Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Kỳ vọng tạo “cỗ máy in tiền” từ văn hóa sáng tạo

Thứ Sáu 31/12/2021 | 09:22 GMT+7

VHO- “Bất kỳ một dự án văn hóa nào cũng chỉ thành công khi nó vừa lan toả được các giá trị văn hóa vừa mang về nguồn lợi kinh tế khổng lồ; thậm chí phải trở thành một ngành kinh doanh phát đạt” - rất nhiều ý kiến của các chuyên gia đã nhấn mạnh điều đó tại Hội thảo khoa học Giải pháp phát triển văn hóa sáng tạo tại Việt Nam vừa được Viện VHNT quốc gia Việt Nam tổ chức.

 Những không gian sáng tạo độc đáo luôn mang đến những giá trị cả về văn hóa lẫn kinh tế

 Đây cũng là bài học từ những quốc gia đã xây dựng được nền công nghiệp văn hóa hàng đầu thế giới. Khao khát thúc đẩy sự phát triển của văn hóa sáng tạo, giới chuyên gia đã nhiệt tình hiến kế tại Hội thảo.

Tiềm năng và thách thức

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện VHNT quốc gia Việt Nam với câu chuyện Hà Nội - Tài nguyên tiềm năng, thách thức thể chế và lựa chọn thúc đẩy văn hóa sáng tạo chia sẻ, Hà Nội đang nỗ lực mạnh mẽ trong việc đổi mới chính sách nhằm chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm.

Những năm gần đây, đổi mới thể chế đã tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Hà Nội, với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn... “Tại thời điểm hiện nay, dù có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội ở các sản phẩm - dịch vụ công nghiệp văn hóa trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới còn rất khó khăn…”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Từ Hà Nội, để nói câu chuyện về văn hóa sáng tạo, các chuyên gia có nhiều minh chứng rõ nét, điển hình. Câu chuyện Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Từ di sản đến không gian sáng tạo được TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ. Với định hướng trở thành không gian sáng tạo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ số hoá toàn bộ các dữ liệu di sản và phát triển các ứng dụng tích hợp trên website hoặc cài đặt trên smartphone, cho phép khách tham quan tìm hiểu về di tích theo từng chuyên đề. Bên cạnh đó, ứng dụng 4.0 trong các khâu khai thác hoạt động, từ quản lý, bán vé đến cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm.

Nhìn nhận những tồn tại trong phát triển văn hóa sáng tạo tại Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng nhìn từ Hà Nội, với nhu cầu bức thiết của việc xuất hiện các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật và kinh tế sáng tạo trong thành phố. “Cần lắm những giải pháp cụ thể cho việc tìm kiếm, thiết kế những không gian đã từng mang lại niềm cảm hứng rất mạnh cho cộng đồng những người làm sáng tạo ở Hà Nội như Zone 9 đã từng có. Những không gian như vậy trong lòng thành phố mới có khả năng tạo nên những cú hích, khi những người làm trong các lĩnh vực văn hóa sáng tạo được nhìn nhận như một lực lượng quan trọng trong tiến trình thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo…”, họa sĩ Thế Sơn chia sẻ.

Văn hóa sáng tạo phải tạo ra “cỗ máy in tiền”

Từ trường hợp Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TS Lê Xuân Kiêu đề xuất, để đưa di tích từng bước trở thành không gian sáng tạo, trước hết phải thay đổi nhận thức, từ tư duy quản lý di tích theo kiểu cũ, đóng - mở cửa di tích chuyển sang tư duy phát huy các giá trị của di tích với những sản phẩm, hoạt động sáng tạo. Cần có sự kết nối mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững giữa các không gian sáng tạo, giữa các nhà sáng tạo với Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

“Cơ chế, chính sách để Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát huy được quyền tự chủ là vấn đề cấp thiết hiện nay. Những không gian sáng tạo, các cá nhân sáng tạo chỉ có thể đến và hoạt động lâu dài tại di tích trên cơ sở khung pháp lý và chính sách cụ thể, thiết thực và hiệu quả, phát huy được nguồn lực của cộng đồng cho sự sáng tạo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng và các di sản nói chung...”, theo ông Lê Xuân Kiêu. Họa sĩ Thế Sơn lưu ý, chính quyền cần chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, đồng hành và hỗ trợ khuyến khích các hoạt động sáng tạo. “Khi có “đất” thì tự khắc các hoạt động này sẽ dần trở nên chuyên nghiệp hơn và đóng góp hiệu quả hơn vào diện mạo đô thị và chất lượng sống của cộng đồng, mang lại cơ hội tiếp cận với nghệ thuật với sáng tạo một cách miễn phí. Nghệ thuật công cộng về bản chất chính là tạo nên sự bình đẳng tiếp cận với nghệ thuật, vốn thường chỉ dành cho giới “có điều kiện”…”, họa sĩ Thế Sơn nhìn nhận.

Khẳng định thương hiệu quan trọng hơn là danh hiệu, ông Trương Quốc Toàn, Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam thẳng thắn, văn hóa sáng tạo dưới góc nhìn công nghiệp văn hóa cần phải tạo ra những “cỗ máy in tiền”. Sau gần hai năm kể từ khi Hà Nội gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”, dường như sự kiện này chưa khiến mọi người dân Thủ đô cảm nhận được mình là công dân của một thành phố sáng tạo. “Hà Nội sẽ khó trở thành một trong những thủ đô văn hóa và sáng tạo trong tương lai gần nếu chỉ tiếp tục đơn thuần dựa vào những con số mang tính “thành tích”. Đến lúc cần sàng lọc một cách thận trọng để tìm ra những “ứng viên” thực sự có tiềm năng đóng góp cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, từ đó tập trung nguồn lực để nâng tầm thành những sự kiện văn hóa quy mô lớn…”, ông Toàn nhấn mạnh.

Chẳng hạn, sự thành công của các lễ hội được tổ chức một cách bài bản với hiệu quả kinh tế cao sẽ là tiền đề để xây dựng các kế hoạch phát triển đô thị tầm trung và dài hạn theo hướng thúc đẩy công nghiệp văn hóa, từ đó tạo nên mô hình kinh tế xoay quanh các hoạt động giải trí chất lượng cao, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật và sáng tạo. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ cần đến những chiến lược phát triển văn hóa sáng tạo một cách bài bản mà còn cần xây dựng được những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, từng bước tạo nên các sản phẩm văn hóa đúng nghĩa với những hiệu quả có thể đo đếm được cả về giá trị văn hóa và kinh tế. Chỉ khi đạt được những hiệu quả thực chất như vậy, văn hóa sáng tạo mới không còn là một khái niệm mơ hồ. 

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top