Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản

VHO- Đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến trong hai năm nay khiến nguồn khách du lịch bị đứt gãy, mất nguồn thu. Mặc dù Chính phủ đã có những chủ trương và chính sách cụ thể nhằm giúp đỡ và tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp tuy nhiên việc vận hành các chủ trương đó vào trong thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay cần được cứu bên bờ vực phá sản.

Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản - Anh 1

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chính sách kích cầu du lịch phải tạm dừng để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Du lịch tiếp tục rơi vào tình trạng bi đát. Từ khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 3862 của Bộ VHTTDL, gần đây là Chương trình du lịch nội địa “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” tình hình có vẻ khả quan hơn nhưng việc mở cửa cả du lịch trong nước và quốc tế đều chưa thực sự như mong muốn.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, từng bước kích hoạt phục hồi hiệu quả ngành Du lịch, chúng tôi xin đề xuất 5 giải pháp.

Chú trọng khách du lịch trong nước

Khi lượng khách quốc tế bị sụt giảm nghiêm trọng do các lệnh đóng cửa biên giới và đóng cửa các đường bay quốc tế để phòng chống dịch thì khách du lịch trong nước là một biện pháp cứu cánh và phát triển lâu dài cho du lịch hậu Covid-19. Biện pháp nhằm vực dậy nhu cầu trong nước bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành và phối hợp cùng chính quyền địa phương, công ty lữ hành trực tuyến, điểm du lịch, khách sạn và hãng hàng không. Sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, các hoạt động du lịch nhằm đảm bảo sức khỏe và độ giãn cách trong mùa dịch nên được triển khai như các hoạt động du lịch ngoài trời để du khách có thể tận hưởng ánh nắng, bãi biển, núi non và thiên nhiên sau thời gian dài học tập và làm việc online tại nhà. Để khai thác triệt để du lịch trong nước, các doanh nghiệp du lịch cần chú trọng đến những sản phẩm dịch vụ phù hợp khả năng chi trả của khách, đồng thời duy trì các sản phẩm và trải nghiệm chất lượng cao.

Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản - Anh 2

Thiết lập mô hình giá mới

Trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, việc kích thích nhu cầu và đẩy mạnh số lượng bằng các gói giảm giá là những chiến thuật quan trọng, đặc biệt là đối với những công ty cung cấp dịch vụ cao cấp do việc tiếp cận lượng khách quốc tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu cạn kiệt này thì giảm giá là một “con dao hai lưỡi”, vừa cần thiết nhưng cũng rất nguy hiểm. Vì thế, doanh nghiệp cũng có thể tìm cách bán sản phẩm theo gói, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu, củng cố sản phẩm cao cấp với khả năng thu được mức giá cao hơn. Ví dụ, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM có thể bán gói “staycation" cho gia đình kèm theo phòng nghỉ cao cấp là dịch vụ xe sang đưa đón và giảm giá dịch vụ ăn uống. Các công ty du lịch và khách sạn có thể phối hợp cùng nhau để cung cấp trọn gói từ vé máy bay, vé tàu, xe limousine đến phòng nghỉ. Ngoài ra cũng có thể khai thác một nhu cầu du lịch đang bùng nổ như farm stay, camping...

Trong tương lai, mô hình giá linh hoạt và chức năng quản lý doanh thu sẽ được xem xét lại do 3 yếu tố. Thứ nhất, trong một thời gian dài tới đây, cơ cấu phân khúc du khách sẽ không còn giống như trước nữa, đặc biệt là việc du khách trong nước sẽ nắm thị phần lớn hơn và đa dạng hơn. Thứ hai, độ co giãn về nhu cầu sẽ không còn giống như trước, do mối quan ngại về sức khỏe đóng vai trò quan trọng chi phối quyết định của du khách. Thứ ba, nhu cầu du lịch của người dân sẽ vẫn duy trì trạng thái không ổn định như trong trường hợp Tết Nguyên đán hoặc dịp lễ 30.4 – 1.5 vừa qua, khi số ca nhiễm Covid-19 vừa tăng nhẹ đã khiến nhu cầu đi lại cũng như lượng đặt chỗ trên cả nước giảm mạnh.

Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản - Anh 3

Áp dụng công nghệ số

Ngay cả thời điểm trước đại dịch, du khách đã có xu hướng sử dụng kênh số để đặt chỗ ngày càng nhiều. Đại dịch nổ ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu. Việc hợp tác chiến lược với các nền tảng mạng xã hội cũng là một cơ hội giúp các doanh nghiệp du lịch có cơ hội thâm nhập thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cần cố gắng gia tăng truyền thông trực tuyến để tăng trải nghiệm khách hàng. Phương án này đã được áp dụng hiệu quả khi trang web chính thức của Tổng cục Du lịch đã có các tour du lịch ảo đến những điểm du lịch phổ biến nhất cả nước và một số hướng dẫn viên du lịch cũng đã tổ chức tour trực tuyến theo thời gian thực cho du khách quốc tế.

Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản - Anh 4

Tác động kéo dài của Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể thói quen du lịch của khách hàng. Giờ đây cùng với đòi hỏi về mặt trải nghiệm, du khách còn đặc biệt quan tâm tới yếu tố an toàn trong suốt hành trình du lịch. Để đáp ứng nhu cầu này, “du lịch không tiếp xúc” hay “du lịch không chạm” được coi là giải pháp, cũng là hướng đi phù hợp giúp du lịch phát triển linh hoạt, thích ứng với đại dịch, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, không gây ảnh hưởng tới trải nghiệm du lịch của du khách.

Nếu như trước đây, mọi thủ tục đặt mua, sử dụng dịch vụ, làm thủ tục để đi du lịch đều cần làm việc trực tiếp với cán bộ, nhân viên ở các đơn vị liên quan thì giờ đây, du lịch không tiếp xúc sẽ giúp các quy trình này được thông suốt nhờ công nghệ tự động hóa. Đến sân bay, với các kiot điện tử, khách có thể check in tự động, lấy vé điện tử, ký gửi hành lý trực tuyến, khai báo hải quan online… Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giữ an toàn di chuyển bởi du khách không còn phải chen chúc xếp hàng làm thủ tục hay lo lắng về nguy cơ có thể làm mất giấy tờ.

Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản - Anh 5

Tại khách sạn, thay vì phải trực tiếp tới quầy lễ tân để nhận, trả phòng, tìm kiếm thông tin tư vấn về hành trình du lịch, khách có thể tự lấy, trả chìa khóa, khởi động các thiết bị nơi lưu trú thông qua công nghệ tự động và tính năng nhận diện khuôn mặt. Hay khi tới nhà hàng, việc gọi, chọn món, tính tiền… cũng không cần trực tiếp trao đổi với nhân viên phục vụ mà có thể thực hiện tự động thông qua các menu điện tử, thanh toán điện tử… Trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc đang dần trở thành ưu tiên hàng đầu, nhiều nước đã áp dụng các mô hình “sân bay, khách sạn, nhà hàng không tiếp xúc”... trong chuỗi dịch vụ du lịch để cung cấp cho khách. Theo các chuyên gia, hình thức này vừa giúp du khách yên tâm hơn trong hành trình du lịch vừa tối ưu hóa trải nghiệm của du khách.

Tại Việt Nam, một số sàn du lịch trực tuyến của Việt Nam đã hình thành, cho phép người dùng mua các tour trọn gói, vé máy bay, phòng khách sạn qua các giao dịch trực tuyến. Nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách trong đại dịch, các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực cũng lên phương án đầu tư kinh phí cho những công nghệ mới. Việt Nam Airlines đã xây dựng dịch vụ check in không tiếp xúc dành cho du khách thông qua thủ tục check in trực tuyến trên website hoặc qua ứng dụng di động; hệ thống kiot tự động…

Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản - Anh 6

SunGroup cũng đang nghiên cứu triển khai công nghệ không chạm trong tiếp đón du khách. Vinpearl kết hợp Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata cho ra mắt ứng dụng “Quản gia thông minh”- Smart Butler để du khách có thể ra lệnh bằng giọng nói khi muốn tìm hiểu các thông tin về nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Vừa qua, chuỗi “khách sạn không điểm chạm” đầu tiên mang tên SOJO Hotels đã xuất hiện tại Việt Nam, cung cấp cho khách lưu trú những trải nghiệm tự động hóa hoàn toàn từ nhận khóa, mở phòng tới khởi động các hệ thống trang thiết bị, tùy chỉnh nhiệt độ, ánh sáng… thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, tạo mô hình lưu trú an toàn, tiện ích trong bối cảnh dịch.

