Phòng chống HIV/AIDS trong đại dịch

VHO- Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS từ đầu tư nguồn lực, nhiều hoạt động bị ngưng trệ... dẫn đến người mắc mới có xu hướng gia tăng.

Phòng chống HIV/AIDS trong đại dịch - Anh 1

Giãn cách xã hội, cách ly y tế làm gián đoạn việc lấy và uống thuốc ARV của người nhiễm HIV (ảnh minh họa)

 Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), từ đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29 (46%) và 30-39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%).

Cảnh báo nhóm nguy cơ chính ở Việt Nam

Cũng từ đầu năm 2021 tới nay ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong

Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8% vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao (nghiện ma túy, mại dâm) giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tại Việt Nam, trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều người khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng so với năm 2020. Nguyên nhân là các tỉnh, thành phố triển khai giãn cách xã hội, các hoạt động triển khai bị gián đoạn; nhân lực ngành y tế từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là Trung tâm phòng, chống bệnh tật tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động chung và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Người có nguy cơ không đến tiếp cận với các cơ sở xét nghiệm cố định, nhân viên phòng xét nghiệm ở các tuyến huyện, tỉnh chịu nhiều áp lực do chủ yếu ưu tiên cho xét nghiệm Covid -19 vì vậy để đảm bảo xét nghiệm HIV kịp thời thường phải làm việc quá thời gian, thiếu nhân lực; công tác vận chuyển các mẫu xét nghiệm kỹ thuật cao như đếm tế bào CD4, đo tải lượng vi rút, chẩn đoán sinh học phân tử cho trẻ nhiễm HIV ở một số tỉnh bị chậm thời gian do khu vực miền Nam và TP.HCM bị phong tỏa nên không thể gửi mẫu đến Viện Pasteur HCM để xét nghiệm…

Cũng theo ông Cảnh, do giãn cách xã hội nên người bệnh sống tại khu vực bị cách ly, phong tỏa đã dẫn đến tình trạng người bệnh không thể đến được các cơ sở điều trị để khám, lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ. Một điểm rất lưu ý ở đây là do kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản dẫn đến việc nhiều người nhiễm HIV đã lựa chọn giải pháp đi đến các cơ sở điều trị xa nơi mình ở để điều trị, thậm chí là đến tỉnh,thành phố khác…

Hãy ở nhà và tự xét nghiệm

Trước thực trạng này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ đạo các địa phương linh hoạt các phương pháp và cách thức triển khai hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động tự xét nghiệm HIV với ứng dụng công nghệ thông tin và huy động sự tham gia của nhiều thành phần xã hội để triển khai hoạt động này. Triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV và chiến lược xét nghiệm dựa vào mạng lưới người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Lồng ghép việc gửi mẫu CD4 và tải lượng vi rút cùng với mẫu xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo tiến độ cung cấp cho bệnh nhân.

Đặc biệt, hướng dẫn địa phương triển khai nhiều chiến dịch trực tuyến mang tên “Hãy ở nhà và tự xét nghiệm” đã đưa ra phương án lựa chọn cho phép mọi người có thể đặt hàng bộ tự xét nghiệm qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua nền tảng đặt hàng trực tuyến. Hàng chục nghìn bộ tự xét nghiệm HIV được vận chuyển, chuyển phát qua đường bưu điện hoặc là được giao tới cho những người có nhu cầu xét nghiệm. Đa số khách hàng đặt mua bộ xét nghiệm đều là nam giới trẻ tuổi có quan hệ tình dục đồng giới và ở độ tuổi từ 19 đến 24, trong đó khoảng 30% chưa từng xét nghiệm HIV trước đó, 85% khách hàng đặt mua bộ tự xét nghiệm cho biết chính những nội dung trực tuyến đó đã khiến họ muốn xét nghiệm HIV. Hoạt động này có ý nghĩa duy trì sự sẵn có của dịch vụ tự xét nghiệm HIV trong và sau lệnh phong tỏa do Covid-19 là một biện pháp cần thiết để đảm bảo những người có nguy cơ nhiễm HIV, trong đó bao gồm cả những người chưa từng thực hiện xét nghiệm HIV trước đó, có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV an toàn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mà không bị gián đoạn.

Năm 2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp cùng các cơ quan và tổ chức quốc tế thực hiện chiến dịch về dự phòng HIV với chủ đề “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì” từ ngày 17.11 – 15.12 cùng với các hoạt động khác nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021. Chiến dịch giúp thúc đẩy nhận thức của người dân nói chung và nhóm người trẻ có hành vi nguy cơ cao về những loại thuốc an toàn và hiệu quả trong dự phòng lây truyền HIV, không có lý do gì để e ngại khi biết về tình trạng HIV của một ai đó; và chiến dịch cũng muốn chuyển tải thông điệp là: Chúng ta đang sống trong một thời đại khi mà tình trạng HIV không còn là vấn đề gây cản trở khi nói về các mối quan hệ, tình yêu và chăm sóc sức khỏe. Nếu có nguy cơ lây nhiễm HIV thì cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); nếu xét nghiệm có virus HIV thì điều trị kháng virus (ARV), khi đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (nói cách khác, không phát hiện được virus trong cơ thể người đó) sẽ không làm lây truyền virus HIV sang cho bạn tình của họ. 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc