Ra mắt cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời”

VHO- Sáng nay 25.12 tại Hà Nội, tác giả Vũ Thế Long đã có buổi ra mắt, giao lưu cuốn sách Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời. Những câu chuyện về văn hoá ẩm thực một thời của Hà Nội được thể hiện đậm nét qua từng trang sách, bằng cái tài của tác giả Vũ Thế Long.

Ra mắt cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” - Anh 1

Tác giả Vũ Thế Long (phải) tại buổi ra mắt cuốn sách Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời

 

Bước vào những trang sách của Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời, người đọc như ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ XX để hồi tưởng, khám phá một thời. Hiểu được người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...

Bạn đọc còn được hiểu thêm về văn hóa ẩm thực Hà Nội qua sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống”  là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước. Từ đó, đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”; cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ XX đầy biến động.  

Ra mắt cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” - Anh 2

Một Hà Nội đầy những nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực sẽ được tái hiện qua từng trang sách của tác giả Vũ Thế Long

Viết về Hà Nội nói chung hay ẩm thực Hà Nội nói riêng không phải là đề tài mới. Nhưng điểm đặc sắc của Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời lại khá khác biệt. Không phải những gì cao sang, càng không đề cập đến “nem công, chả phượng”, điểm nhấn ở cuốn sách của tác giả Vũ Thế Long lại đến từ những gì bình thường nhất. Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời kể câu chuyện về cách chế biến, cách ăn uống… của người Hà Nội. Chính những điều dung dị ấy lại phản ánh đúng văn hoá, thấm đẫm ký ức về Thủ đô một thời, tạo nên điểm nhấn cho cuốn sách.

Chẳng hạn, tác giả Vũ Thế Long trong Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời có đoạn viết: “Ngày ấy, mỗi lần quạt chả là cả cái xóm phố nhỏ của tôi bị điếc mũi vì mùi chả nướng. Hàng xóm kháo nhau: Nhà ấy lại ăn sang rồi! Mẹ chỉ cười: “Có ba lạng thịt cả chục miệng ăn! Sang thật đấy!”.

Theo tác giả Vũ Thế Long, muốn hiểu được ẩm thực Hà Nội phải cảm nhận rất kỹ từ thực tế. “Nói ẩm thực là môn nghệ thuật thứ 8 cũng không sai. Ẩm thực thậm chí còn là sự giao thoa của nhiều môn nghệ thuật. Ẩm thực Hà Nội cũng vậy, muốn cảm nhận hết thì phải sử dụng nhiều giác quan. Phải hiểu thật kỹ mới có thể viết về ẩm thực Hà Nội vì nó rất cầu kỳ”.

HẢI ANH

Ý kiến bạn đọc