Du lịch không tiếp xúc “lên ngôi” trong đại dịch đã tiếp tục chứng minh chuyển đổi số chính là tương lai của du lịch. Muốn bắt kịp xu hướng và không đánh mất lợi thế cạnh tranh du lịch, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng cho công nghệ. Quá trình này không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, nhất là khi phần lớn các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản - Anh 7

Bổ sung trải nghiệm đa dạng, phi truyền thống

Trên toàn thế giới, du khách đang cá nhân hóa những chuyến đi của mình bằng việc thám hiểm các điểm đến. Chi tiêu trong ngành Du lịch đang dần chuyển trọng tâm từ chi tiêu cho lưu trú sang chi tiêu cho hoạt động và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Thay vì chi cho phòng nghỉ hạng sang, du khách có sự quan tâm ngày càng tăng tới những trải nghiệm đi kèm. Những hoạt động mạo hiểm như khám phá hang động, đi bộ vùng cao, nghỉ dưỡng trên những hòn đảo tách biệt, thể thao dưới nước và hội chợ ẩm thực đang trở thành những lý do thu hút du khách đến với một điểm du lịch.

Là một doanh nghiệp phát triển du lịch trên địa bàn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi luôn cố gắng hết sức để có thể lan tỏa những giá trị về văn hóa và cộng đồng của địa phương tới du khách tham quan và bạn bè quốc tế. Đặc biệt hơn, trong thời gian gần đây, để mở rộng và đa dạng hóa các trải nghiệm cho du khách tới thăm, Pu Luong Eco Garden đã kết hợp cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và tổ chức GRET - một tổ chức phi chính phủ phát triển của Pháp trong việc thực hiện dự án nhằm quảng bá du lịch xanh tại địa phương. Kế hoạch được triển khai với với các tour trekking tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nhằm khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây và giới thiệu về lịch sử và nếp sống văn hóa của người dân tại địa phương, hứa hẹn sẽ mang tới những trải nghiệm thực tế, đầy mới lạ cho du khách nơi đây.

Doanh nghiệp cần được cứu bên bờ vực phá sản - Anh 8

Nâng cao vai trò của Nhà nước

Tại hầu hết các quốc gia, công cuộc đổi mới ngành du lịch cần có sự tham gia của chuyên gia trong ngành phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp và nhà nước. Với mục tiêu ngắn hạn là thúc đẩy nhu cầu trong nước để bù đắp cho thu nhập thiếu hụt từ du khách quốc tế và dài hạn là quảng bá hình ảnh của Việt Nam, theo chúng tôi, cần thực hiện 3 điều sau:

Thứ nhất, cơ quan nhà nước và hiệp hội ngành cần đảm bảo cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Chính phủ nên xem xét các phương án hỗ trợ cắt giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi sau khi phải chịu thiệt hại hết sức nặng nề do đại dịch trong suốt 2 năm qua.

Thứ hai, trong trung hạn, Chính phủ cần hậu thuẫn cho các chương trình chuyển đổi công nghệ số và phân tích dữ liệu nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch trực tuyến có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì năng lực cạnh tranh. Nhà nước có thể đóng vai trò kết nối nhà cung cấp với nhà phân phối và đơn vị trung gian để tạo ra các gói sản phẩm hấp dẫn cho từng phân khúc du khách, và sau đó dựa trên những tương tác với du khách để phân tích, đưa ra những kiến thức quan trọng cho các bên trung gian. Điều này giúp các trang cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của mình bằng những trải nghiệm mới, chưa từng xuất hiện ở đâu khác.

Thứ ba, Việt Nam có cơ hội thực tế trong việc thúc đẩy thị trường du lịch mạo hiểm của mình. Chính phủ và các hiệp hội ngành có thể tận dụng đà tăng trưởng chung của cả nước và sự phục hồi của giao thương quốc tế để thúc đẩy nhu cầu. Hiện nay, trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, du lịch mạo hiểm vẫn đang là một trong những xu hướng được du khách tìm kiếm nhiều nhất, và Việt Nam hoàn toàn có vị thế thuận lợi để khai thác xu hướng này. Tương tự, vốn đầu tư dự kiến sẽ chuyển hướng từ những dự án phát triển đồ sộ như Phú Quốc hay Nha Trang sang những dự án và đô thị cỡ nhỏ và trung bình có những sản phẩm đặc biệt như du lịch thể thao, du lịch chữa bệnh, và thậm chí là cả du lịch nông nghiệp.

ĐỖ ĐỨC MẠNH

(CEO Khách sạn Pù Luông Eco Garden)

Ý kiến bạn đọc