Gìn giữ giá trị truyền thống nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Kiên Giang

VHO- Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với nhiều hoạt động rộng khắp trong tỉnh, phong trào ĐCTT của tỉnh Kiên Giang đã và đang góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.

Gìn giữ giá trị truyền thống nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Kiên Giang - Anh 1

Hội thi ĐCTT tỉnh Kiên Giang đã có nhiều giọng ca nhí tham gia

Cách đây 5 năm, khi Dự án sân khấu học đường do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức tại Kiên Giang, khi đó phong trào của tỉnh chưa được khởi sắc nhưng cũng đã thu hút được trên 50 em học sinh tham gia học. Sau đó là một loạt hoạt động tập huấn, giao lưu ĐCTT do Trung tâmVăn hóa tỉnh tổ chức đã thu hút đông người mộ điệu ĐCTT trong tỉnh tham gia. Mấy năm trở lại đây, Ngày Sân khấu Việt Nam được tổ chức ở nhiều huyện, thành phố trong tỉnh với tấm lòng “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự biết ơn, trân trọng các bậc tiền nhân khai sinh ra bộ môn sân khấu. Nhiều hoạt động của câu lạc bộ trong tỉnh có mô hình sinh hoạt hấp dẫn, hiệu quả thu hút được đông thành viên tham gia và duy trì sinh hoạt đều đặn, góp phần phát triển phong trào chung của tỉnh. 

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban chủ nhiệm ĐCTT của tỉnh, được cho là người “Giữ lửa” cho nghệ thuật ĐCTT trong tỉnh cho biết: Phong trào ĐCTT ở Kiên Giang ngày càng khởi sắc từ khi Trung tâm Văn hóa tỉnh thành lập Câu lạc bộ Ban chủ nhiệm ĐCTT tỉnh vào tháng 8/2017. Câu lạc bộ đã hỗ trợ và đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ ĐCTT huyện, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó Câu lạc bộ đã thành lập đội ĐCTT tiêu biểu của tỉnh với trên 20 thành viên để phục vụ chương trình và tham gia các cuộc thi khu vực và toàn quốc.

Một trong những “Cú hích” lớn cho phong trào ĐCTT trong tỉnh phát triển mạnh là việc thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2020”, đến nay đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, phong trào ĐCTT có bước phát triển rộng khắp. Đã tổ chức 2 cuộc thi ĐCTT cấp tỉnh, 6 hội thi ĐCTT cấp huyện và một số chương trình giao lưu nghệ thuật ĐCTT để phục vụ nhân dân, tạo sân chơi bổ ích cho các câu lạc bộ tham gia, nhằm đáp ứng nhu cầu mộ điệu cho những người tham gia sinh hoạt say mê, cống hiến, gắn bó với ĐCTT. 

Để tạo sự kết nối và mở rộng không gian sinh hoạt ĐCTT, ngành Văn hóa tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, không gian ĐCTT phục vụ các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội, hoạt động xúc tiến du lịch; tham gia hội thi, giao lưu ĐCTT với các tỉnh, thành phố như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ; tổ chức 2 cuộc triển lãm ảnh về hoạt động ĐCTT, 2 cuộc tọa đàm về ĐCTT, 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng cho người truyền dạy ĐCTT và kiến thức về nghệ thuật ĐCTT. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang thực hiện và phát sóng 15 chương trình ĐCTT “Ấm mãi lửa đam mê”... 

Nhạc công tài tử Trần Thanh Thảo, cán bộ nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thành huyện An Biên, có những chia sẻ: Phong trào ĐCTT ở huyện An Biên từng bước được củng cố, thay đổi mô hình hoạt động cho phù hợp và phát triển mạnh trở lại. Tất cả các xã trong huyện An Biên đều đã thành lập được câu lạc bộ; huyện đã mở tập huấn ĐCTT và tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ ca ngợi về quê hương An Biên.

Theo Tiến sĩ Văn hóa, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Mai Mỹ Duyên -Trưởng Ban Giám khảo Hội thi ĐCTT tỉnh Kiên Giang hai năm liền nhận xét: Ở Hội thi ĐCTT tỉnh Kiên Giang hai năm. Bên những mái tóc đã nhuộm màu sương, đã xuất hiện những khuôn mặt thơ trẻ hứa hẹn sự phát triển tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Đây còn là điều kiện để ngành Văn hóa phát hiện tài năng trẻ, bồi dưỡng đào tạo, làm cho đội ngũ kế thừa nghệ thuật dân tộc ngày càng đông đảo. Qua đó, hứa hẹn một lớp kế thừa đầy đam mê với nghệ thuật truyền thống ĐCTT. Theo tôi, đây chính là thành công lớn nhất của Hội thi.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những hạn chế để phong trào ngày càng phát triển mạnh, bền vững thì một số địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều câu lạc bộ ĐCTT còn hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí, phương tiện hoạt động. Việc tổ chức sinh hoạt chưa thường xuyên, chưa có sự gắn kết giữa các thành viên, sau một thời gian hoạt động dẫn đến tan rã hoặc hoạt động cầm chừng. Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và công tác vận động xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả cao.

Từ đó để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025”. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng các câu lạc bộ, nghệ nhân ĐCTT; đẩy mạnh các mặt truyền dạy, sáng tác, thực hành ĐCTT; xây dựng môi trường tốt cho hoạt động ĐCTT thông qua các hình thức liên hoan, hội thi, hội diễn; huy động các nguồn lực xã hội, bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước để nâng cao chất lượng phong trào; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá ĐCTT... 

Với những khởi sắc của phong trào ĐCTT trong tỉnh Kiên Giang, sẽ tiếp tục được phát huy, vang vọng theo dòng chảy của thời gian, lưu truyền cho các thế hệ mai sau và song hành cùng cuộc sống của người dân Kiên Giang nói riêng đã và đang đồng hành cùng với 21 tỉnh, thành khu vực Nam bộ bảo vệ, phát huy nghệ thuật ĐCTT trường tồn cùng với thời gian.

THẾ HẠNH

Ý kiến bạn đọc