Đêm nghệ thuật đặc biệt “Tiếp bước thời gian” kỷ niệm 45 năm Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

VHO – Tối 24.12, tại Sân khấu rạp Hưng Đạo - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP.HCM đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Tiếp bước thời gian”, chào mừng kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát. Chương trình thực hiện livestream trên Youtube để phục vụ khán giả và đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

Đêm nghệ thuật đặc biệt “Tiếp bước thời gian” kỷ niệm 45 năm Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Anh 1

Trích đoạn Đời cô Lựu - một trong những vở Cải lương kinh điển, được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang tối 24.12

Chương trình dàn dựng những trích đoạn Cải lương vang bóng một thời, tạo nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ cũng như diện mạo riêng của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thời gian qua như: Chim Việt cành Nam, Kiều Nguyệt Nga, Truyện cổ Bát Tràng, Dương Vân Nga, Tình yêu và lời đáp, Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Xê Đa, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Chiếc áo Thiên Nga... qua phần thể hiện của nhiều nghệ sĩ gạo cội và các nghệ sĩ trẻ.

Đêm nghệ thuật đặc biệt “Tiếp bước thời gian” kỷ niệm 45 năm Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Anh 2

Truyện cổ Bát Tràng với sự tham gia biểu diễn của NSƯT Quỳnh Hương và NS Kim Thùy

Cùng với đêm nghệ thuật “Tiếp bước thời gian”, chiều cùng ngày, Nhà hát đã tổ chức chương trình giao lưu gặp gỡ nhà quản lý và các thế hệ nghệ sĩ sân khấu Cải lương, tri ân các bậc nghệ sĩ tiền bối; giao lưu văn nghệ; tham quan Phòng truyền thống của Nhà hát, nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý giá của nghệ thuật Cải lương; chương trình tọa đàm về nghệ thuật Cải lương...

Đêm nghệ thuật đặc biệt “Tiếp bước thời gian” kỷ niệm 45 năm Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Anh 3

Hai nghệ sĩ trẻ Đoàn Minh và Mỹ Linh trong trích đoạn Rạng ngọc Côn Sơn

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được thành lập theo Quyết định số 119/VH-QĐ ngày 15.9.1976 của Bộ Văn hóa với tên gọi ban đầu là Nhà hát Ca kịch Cải lương Trần Hữu Trang trên cơ sở 3 nguồn lực lượng là Cải lương Giải phóng (Trong R), Đoàn Cải lương Nam bộ (tập kết) và lực lượng nghệ sĩ tại chỗ. Đến năm 1998 Nhà hát Ca kịch Cải lương Trần Hữu Trang được sáp nhập với Đoàn Văn Công Thành phố (tiền thân là Đoàn Văn Công Khu Sài Gòn – Gia Định) và được đổi tên thành Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, theo Quyết định của UBND TP.HCM, trực thuộc Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM, nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.

Đêm nghệ thuật đặc biệt “Tiếp bước thời gian” kỷ niệm 45 năm Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Anh 4

NSND Thoại Miêu và NSƯT - Đạo diễn Hoa Hạ giao lưu tại chương trình

Trải qua 45 năm hình thành và phát triển được sự quan tâm, định hướng phát triển của các cấp lãnh đạo Thành phố và các cơ quan ban ngành, sự đóng góp kiên trì, bền bỉ nhiều thế hệ các nhà quản lý, nghệ sỹ... Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng I (năm 2012), Huân chương lao động hạng II (1999), Huân chương lao động hạng III cho Đoàn cải lương xung kích (1999) và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ VHTTDL, UBND TP,…

Đêm nghệ thuật đặc biệt “Tiếp bước thời gian” kỷ niệm 45 năm Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Anh 5

Các nghệ sĩ trong trích đoạn Dương Vân Nga

Những đóng góp to lớn của Nhà hát Trần Hữu Trang thể hiện rõ nét trong công tác biểu diễn phục vụ chính trị, vùng sâu vùng xa… Bên cạnh đó là nhiệm vụ đầu tư phát triển sự nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống...

Đêm nghệ thuật đặc biệt “Tiếp bước thời gian” kỷ niệm 45 năm Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Anh 6

Với 45 năm hình thành và phát triển, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là địa chỉ đỏ về bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc

Họp mặt kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là dịp nhìn lại chặng đường vẻ vang mà các thế hệ lãnh đạo Thành phố đã dày công vun đắp, nhiều thế hệ quản lý và nghệ sĩ của Nhà hát đã góp công sáng tạo, lưu giữ và trao truyền những tinh hoa của nghệ thuật Cải lương cho hôm nay và mai sau. Tất cả đã góp phần tạo nên thương hiệu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, xứng đáng là điểm sáng của nghệ thuật Cải lương Nam Bộ nói riêng và là địa chỉ đỏ về bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc