Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Số hóa thư viện trường học: Xu hướng đọc sách của “công dân @”

Thứ Tư 01/12/2021 | 07:54 GMT+7

VHO- Ảnh hưởng của Covid-19 khiến hoạt động thư viện trong các trường học “án binh bất động” suốt một thời gian dài. Với sự phát triển của công nghệ số, để đưa sách đến gần hơn nữa với học sinh, sinh viên, việc xây dựng thư viện điện tử đang được ngành giáo dục và nhiều nhà trường quan tâm, triển khai.

 Thư viện số khuyến khích giới trẻ đọc và tự học Ảnh: ITN

Khó tiếp cn thư vin trường

Thư viện vốn được coi là “trái tim của trường học”, là nơi xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho giới trẻ và góp phần nâng cao chất lượng dạy - học. Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng thư viện truyền thống có nhiều hạn chế về không gian, thời gian. Không phải bất cứ lúc nào học sinh, sinh viên cần đều có thể đến thư viện để đọc sách và mượn sách được, hơn nữa việc tìm kiếm tài liệu cũng mất khá nhiều thời gian; thêm nữa, nguồn tài liệu cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm qua, nhiều địa phương chuyển sang phương thức học trực tuyến, các bạn lại càng khó tiếp cận với sách trong thư viện trường.

Trong khi đó, nhu cầu khai thác, lưu trữ và tìm kiếm các nguồn tài liệu của giáo viên và học sinh ngày càng cao. Mặt khác, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để đọc sách điện tử như: Máy tính, điện thoại di động, Ipad, máy đọc sách... khiến học sinh có thể truy cập mạng bất cứ thời điểm nào và bất cứ nơi đâu bằng nhiều thiết bị. Hiện trên thị trường có bán nhiều sách điện tử, tuy nhiên giá thành còn khá cao nên chưa phù hợp với các đối tượng học sinh sinh viên, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.

Từ nhu cầu của thực tiễn, cũng như hạn chế của thư viện truyền thống, công tác số hóa, xây dựng thư viện điện tử cho các trường là xu hướng tất yếu. Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Vương Hương Giang, ngành giáo dục triển khai học trực tuyến nhưng việc đọc sách tại thư viện trường thì không thể thực hiện được như trước đây. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay thích giải trí trên phương tiện nghe nhìn hơn là cầm sách lên đọc. Lan tỏa văn hóa đọc tới đối tượng này là vấn đề cần được quan tâm nhằm giúp các em rời xa sự cám dỗ từ trò chơi điện tử, mạng xã hội, thư giãn sau những tiết học online phải tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. “Đại dịch bùng phát gây cản trở cho học sinh trong quá trình học tập và phát triển thói quen đọc sách. Bài toán đặt ra cho chúng ta là làm sao để học sinh ở tất cả mọi miền đất nước đều có thể thuận lợi tiếp cận tri thức, làm thế nào để xây dựng mô hình khuyến đọc hiệu quả trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ”, bà Hương Giang bày tỏ.

Khuyến đọc trong môi trường công ngh s

Hiện trên không gian mạng có khá nhiều trang web như: Tramdoc.vn, Sachvui.com, Ybook.vn... song chỉ dừng ở giới thiệu sách, bán sách, giới thiệu một vài sự kiện sách nổi bật; có những kênh sách online nhưng nội dung còn hạn chế, hoặc phải trả phí, sách văn học liên quan đến môn Ngữ văn trong nhà trường cũng còn rất ít. Trang web có mục sách nói rất hạn chế, hơn thế, sách nói thường thiết kế theo hình thức một người đọc từ đầu đến cuối, khiến người nghe cảm thấy nhàm chán, nhất là với đối tượng thường thiếu tập trung và chưa thực sự yêu thích đọc sách như học sinh. Do đó, theo bà Vương Hương Giang, xây dựng website đọc sách miễn phí cho các em là một cách làm đáng quan tâm: “Có rất nhiều cách thức để học sinh trên mọi miền đất nước được tiếp cận tri thức một cách thuận lợi khi học trực tuyến như hiện nay. Đó là xây dựng trang web đọc sách online sinh động, phong phú và miễn phí. Đây cũng là kho học liệu mà giáo viên và học sinh có thể sử dụng trong quá trình dạy và học”.

Giới trẻ đang là những “công dân số” sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới thói quen của họ trong việc đọc sách. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có các nền tảng phù hợp để khuyến khích giới trẻ đến với sách.

Bà Hương Giang góp ý, việc ý tưởng xây dựng website đọc sách miễn phí cho đối tượng học sinh có thể gồm: Cung cấp bản mềm sách giáo khoa các cấp học, môn học để học sinh tải về máy tính cá nhân sử dụng. Bên cạnh đó, thư viện sách cung cấp bản word đầy đủ của các cuốn sách, chia thành các mục riêng: Sách văn học, sách kĩ năng sống, sách truyền cảm hứng… Đồng thời, cung cấp sách nói (audio book) thuộc nhiều thể loại, ngôn ngữ để học sinh vừa có cơ hội đọc sách vừa được rèn luyện kỹ năng nghe, nói ngoại ngữ. Ngoài ra còn có mục giới thiệu sách dưới dạng các bài viết hoặc kết hợp thuyết trình bằng các video có hình ảnh, âm thanh sinh động; có các hoạt động kết nối cuốn sách với thực tế cuộc sống và với bạn đọc như vẽ tranh minh họa cho cuốn sách yêu thích, viết tiếp phần 2 cho cuốn sách, sân khấu hóa tác phẩm văn học...

Thực tế, mô hình thư viện điện tử dành cho học sinh phổ thông đã được một số địa phương bước đầu triển khai, tuy nhiên còn ở mức độ hạn chế về nguồn tài liệu, tính năng thư viện; dự án Xây dựng thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam - Chuyên sâu khối ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý - Thư viện trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đầu mối, do Ngân hàng Thế giới tài trợ đang được triển khai, dự kiến năm 2022 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động thư viện cần chủ động bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của thời đại, sử dụng Internet để kết nối, giúp thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng nguồn thông tin của các thư viện và các xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn. 

 TRUNG HIU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top