Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giáo viên chủ nhiệm thời online

Thứ Hai 13/12/2021 | 07:56 GMT+7

VHO- Giáo viên chủ nhiệm vốn được xem như “hiệu trưởng con” trong nhà trường vì ngoài việc dạy học, họ còn phải quản lý học sinh và kiêm nhiệm thêm nhiều việc. Ở thời kỳ dạy học online phòng dịch Covid-19, giáo viên chủ nhiệm chẳng những không nhàn hơn mà lao động lại tăng gấp 2-3 lần.

 Ở thời kỳ dạy học online phòng dịch Covid-19, giáo viên chủ nhiệm chẳng những không nhàn hơn mà lao động lại tăng gấp 2-3 lần

 “Cân” hết… thượng vàng hạ cám

Khi học sinh đi học bình thường, những sự vụ mang tính hành chính của trường, đặc biệt là việc thu tiền nằm trong các khoản quy định không phải phận sự của giáo viên chủ nhiệm. Nhưng khi học sinh học online, mọi liên hệ giữa học sinh với nhà trường chỉ qua giáo viên chủ nhiệm nên thượng vàng hạ cám những việc lặt vặt họ phải “cân” hết.

Một giáo viên chủ nhiệm trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) kể, ban ngày dạy học, trao đổi với giáo viên bộ môn để nắm tình hình lớp, trao đổi với phụ huynh những tình huống phát sinh về học sinh, nhưng tối vẫn phải giải quyết vô vàn các thứ việc lắt nhắt như thông báo thu tiền, rồi nhận tiền gửi qua tài khoản, thống kê, gửi lại danh sách học sinh đã nộp tiền vào group. Có lúc để sót một vài trường hợp, phụ huynh thông cảm không sao, có người không thoải mái, phải xin lỗi.

Bảy tháng học sinh ở nhà học online nhưng vẫn phải mua sách, mua đồng phục. “Trường không cho phụ huynh vào trường, giáo viên chủ nhiệm và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh phải tự khuân sách đi giao. Giấy khen, quà tặng lại giáo viên chủ nhiệm đặt ship, gửi đến từng nhà các con. Có hôm đang dạy thì shipper điện thoại liên hồi, phàn nàn về địa chỉ ghi sai. Những chuyện như thế rất nhiều, đôi khi giáo viên cũng phải làm quen và xem đó như… chuyên môn của mình”, cô Thu Huyền, một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở Hà Nội chia sẻ.

Chị Thủy, phụ huynh học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) kể, có ở nhà với con học online mới thấy thương cô giáo chủ nhiệm. Nhà học sinh trục trặc thiết bị học trực tuyến, giáo viên cũng phải điện thoại hướng dẫn vì phụ huynh không thạo công nghệ. Có trường hợp học sinh không có camera để thực hiện bài kiểm tra giữa kỳ, cô giáo phải nhờ chồng mang đến lắp đặt giúp. “Đều đặn sau buổi học, chúng tôi nhận được một bản nhận xét chi tiết do giáo viên chủ nhiệm tổng hợp. Cô phải trao đổi với từng giáo viên bộ môn để nắm xem trong tiết học, con nào tích cực, con nào chưa làm bài, bị trục trặc thiết bị, không trả lời giáo viên hay ngủ gật… Đọc bản nhận xét thì biết giáo viên đã rất chú trọng việc khen ngợi, khuyến khích hơn là phê bình. Nhưng cũng nhiều sự vụ giáo viên phải trao đổi, thậm chí điện thoại riêng cho phụ huynh. Học online có hiệu quả hay không, trông đợi vào sự sát sao của giáo viên chủ nhiệm như thế”, chị Thuỷ nói.

“Học sinh học online nhưng nhiều hoạt động vẫn phải duy trì, chỉ khác là chuyển sang trực tuyến nên giáo viên chủ nhiệm phải gánh thêm nhiều việc như sáng tạo các hình thức hoạt động mang tính tương tác, cuộc thi online, thay đổi giờ sinh hoạt lớp, thực hiện các chuyên đề tích hợp liên môn… Nhiều việc vất vả nhưng lại không thể tính vào giờ dạy để có tiền thù lao cho giáo viên”, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà (Hà Nội) cho biết.

Nỗi khổ của giáo viên chủ nhiệm lớp 1, lớp 2

Chủ nhiệm lớp học online với học sinh quá bé, nhất là lớp đầu cấp khi cô - trò chưa có một lần gặp gỡ trực tiếp là một khó khăn lớn. Đặc thù ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy chính nên công việc nhiều lúc quá tải. “Trẻ còn chưa biết cách cầm bút hay tư thế ngồi viết cho đúng. Để các bé bớt bỡ ngỡ và có điều kiện uốn nắn từng con, riêng phần tập viết tôi phải chia nhỏ lớp, cài đặt riêng một camera kết nối với điện thoại để chiếu hình cận cảnh bảng viết khi cô hướng dẫn tập viết. Song song với đó là máy tính để theo dõi bao quát cả lớp. Ngoài ra phải liên tục nghiên cứu, tải các phần mềm tương tác để thay đổi cách dạy học hay tổ chức hoạt động cho các con. Chưa bao giờ giáo viên lại phải vượt khó và tự học như thời gian này”, cô Mai, một giáo viên tiểu học cho biết.

Giáo viên chủ nhiệm thời online không có khái niệm “giờ chính khoá” vì làm việc triền miên cả ngày cả tối. Nhiều khi cũng không phân biệt đâu là công việc chính phục vụ trực tiếp giảng dạy, quản lý học sinh, đâu là các công việc phải tìm tòi để đổi mới, hoặc để cải thiện quan hệ với phụ huynh, học sinh trong bối cảnh không được “mặt đối mặt”. Một số giáo viên còn kể về áp lực khi quản lý lớp online vì không chỉ lớp học được Ban giám hiệu, tổ bộ môn theo dõi mà lớp có 45 học sinh thì có ít nhất 45 bố hoặc mẹ cũng theo dõi nên rất áp lực.

“Cả khi rất mệt nhưng phụ huynh trao đổi, góp ý vẫn phải lắng nghe. Một phần cũng thông cảm với lo lắng của phụ huynh, nhưng một phần chúng tôi sợ rủi ro có thể xảy ra. Từng có phụ huynh không hài lòng với cô giáo khi xem cô dạy online mà gây áp lực với Ban giám hiệu đòi đổi giáo viên. Nên giáo viên khổ mà chẳng dám kêu”, giáo viên trường tiểu học Nghĩa Đô (Hà Nội) chia sẻ.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các trường có thể căn cứ vào lao động thực tế trước và sau tiết dạy để tính toán, quy đổi giờ lao động ra số tiết, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, nhưng trên thực tế, theo phản ánh của các trường, họ vẫn vướng nhiều quy định dẫn tới việc “thiếu minh chứng để quy đổi”. Đặc biệt là ở các trường tư, trường tự chủ tài chính, học sinh không đến trường thì học phí chỉ thu bằng 75% bình thường, thành ra thu nhập của giáo viên lại giảm đi. Khó khăn này sẽ còn kéo dài khi dịch bệnh vẫn phức tạp khiến học sinh đến trường rồi lại phải nghỉ để học trực tuyến tại nhà. 

 TRIỆU ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top