Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Báo chí tác nghiệp như thế nào đối với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái?

Thứ Năm 16/12/2021 | 15:22 GMT+7

VHO-Nạn nhân bị bạo lực nên được khắc họa đáng thương hay bản lĩnh ? Có nên dùng hình ảnh đồ họa minh họa cho bài viết thay vì đưa hình ảnh nạn nhân? Đã tới lúc cần phải có một quy tắc về đạo đức nhà báo khi đưa tin về các thông tin bạo lực giới ? Có rất nhiều vấn đề và những câu chuyện thú vị xung quanh việc tác nghiệp của nhà báo tại cuộc Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với UNESCO Việt Nam tổ chức vào sáng 16.12, tại Hà Nội.

Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam Christian Manhart phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” thông qua các phương tiện truyền thông; hướng dẫn cho các chuyên gia truyền thông về cách báo cáo các vấn đề về Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tìm cách thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các phương tiện truyền thông bằng cách thu hút sự tham gia của các cơ quan chính phủ và các cơ quan truyền thông quốc gia quan trọng nhất của Việt Nam.

Chia sẻ mục đích tổ chức Tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển nhấn mạnh đây là cơ hội giúp các phóng viên thu nhận được những kỹ năng, kinh nghiệm quý báu để hạn chế những sai sót xảy ra trong quá trình tác nghiệp về các chủ đề nhạy cảm như: xâm hại tình dục, bình đẳng giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bảo vệ người yếu thế trong xã hội...Đồng thời, buổi tọa đàm này cũng là cơ hội để đội ngũ phóng viên, biên tập viên trao đổi kinh nghiệm làm nghề, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp thực tế, từ đó rút ra những bài học giúp nâng cao kỹ năng đưa tin, viết bài về các chủ đề trên.

Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam Christian Manhart cho biết, đấu tranh vì bình đẳng giới và cuộc chiến với mọi hình thức bạo lực với phụ nữ nằm trong những mục tiêu ưu tiên của UNESCO. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục về vấn đề này, cũng như góp phần thay đổi thái độ và hành vi trong cộng đồng. Điều đáng nói là, trong đại dịch Covid-19, bạo lực với phụ nữ đã tăng nhanh chóng. Theo một báo cáo được công bố chỉ mới tháng trước của Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), có tới 45% phụ nữ đã phản ánh rằng họ hoặc một số người phụ nữ mà họ biết đã phải trải qua một vài dạng bạo lực. Ông Christian Manhart hy vọng truyền thông ở bất kỳ loại hình báo chí nào đều biết cách đưa tin bài và xây dựng nội dung tin bài một cách hợp lý, nhằm góp phần phòng chống tình trạng bạo lực giới.

Tọa đàm thu hút nhiều nhà báo đại diện cho các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam

Ngoài vấn đề đạo đức trong tác nghiệp, TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội còn nhấn mạnh đến việc cách lựa chọn các chi tiết khi đưa tin. TS. Đỗ Anh Đức chỉ ra những sai sót của báo chí hiện nay khi đưa tin về bạo hành phụ nữ và trẻ em gái hiện nay: đổ lỗi cho nạn nhân khiến người tiếp nhận thông tin hiểu sai vấn đề, ít nhiều bào chữa cho thủ phạm; tô đậm định kiến, kì thị và thiên lệch về giới; đưa quá nhiều chi tiết bạo hành, vô tình khiến danh tính của nạn nhân bị tiết lộ; khai thác, thu thập thông tin từ một phía; đưa tin theo hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh; sử dụng nhiều hình ảnh, lời nói ẩn dụ, ví von khiến sự việc có thể sai lệch… Trước câu hỏi đặt ra khi khắc họa về nạn nhân trong bài viết, người làm báo nên khai thác theo hướng đáng thương hay bản lĩnh? Theo TS Đỗ Anh Đức không có một cach thức cụ thể nào mà bản thân nhà báo với góc nhìn và bản lĩnh của mình nên khai thác theo hướng nào cho hiệu quả và hợp lý nhất tùy theo từng trường hợp và hoàn cảnh.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông bằng kinh nghiệm thực tế từ những ngày thực hiện chương trình phát thanh “Bạn hãy nói với tôi”, đã chia sẻ cách giúp các phóng viên có thêm kinh nghiệm phá vỡ “rào cản” của nạn nhân bị bạo lực để mở lòng và chia sẻ câu chuyện của mình. Rào cản của nạn nhân bị bạo lực giới là họ không muốn bị đánh giá, phán xét bởi người khác, nhất là những người thân quen. Hầu hết các nhân vật mà tôi đã từng tiếp xúc, họ bị trầm cảm nên có thói quen không muốn giao tiếp. Vì thế khi phóng viên muốn người bị hại có thể tự kể câu chuyện của chính họ thì hãy cố gắng tạo cho họ cảm giác sẽ không gặp lại chúng ta và không có mối liên hệ bên ngoài cuộc sống. Khi nói chuyện hãy để họ thấy rằng mình đang lắng nghe chứ không phải chất vấn họ. Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, câu hỏi mà các nạn nhân sợ nhất là “Tại sao”, vì thế khi nói chuyện hãy tránh dùng những từ để hỏi như vậy mà thay vào đó hãy dùng những câu hỏi gợi mở để nhân vật có thể tự thuật lại câu chuyện như một cách họ có nhu cầu được nói ra. Để nạn nhân của bất cứ một vụ bạo hành nào nói lên được nỗi oan khuất của chính họ thì cũng cần tạo nên không gian “vô danh”, nghĩa là nhân vật xuất hiện không bị nhận diện, để che danh tính của nhân vật, khiến họ dễ dàng mở lòng hơn.

Cẩm nang đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái do UNESCO xuất bản

Xử lý thông tin thời sự hàng ngày, nhà báo Hoàng Như Hoa, Phó Trưởng ban Ban biên tập tin trong nước, TTXVN đã chia sẻ kinh nghiệm trong cách xử lý tin bài cũng như định hướng phóng viên khi đi tác nghiệp liên quan đến vấn đề bạo lực giới. Theo nhà báo Hoàng Như Hoa, khi biên tập, hiệu đính, hiệu chỉnh thông tin liên quan đến vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái cần tránh những thông tin khiến các nạn nhân bị tổn thương thêm một lần nữa; đảm bảo các thông tin cá nhân của người bị hại được ẩn danh; khi khai thác thông tin vụ việc tránh khai thác đi sâu chi tiết bất lợi cho nạn nhân để giật gân, câu view, không biến nạn nhân trở thành công cụ truy tìm của cộng đồng mạng; không chỉ phản ánh đơn thuần mà phải có chính kiến của tác giả về vụ việc đó, chỉ rõ đích danh các hành vi vi phạm pháp luật. Nhà báo Như Hoa nhấn mạnh về cái “Tâm” của người làm báo. Nhà báo viết bài cần xuất phát từ sự động viên, chia sẻ, cải thiện tình hình cuộc sống của nạn nhân, chứ không phải vì tính chất thương mại hay bất cứ động cơ nào khác.

Nhân dịp này, VOV phối hợp cùng với UNESCO Việt Nam tổ chức cuộc thi dành cho các nhà báo và các chuyên gia truyền thông đang làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam về chủ đề này nhằm nâng cao kiến thức đưa tin về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Người dự thi có thể truy cập vào đường link https://bit.ly/3dxTKeY để tìm hiểu và nâng cao kiến ​​thức về cách đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đăng ký tham gia cuộc thi. Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 27.12.2021. Tại hội thảo, UNESCO đã giới thiệu tới các nhà báo, phóng viên phiên bản tiếng Việt của cuốn Cẩm nang đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái do UNESCO xuất bản. Đây là một nguồn tư liệu hữu ích, hỗ trợ thiết thực dành cho các nhà báo, phóng viên, chuyên gia, giảng viên và sinh viên báo chí truyền thông trên toàn thế giới khi đưa tin về vấn đề bạo lực giới.

HIỀN LƯƠNG, Ảnh: VŨ TOÀN

(Ứng xử trong Gia đình - Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top