Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để phát triển văn hóa nước nhà

Thứ Tư 24/11/2021 | 19:54 GMT+7

VHO- Tiếp tục phiên họp buổi sáng, chiều 24.11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức tiếp tục diễn ra với nhiều nội dung quan trọng.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) đến các điểm cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Dương. Hội nghị còn có sự tham dự của các nhà quản lý văn hoá, các trí thức, văn nghệ sĩ trên toàn quốc.

Phát biểu chỉ đạo và định hướng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Sáng nay, chúng ta đã nghe các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị đã có đánh giá hệ thống, cơ bản và phong phú về những kết quả 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Chúng ta đã làm rõ những vấn đề từ lý luận, thực tiễn; về vai trò của văn hoá trong sự phát triển bền vững của đất nước. Đã nghiên cứu, thảo luận về những thành tựu, hạn chế trong sự phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Xác định những nội dung cụ thể, đề xuất những kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực, để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đặt ra".

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu, đặc biệt là những ý kiến phát biểu chỉ đạo với nhiều tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không những cụ thể hoá đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng mà còn nhiều vấn đề mang tầm chiến lược. Năm lần trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến cụm từ: “Chấn hưng, phát triển văn hoá đất nước”. Trong thời kỳ đổi mới có thêm một vấn đề chúng ta phải cụ thể hoá, đó là “Chấn hưng, phát triển nền văn hoá trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo và định hướng

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu tham gia Hội nghị tập trung thảo luận và làm rõ những vấn đề:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị; làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về vai trò của văn hoá trong sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hoá; chuyển hoá nhận thức thành hành động; đưa Phong trào  TDĐKXDĐSVH phát triển sâu rộng, thực chất, thực sự là phong trào tự nguyện, tự giác của người dân, từng gia đình, tập thể cộng đồng.

Đội ngũ Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương trong việc thực hiện văn hóa đạo đức, làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống cùng sự vận động của xã hội, mọi lĩnh vực sinh hoạt, đời sống, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”.

Hội nghị tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ thành tựu, hạn chế trong thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối chủ trương phát triển của Đảng, bằng đường lối pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo môi trường điều kiện thuận lợi, khơi dậy tinh thần, cống hiến, đổi mới sáng tạo của nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá, nhất là môi trường văn hoá đoàn kết, dân chủ, kỷ cương; trọng tâm là môi trường văn hoá lành mạnh, phát huy giá trị tích cực của thuần phong mỹ tục, gia đình, cộng đồng và xã hội; chú trọng trong hoạt động bảo vệ phát huy di sản dân tộc nói chung và một số lĩnh vực khác của văn hoá nói riêng như: Phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hóa, phát huy vai trò truyền thông, chủ động hội nhập hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hoá.

Tham gia các giải pháp trước mắt và lâu dài, xây dựng đội ngũ cán bộ làm văn hoá và đội ngũ văn nghệ sĩ tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới. Công tác lãnh đạo, quản lý văn hoá phải có đội ngũ chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, am hiểu về lĩnh vực chuyên môn, có khả năng quy tụ, vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia phát triển văn hóa, xây dựng con người cần có kế hoạch khoa học, bồi dưỡng đào tạo kỹ lưỡng, chọn lọc, bố trí hợp lý nhằm khắc phục tình trạng chắp vá, thiếu hụt cán bộ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Cần tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề cụ thể về các chủ trương, giải pháp để quyết  tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; bằng hành động cụ thể, thể hiện qua Chiến lược phát triển Văn hóa đến 2030.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội nghị sẽ truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để văn hoá nước nhà phát triển

 

Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030 có 5 quan điểm chính

1. Khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Văn hóa phải đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; thích ứng với xu thế phát triển Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…

2. Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.

3. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập.

4. Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

5. Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hoà bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là bước đi trọng tâm trong việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Trình bày tại Hội nghị về việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là bước đi trọng tâm trong việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong bài trình bày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Hiện nay nước ta có 119 di tích quốc gia đặc biệt (trong đó di tích lịch sử là 51, di tích kiến trúc nghệ thuật là 24, khảo cổ 4, danh thắng 9, hỗn hợp là 31), di tích quốc gia là 3.581… Tuy nhiên, trong thời gian qua chúng ta rất thiếu nguồn lực để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Bên cạnh đó, nhiều địa phương nghĩ là di tích quốc gia thì quốc gia phải đầu tư. Với những di tích cấp tỉnh, nguồn lực đầu tư của địa phương rất ít. Vì thế, xảy ra tình trạng di tích xuống cấp ở nhiều nơi. Trong Hội nghị sáng 24.11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu xem xét, bảo tồn phát huy các giá trị của di tích, để di tích trở thành báu vật quốc gia.

Nói về việc đặt ra mục tiêu 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều nơi hiện nay đang chạy theo phong trào nên việc bình xét các danh hiệu văn hoá cũng chưa thực sự chính xác, thậm chí tạo ra hiệu ứng ngược. Vì thế, đặt ra yêu cầu phải lựa chọn đúng, xem xét chuẩn và lấy gia đình của là chủ thể của các phong trào, chủ thể của việc đăng ký xây dựng chứ không phải sự gán ghép, ban phát của cấp có thẩm quyền. Việc cấp giấy chứng nhận gia đình văn hoá phải được hình thành trên cơ sở đăng ký, mong muốn, phấn đấu của gia đình đó và nó như một sự ghi nhận, tôn vinh.

Nhắc lại những trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc lâu rồi chúng ta không có những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao, làm lay động lòng người, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chiến lược cũng đặt vấn đề thời gian tới sẽ có những tác phẩm sống mãi với thời gian. “Đất nước ta, với văn hoá 4.000 năm, “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn”. Chúng ta luôn đề cao tính sáng tạo, mong muốn, khuyến khích để có được đội ngũ văn nghệ sĩ cống hiến, tạo ra những “đứa con tinh thần” dâng cho đời”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Nói về đề xuất phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách/năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, chúng ta mong muốn có được nguồn lực để đầu tư. Năm 2019, trên diễn đàn Quốc hội cũng có đại biểu thẳng thắn đề cập, “đầu tư cho văn hóa chỉ tương đương vài km đường nhựa trong 5 năm”. Thực ra, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng quả thực với số tiền đó thì chưa làm được gì nhiều cho văn hoá. Vì thế, mong muốn có được 2% trong tổng số chi của ngân sách, ít nhất văn hoá cũng được đặt ngang hàng với 1 số ngành khác. Trong Hội nghị sáng 24.11, Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để văn hoá có điều kiện phát triển. “Bộ VHTTDL cũng đã báo cáo trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước và bước đầu nhận được sự đồng tình. Bên cạnh đó, từ những sự sáng tạo của địa phương và khi đang chờ những chính sách của Trung ương, tôi mong rằng các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển văn hóa nhiều hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Các đại biểu kỳ vọng văn hoá sẽ thực sự được coi là nền tảng phát triển của xã hội, được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

 

Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030

Mục tiêu chung

1) Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển con người Việt Nam toàn diện.                                     

2) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách, người yếu thế, chú trọng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3) Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng.

4) Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

8 mục tiêu cụ thể:

1. 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa: Trung tâm văn hóa/ Trung tâm văn hóa nghệ thuật, Bảo tàng, Thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, xã có Trung tâm văn hóa- thể thao.

2. Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có ít nhất 5 di sản được UNESCO ghi danh theo các Công ước của UNESCO.

3. Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

4. Bảo đảm khoảng 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa. Trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phong trào thi đua, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở cần kế thừa, phát huy tinh hoa của văn hoá gia đình truyền thống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, văn minh, hiện đại.

5. Hàng năm có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20 - 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Xây dựng Chương trình sáng tác, nghiên cứu về văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trong 100 năm (1930 - 2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng.

6. Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật.

7. Phấn đấu gia tăng giá trị đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo; Phấn đấu có từ 1 đến 3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

8. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách/năm.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin

Phát biểu kết luận phiên họp chiều 24.11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, không chỉ người làm công tác quản lý văn hoá, giới văn nghệ sĩ mà đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều trông đợi cần có một Hội nghị toàn quốc để nhìn nhận lại vai trò của văn hoá, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những gì chúng ta đã đạt được trong những năm qua. Đặc biệt là cần nhìn thẳng vào những thiếu sót, thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động để “chấn hưng văn hoá” như lời Tổng Bí thư đã nói.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta mong sau Hội nghị này, tất cả mọi người, không chỉ những người làm công tác văn hoá mà toàn xã hội, tất cả người dân Việt Nam dù làm gì, ở đâu, tín ngưỡng tôn giáo nào, ở trong nước hay nước ngoài đều được truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để văn hoá nước nhà phát triển rực rỡ hơn; để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. Chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hoá. Suy cho cùng, văn hoá còn thì dân tộc còn.

“Chúng ta cũng mong rằng tinh thần này không chỉ nằm ở không khí Hội nghị hôm nay hay những ngày sau Hội nghị mà từ nay về sau sẽ thường xuyên được nhắc lại, được cập nhật,  như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu, chúng ta phấn đấu trong một nhiệm kỳ 5 năm sẽ có Hội nghị như thế này...”, theo Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã có quan điểm, mục tiêu, giải pháp, phân công và các đề án thực hiện. Phó Thủ tướng nêu một số ý kiến mang tính gợi mở. Thứ nhất, như Văn kiện Đại hội Đảng và Tổng Bí thư đã nói, chúng ta cần thực hiện Chiến lược này nhằm góp phần khơi dậy khát vọng trong toàn nhân dân.

Thứ hai, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mới khoa học công nghệ, đã hội nhập trên tinh thần cầu thị như Bác Hồ nói: “Tây phương hay Đông phương cứ cái gì tốt thì ta học”. Nhưng học không phải sao chép nguyên mà học để trau dồi cho nền văn hoá của Việt Nam. Chúng ta phải lưu ý, một mặt chống lai căng, mặt khác có nhiều lề thói có thể gọi là biểu hiện văn hóa đã không còn phù hợp, chúng ta cần mạnh dạn đổi mới.

“Thứ ba, chúng ta nói rất nhiều về kiến tạo môi trường, ở đây tôi nhấn mạnh đến môi trường văn nghệ sĩ, tiếp đến là toàn dân, toàn xã hội, đó là môi trường cổ vũ cho sáng tạo, một môi trường cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác biệt, để tất cả mọi tài năng của con người dù là văn nghệ sĩ hay nông dân đều được phát huy, được tôn vinh...”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Thứ 4 về xây dựng con người, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ 2 vấn đề. Đã nói đến văn hoá là con người, mà đã nói đến con người thì đầu tiên phải nói đến giáo dục. Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới giáo dục, giáo dục tương tự như văn hoá, đang gặp nhiều khó khăn. Chúng ta phải cùng nhau để cùng ngành giáo dục thực hiện được bằng được đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trên tinh thần cầu thị và kiên trì. Mặt khác, là văn hoá làm gương mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều, các tham luận cũng như phát biểu tại Hội nghị cũng đã đề cập.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói làm gương phải từ trên xuống, nhưng tôi muốn nói thêm, với các cán bộ văn hoá còn là từ tự thân mỗi con người, đầu tiên là cần phải cố gắng phấn đấu thành tấm gương. Tôi mong muốn tất cả các cấp, các ngành phải bằng hành động cụ thể để chú trọng hơn đến văn hoá...”.

 

Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030 đặt ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chính

Thứ nhất là phải nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển. Định kỳ 5 năm tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Thứ 2 là Hoàn thiện thể chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý

Thứ 3 là Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Thứ 4 là Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế

Thứ 5 là Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa

Thứ 6 là Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc

Thứ 7 là Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa

Thứ 8 là Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa

Thứ 9 là Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

Thứ 10 Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa

Thứ 11 là Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa

THU TRANG- THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top