn. Ngày nay là một bảo tàng của Vedova, thành phố Venice đã đề nghị tôi nghiên cứu dự án này vào 2 năm trước. Tôi đề xuất làm một bức tường Nghệ thuật, ở đó bộc lộ quá khứ và bề mặt chất liệu được giữ nguyên, trưng bày cho các thời đại sau này. Những mảng tường thảm đầy muối đã giữ gìn vẻ đẹp của bề mặt này”, KTS Massimo Roj nói. 
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tái thiết không gian công nghiệp
Ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, đại diện của EUNIC trong dự án cho rằng, xã hội đang quan tâm đến việc đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp vào nỗ lực bảo tồn di sản bởi không chỉ giàu có về mặt kiến trúc, các cơ sở công nghiệp này đã hình thành nên ký ức quan trọng trong tiến trình xây dựng không gian đô thị của chúng ta, bản sắc của chúng ta và lịch sử của những người lao động, người dân quanh khu vực mà cơ sở công nghiệp đó tồn tại. Rất nhiều ví dụ thành công tại châu Âu và trên thế giới đã cho thấy việc chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa, nuôi dưỡng sáng tạo là mô hình có tính đạo đức bởi các dự án chuyển đổi này luôn mang đến tác động tích cực cho các vùng lân cận và được người dân đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của họ. Trong thời điểm sẽ có sự di dời hàng loạt các cơ sở công nghiệp tại Hà Nội trong những năm tới, những nhà hoạch định cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tái thiết không gian công nghiệp và đặc biệt là những gợi mở quan trọng cho câu hỏi “Tương lai nào cho các không gian cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội sau di dời?”.
Bày tỏ quan điểm về quỹ đất sau di dời các di sản công nghiệp, ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết, việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị. Nó tạo ra cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa, là nơi ươm các start-up của giới làm sáng tạo. Các không gian sáng tạo chuyển đổi từ các khu công nghiệp có diện tích lớn, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị tầm cỡ khu vực và quốc tế. “Chính vì vậy, Nhà nước cần đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho sự chuyển đổi, đầu tư vào việc chuyển đổi, và có chính sách khuyến khích các thành phần khác tham gia vào việc chuyển đổi này. Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị. Những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng”, ông Lê Quang Bình nói. 


 NGUYÊN KHANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top