Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Muốn có tác phẩm xứng tầm trước hết cần phải có tác phẩm hay

Thứ Tư 22/12/2021 | 09:27 GMT+7

VHO- Bất cứ nền văn học nghệ thuật nào cũng đặt mục tiêu và mơ ước sở hữu những tác phẩm có sức sống lâu bền cũng như những tên tuổi lớn làm nên vinh quang cho nền văn hóa dân tộc…

 Năm 2021 có sự ra đời của nhiều tác phẩm văn học được công chúng yêu văn chương ghi nhận

Ở nước ta, văn học đổi mới bắt đầu từ năm 1986 và nhanh chóng ghi dấu ấn đậm nét với những truyện ngắn gây tiếng vang của Nguyễn Huy Thiệp và bộ ba tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Bến không chồng của Dương Hướng và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường. Trên thực tế, các tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có độc giả quốc tế nghiên cứu hẳn hoi. Còn sau “mùa vàng bội thu” đó, hiện tượng như trên ít hơn, các tác phẩm có tầm tư tưởng, nghệ thuật tinh vi, phức tạp khiến công chúng say mê, sửng sốt cứ thưa vắng dần... Phải chăng nền văn chương đang bước vào thời kỳ “giáp hạt”?

Nhưng nói như thế không có nghĩa là đang đánh đồng rằng đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới chỉ có những tác phẩm “trung bình”, không có những tác phẩm mang dấu ấn thời cuộc... Độc giả hôm nay vẫn tìm được tác giả lý tưởng của họ. Ở đâu đó, chúng ta vẫn có những tác phẩm có “chất lượng cao” nhưng thật sự nó mới chỉ tạo được “dư chấn” trong đời sống một thời gian ngắn rồi lại lắng xuống chứ không có những tác phẩm “vượt thời gian” để trở thành di sản tinh thần của dân tộc hay của thời đại. Trong các diễn đàn văn chương, có ý kiến cho rằng, hiện tại chỉ có tác phẩm của ba tác giả Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh “có vé đi vào tương lai”, nghĩa là nó tiếp tục “sống một đời sống riêng” kể cả sau khi tác giả đã mất.

Nhắc lại báo cáo tại Hội thảo khoa học với chủ đề: Văn học nghệ thuật Việt Nam - 45 năm thống nhất đất nước được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2020, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, ở thời điểm hiện tại, Hội có 74 tổ chức thành viên với trên 40.000 văn nghệ sĩ. “Hơn 4 vạn văn nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực đang sinh hoạt tại Hội chính là “máy cái” để sản sinh ra hàng ngàn tác phẩm. Từ trước tới nay, Bộ VHTTDL và Hội cũng đã có nhiều chương trình ký kết về chế độ chính sách, về đặt hàng tác phẩm nhưng đó mới chỉ dừng ở các chương trình phối hợp, chưa thể tạo thành cú hích cho sự phát triển của văn học nghệ thuật”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thông tin.

Còn ở góc độ người viết, nhà văn Uông Triều nhận định: Lâu nay người ta cứ kêu gọi có những tác phẩm văn học lớn về đề tài này, đề tài nọ và tôi bỗng giật mình kiểm thảo, trong lịch sử văn học hiện đại của chúng ta đã từng có tác phẩm lớn hay chưa và liệu chúng ta có khả năng làm ra các tác phẩm lớn hay không? Trung thực mà nói, chúng ta mới chỉ làm ra những tác phẩm hay và xinh xắn thôi. Chưa có cái nào gọi là lớn cả, nếu có, hãy cho tôi một ví dụ thuyết phục để chứng minh.

Tác giả của Sương mùa tháng Giêng cũng thẳng thắn bày tỏ: “Thay vì kêu gọi làm ra những tác phẩm lớn, ta hãy khuyến khích làm ra những cái hay trước đã, nên biết mình là ai, rồi trong hàng ngàn, hàng vạn cái hay ấy, may ra một cái lớn sẽ xuất hiện. Cái lớn nó phải tích tụ rất lâu, nó là cơ may đòi hỏi rất nhiều yếu tố và chắc chắn không phải cứ kêu gọi hay cho tiền là có! Đối với thế giới cũng vậy thôi, điều này không những đúng với văn học, nó còn đúng với các bộ môn nghệ thuật khác. Hãy làm cho hay cái đã, hay trước nhất rồi thì mới tính cái khác!”.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho rằng: Khi một tác phẩm văn học hay một tác phẩm nghệ thuật nào đó ra đời, trước hết tác phẩm đó phải có chỗ đứng trong lòng công chúng, trong lòng độc giả. Nói cách khác, đó phải là những tác phẩm được công chúng ghi nhận. Nữ nhà văn của Thành phố đi vắng chia sẻ: “Chúng ta đang kiếm tìm các tác phẩm văn học “đỉnh cao” nhưng trước hết phải gọi tên, phải “duy danh định nghĩa” được cái mà chúng ta chờ đợi. Tức là trước khi tìm cho ra những điều chúng ta muốn thì phải định nghĩa được nó là gì!”.

Có lẽ, khi “đỉnh cao” còn mơ hồ và có thể là cái đích rất xa, chưa biết khi nào đạt tới, thì “chất lượng cao” trong văn học nghệ thuật Việt Nam là tầm nhìn gần và rất khả thi. Bởi không cần phải làm cuộc tổng kiểm kê 5 năm, chỉ cần một cái nhìn lướt vào những đầu sách nổi bật trình xuất trong năm nay (từ tháng 10.2020 đến thời điểm hiện tại) cũng có thể kể đến hàng loạt tín hiệu đáng mừng như: Triệu Hoàng Giang với Nghiệp rừng; Vũ Thị Huyền Trang với Đô thị ảo, Nơi không có hoa đào, Cánh sóng mùa xuân Bố tôi; Đào Quốc Minh với Người tù không số; Trần Minh Hợp - Gương mặt bán dạo; Phùng Bạch Chúc - Chạm vào khoảng cách; Hà Ngọc - Dế gọi mùa yêu; Lục Hường với Nguyên khí ngàn đời; Vân Khánh - Đông ấy hoa nở lại tàn; Đinh Phương - Nắng Thổ Tang; Hà Hương Sơn - 15 năm…

Ví văn học như một khu vườn vừa có rau, đậu vừa có cây lương thực và cả đại thụ, nếu những tác phẩm đỉnh cao là đại thụ, thì những tác phẩm phục vụ nhu cầu cơ bản thường ngày của bạn đọc là rau đậu, là lương thực. Trong khi chưa có đại thụ thì cần phải chăm sóc vườn rau, lương thực của mình cho tử tế đã. 

 

Thay vì kêu gọi làm ra những tác phẩm lớn, ta hãy khuyến khích làm ra những cái hay trước đã, nên biết mình là ai, rồi trong hàng ngàn, hàng vạn cái hay ấy, may ra một cái lớn sẽ xuất hiện. Cái lớn nó phải tích tụ rất lâu, nó là cơ may đòi hỏi rất nhiều yếu tố và chắc chắn không phải cứ kêu gọi hay cho tiền là có… Hãy làm cho hay cái đã, hay trước nhất rồi thì mới tính cái khác!

(Nhà văn UÔNG TRIỀU)

 VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top