Cần bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc Covid-19

VHO-Thảo luận về báo cáo phòng, chống Covid-19 trong phiên họp sáng 9.11, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với nội dung báo cáo và cho rằng nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc đã được rút ra sau các đợt bùng phát của đại dịch.

Nhắc đến công tác dự báo, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng công tác này rất quan trọng bởi nếu đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng xu hướng, sẽ là tiền đề, là cơ sở cho hoạch định chính sách đúng cũng như đảm bảo cho công tác điều hành của Chính phủ được linh hoạt. Ngược lại, từ những sai sót rất nhỏ trong khâu thống kê cũng có thể dẫn đến dự báo sai mà dự báo sai thì chính sách sẽ thất bại.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng cho rằng do việc thu thập thông tin chưa chính xác nên quyết sách ứng phó với dịch của một số bộ, ngành, địa phương còn bất cập, chưa toàn diện, chưa đầy đủ, chưa sâu sát và khả thi. Đó là những bài học kinh nghiệm lớn mà chúng ta cần rút ra sau các đợt bùng phát của đại dịch. Từ đó đại biểu mong Chính phủ quan tâm đến lĩnh vực này bởi dịch bệnh vẫn đang tác động mạnh mẽ đến từng ngõ ngách của đời sống xã hội, việc định hình bức tranh kinh tế - xã hội đòi hỏi mức độ chuẩn xác, khoa học của ngành thống kê, mỗi phút giây trôi qua đều có thể làm thay đổi kịch bản kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Cần bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc Covid-19 - Anh 1

Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng người lao động từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê tiềm ẩn nguy cơ mắc dịch bệnh

Đại biểu Mai Văn Hải - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa lại nêu lên thực tế sau đợt dịch thứ tư, người lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê đông, rất khó kiểm soát tình hình. Người dân từ các tỉnh phía Nam về quê, một số người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cách ly tại nhà nhưng do điều kiện không đảm bảo, ý thức hạn chế, nên đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, phát sinh ổ dịch, dẫn đến khó kiểm soát tình hình.

Thực tế này cho thấy người dân về quê có nguy cơ mang mầm bệnh cao, vì thế đại biểu đề nghị khuyến khích cách ly tập trung nơi có điều kiện để phòng chống dịch, tránh lây lan cho cộng đồng. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc xét nghiệm, sàng lọc nhóm có nguy cơ cao rất lớn, nhất là tại các bệnh viện. Vì vậy, đại biểu Hải cho rằng cần phải có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ với xét nghiệm sàng lọc để tránh gánh nặng cho cơ sở khám chữa bệnh và ngân sách địa phương.

Nêu lên những bài học kinh nghiệm, nhất là sau đợt bùng phát dịch vừa qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng chúng ta cần tập trung rà soát lỗ hổng là các đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị dịch Covid-19 tấn công như người già, phụ nữ có thai, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở y tế, viện dưỡng lão để không trở thành ổ dịch; tiêm phủ mũi 1 vaccine cho đại bộ phân dân số để ngăn chặn tử vong, rồi lần lượt tính đến việc tiêm mũi 2, mũi 3.

Từ những bài học thực tiễn, ông Hiếu đề nghị khẩn trương ứng dụng tin học, công nghệ trong theo dõi, điều trị người bệnh mắc Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ chủ trì trong việc triển khai lĩnh vực quan trọng này; hội đồng nghiệm thu phần mềm phải có các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết trong lĩnh vực y tế, công an, quân đội và người đang trực tiếp tham gia chống dịch.

Cần bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc Covid-19 - Anh 2

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc Covid

Đại biểu này cũng nhấn mạnh tiêu chí của phần mềm chống dịch phải đơn giản và rộng mở để bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất; tích hợp được tất cả phần mềm đã, đang và sẽ triển khai. Đại biểu Hiếu cho rằng, việc mở cửa phải được thực hiện từ từ, không dựa theo cảm tính, cần phải mở cửa an toàn, từng bước một, chúng ta cần phải trở lại cuộc sống bình thường, an toàn phòng chống dịch. “Chúng ta không sợ dịch Covid-19 nhưng không được chủ quan trong phòng chống dịch”, đại biểu Hiếu nói.

Tại phiên thảo luận này các đại biểu cũng góp ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như việc qui hoạch phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu, cơ cấu lại nền kinh tế để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; cần có các biện pháp để phục hồi, phát triển ngành Du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn; giữ gìn khôi phục, phát huy các nét văn hoá đặc sắc, các di sản văn hoá phi vật thể, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số…

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc