EU đối mặt với diễn biến nghiêm trọng của Covid-19

VHO- Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến “rất đáng lo ngại” tại nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), với số ca mắc mới và tử vong tăng lên đáng kể. Bên cạnh hối thúc tiêm chủng, một số quốc gia EU đang phải cân nhắc khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch.

EU đối mặt với diễn biến nghiêm trọng của Covid-19 - Anh 1

 Nhiều nước EU đang gồng mình ứng phó Covid-19 Ảnh: CNN

 Là một trong những “điểm nóng” Covid-19 tại EU, số ca nhiễm mới tại Đức đang không ngừng “leo thang” trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Chính phủ Đức, toàn liên bang đã ghi nhận nhiều ngày liên tiếp hơn 50.000 ca mắc Covid-19, số ca tử vong cũng gia tăng và có ngày lên tới hơn 200 ca. Ông Lothar Wieler, giám đốc RKI cảnh báo: “Nước Đức hiện là một ổ dịch lớn. Đây là tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Chúng ta cần phải đạp phanh khẩn cấp”. Người đứng đầu RKI cho biết, các bệnh viện và khu hồi sức cấp cứu tại một số địa phương đang bị quá tải, khiến nhiều dịch vụ chăm sóc y tế thường xuyên khó đảm bảo hoạt động. Trước diễn biến nghiêm trọng của Covid-19, ngày 19.11, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Đức đã thông qua Luật phòng, chống lây nhiễm sửa đổi, trong đó bổ sung một số hạn chế mới để giảm thiểu sự lây nhiễm dịch bệnh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh khả năng phải áp đặt các hạn chế phòng dịch, nhất là với những người chưa tiêm chủng, để ứng phó với tình hình “nguy kịch” của làn sóng dịch lần thứ tư này.

Trong khi đó, Áo cũng đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất, với tỷ lệ mắc Covid-19 vượt 990 ca/100.000 người trong nhiều ngày. Riêng trong ngày 19.11, nước này ghi nhận thêm 15.809 ca nhiễm mới. Áo buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ hôm nay (22.11) và kéo dài ít nhất 10 ngày, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Các trường học sẽ vẫn mở cửa nhưng việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong lớp học và học sinh có thể chọn hình thức học từ xa. Bộ trưởng Y tế Áo Wolfgang Mückstein cho biết: “Không ai muốn áp đặt phong tỏa, vì đó là một điều không mong muốn, nhưng đây là công cụ hiệu quả nhất mà chúng tôi có hiện nay”. Thêm vào đó, Áo có thể sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng quy định tiêm vắc xin ngừa Covid-19 bắt buộc đối với tất cả người dân (chỉ miễn trừ cho những người không thể tiêm vắc xin vì lí do sức khỏe), dự kiến thực hiện từ ngày 1.2.2022. Hiện việc siết chặt các quy định như yêu cầu kiểm tra “hộ chiếu vắc xin” và xét nghiệm virus đã bắt đầu mang lại kết quả nhưng vẫn chưa đủ để kiểm soát dịch bệnh. Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đủ liều tại Áo là 66%, thấp hơn nhiều so với một số quốc gia khác trong khu vực. Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn có làn sóng dịch thứ năm, thứ sáu, hay thứ bẩy”.

Ngoài ra, Séc và Slovakia cũng đang có tỉ lệ nhiễm Covid-19 hằng ngày thuộc nhóm cao nhất và cùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình chung của cả khối EU (Séc là 58%, Slovakia là 45%). Ngày 20.11, Bộ Y tế Séc cho biết, nước này ghi nhận 22.936 ca mắc mới, con số theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong khi Slovakia cũng ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay là 9.171 ca. Hệ thống y tế của cả hai nước đều trong tình trạng quá tải, với nhiều bệnh viện tuyến đầu không còn đủ giường điều trị cho bệnh nhân nặng. Để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh, từ hôm nay (22.11), Séc chỉ cho phép những người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh được tới các nhà hàng, tham dự sự kiện và sử dụng một số dịch vụ khác. Chính phủ Slovakia cũng áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, đồng thời kêu gọi người dân đăng ký tiêm chủng ngay.

Nhiều quốc gia EU khác cũng đang phải chật vật đối phó với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong những tuần gần đây. Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những công dân chưa được tiêm chủng và kêu gọi sự hỗ trợ của các bác sĩ khu vực tư nhân, khi các bệnh viện công và khu điều trị tích cực của nước này bị quá tải. Còn Hà Lan đã phải thực hiện tái phong tỏa một phần và quyết định cấm đốt pháo hoa truyền thống vào dịp năm mới 2022. Một số quốc gia cũng đang cân nhắc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để ngăn chặn virus lây lan trong mùa đông và tăng cường mở rộng độ bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn bộ dân số. 

HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc