Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Khai mạc Ngày Hội văn hóa dân tộc Mông lần III năm 2021: Tôn vinh văn hóa của một dân tộc giàu truyền thống

Thứ Sáu 24/12/2021 | 23:00 GMT+7

VHO - Tối 24.12 tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu, chương trình nghệ thuật chào mừng “Ngày Hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021” với chủ đề “Lai Châu – Tình người trong mây” đã diễn ra, mang đến cho người xem những xúc cảm đặc biệt về mảnh đất và con người vùng đất biên cương.

Dự Lễ khai mạc về phía Trung ương có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước  Võ Thị Ánh Xuân; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng  đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương...

Về phía tỉnh Lai Châu có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Lê Văn Lương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh Lai Châu; đại diện các Sở văn hóa, thể thao và du lịch, sở văn hóa, thể thao các tỉnh tham gia Ngày hội; các nghệ nhân, già làng, trưởng bản đại diện cho cộng đồng dân tộc Mông cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông

Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc

Phát biểu tại Lễ Khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn quan tâm phát triển toàn diện văn hóa và con người Việt Nam, coi “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời cũng xác định “Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III phát biểu khai mạc Ngày Hội

Với những ý nghĩa đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” là sự kiện văn hóa quan trọng, thể hiện sự tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Đồng thời, Ngày Hội cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Mông tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Ban tổ chức tặng quà cho các đơn vị tham gia Ngày Hội

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Bộ VHTTDL và tỉnh Lai Châu đã nỗ lực trong việc phối hợp tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng chí cũng đánh giá cao các ban, ngành và các tỉnh có đồng bào dân tộc Mông trong những năm qua đã vượt lên khó khăn, đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của đất nước, từng bước làm cho đời sống, văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày một cải thiện và nâng cao.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Lai Châu, đồng chí Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành. Đồng thời khẳng định, năm 2021 tỉnh Lai Châu vinh dự đăng cai Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III.

Những thanh âm hòa quyện đá núi, cây rừng

Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của gần 800 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên

Chương trình nghệ thuật Lai Châu – Tình người trong mây là điểm nhấn của Ngày Hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021. Bản hòa ca âm vang gió núi, mây ngàn ấy quy tụ sự tham gia của gần 800 diễn viên chuyên và không chuyên đến từ 11 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa. Và hơn hết, nếu ai đó “chót” đem lòng cảm mến vùng đất “ven trời” Tây Bắc này, đang muốn kiếm tìm lịch sử hình thành, phát triển của đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, thì chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày Hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III là những thước phim, những tư liệu chân thực nhất!

Hình ảnh các diễn viên trong những trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông gợi nhắc cho người xem về một mảnh đất Lai Châu không chỉ có những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn có những con người chan chứa tình

Chính cuộc sống gian khó đã hun đúc nên một dân tộc Mông dũng cảm, kiên cường để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, xây dựng bản làng quê hương. Và cũng nhờ gắn bó mật thiết với thiên nhiên hùng vĩ, mà đồng bào dân tộc Mông có một nền văn hóa độc đáo. Theo thời gian, bằng tình yêu dân tộc, những giá trị văn hóa đặc sắc này được các thế hệ con cháu dân tộc Mông luôn ý thức phát huy, giữ gìn. Đó cũng là nội dung xuyên suốt ba phần: Lai Châu – Nơi địa đầu mây ngàn ấp núi; Tình yêu bản gió bản mây; Cộng đồng dân tộc Mông cùng 54 dân tộc Việt nam chung tay khát vọng đại ngàn.

Điệu khèn nhịp múa trong những phiên chợ tình, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông làm nức lòng không ít khán giả

Những trò chơi dân gian truyền thống được khéo léo lồng ghép trong các tiết mục nghệ thuật cũng được xem là điểm nhấn cho chương trình khai mạc

Là biên đạo múa của chương trình, đã qua hai lần tổng duyệt trước giờ khai mạc, thế nhưng khi nói về cảm xúc của mình NSƯT Hoàng Minh Tâm vẫn không giấu được xúc động: “Lắng đọng nhất trong tôi chính là màn trình diễn tiết mục Vũ điệu Sênh Tiền trên nền nhạc ca khúc Xuân về trên bản Mông của tập thể các diễn viên, nghệ sĩ. Dù đây là ca khúc rất đỗi quen thuộc, nhưng phải chăng khi được trình diễn giữa đất trời Tây Bắc, giữa ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Mông mà từng giai điệu càng thêm tha thiết. Ngay trong khoảnh khắc những câu thơ mở đầu tiết mục vang lên: Kèn lá nói thay tiếng người/ Sáo mèo day dứt những lời tri âm/ Trái Pao bay giữa không trung/ Như câu nhắn gửi ngàn năm không rời/ Hoa đào rực rỡ đất trời/ Tình yêu đôi lứa suốt đời thủy chung, tôi đã nhìn thấy sự xúc động dâng lên trong ánh mắt khán giả. Giây phút đó những người làm chương trình như chúng tôi rất hạnh phúc”.

Hành trình vượt gian khó để theo học con chữ của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu khiến người xem không khỏi xúc động

Kèn lá nói thay tiếng người/ Sáo mèo day dứt những lời tri âm/ Trái Pao bay giữa không trung/ Như câu nhắn gửi ngàn năm không rời/ Hoa đào rực rỡ đất trời/ Tình yêu đôi lứa suốt đời thủy chung

Ca sĩ A Chua chia sẻ: “Trước đây Lai Châu thường được biết đến với những núi dựng, rừng thiêng, dốc đá cheo leo, dữ dội, thế nhưng ngày hôm nay miền đất biên cương này đang vươn lên phát triển mạnh mẽ. Em có về Lai Châu cùng anh không chỉ là một ca khúc, mà đó còn là một lời mời, của đồng bào 20 dân tộc đang sinh sống tại Lai Châu muốn nhắn nhủ tới khán giả truyền hình cả nước, rằng hãy thử một lần vượt núi, vượt mây để đến với Lai Châu. Mình tin chỉ một lần ghé thăm thôi, Lai Châu cũng đủ sức quyến rũ níu giữ bước chân của mọi người”.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 diễn ra tại tỉnh Lai Châu do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức từ ngày 24 – 26.12, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ý nghĩa được tổ chức gồm: Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; Thi giã bánh giầy; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông; Trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Mông. Tổ chức các trò chơi: Tù lu, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy. Tổ chức đoàn Famtrip khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu; Tọa đàm: “Đánh giá các sản phẩm du lịch của Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách đến Lại Châu, góp phần tăng doanh thu định du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững"; Trải nghiệm Festival dù lượn tại huyện Tam Đường.

 Bài, ảnh: VŨ MỪNG

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top