Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Gameshow Việt: Đừng mãi dựa hơi drama!

Thứ Ba 25/01/2022 | 10:04 GMT+7

VHO- Cãi nhau như chợ vỡ, đá thúng đụng nia, thậm chí sẵn sàng “thượng cẳng chân hạ chẳng tay” để giải quyết vấn đề… là những gì có thể thấy ở góc tối của những gameshow truyền hình thực tế Việt thời gian qua. Không chỉ dừng lại ở một số hay một mùa, các nhà sản xuất sẵn sàng “biện lên mâm” thứ đặc sản này không giới hạn, khiến công chúng lắc đầu ngao ngán và không ít người đành nhắm mắt chuyển kênh khi chứng kiến những nhàm, nhảm, nhố nhăng trên màn hình…

Có drama thì mới có khán giả?

Có thể nói, gameshow là món giải trí không thể thiếu với khán giả. Nắm bắt được tâm lý này, các đơn vị sản xuất đã và đang cho ra rất nhiều chương trình truyền hình thực tế ở đủ lĩnh vực, từ âm nhạc, thời trang, ẩm thực hay thậm chí là cả thiết kế nội thất… Nhưng, cũng chính vì xuất hiện nhan nhản như nấm sau mưa nên các nhà sản xuất buộc phải dùng đủ chiêu trò để lôi kéo tỷ suất người xem (rating), và cách được sử dụng nhiều nhất cho đến nay vẫn là dùng… drama (tình tiết kịch tính).

Nói đến drama, không thể không nhắc đến Vietnam’s Next Top Model, The Face hay The Next Face Việt Nam. Hết giám khảo mỉa mai nhau trên ghế nóng rồi đến thí sinh “choảng” nhau tay đôi. Ai càng xéo xắt, càng ghê gớm, càng bị ném đá thì người đó càng nổi. Mà một người trong chương trình nổi thì gameshow càng hút được người xem.

Cảnh đứng cãi nhau tay đôi đã và vẫn đang xuất hiện ở các gameshow của Việt Nam (Ảnh: VNTM)

Trong quá khứ, xô xát giữa người mẫu Nguyễn Hợp với “team Sang” (Thùy Dương, Cao Thiên Trang, Kikki Lê, Hồng Xuân, Thùy Trâm) trong một mùa của Vietnam’s Next Top Model đã khiến dư luận dậy sóng vì hai bên sẵn sàng có những hành động “đáp trả” chưa từng có trong lịch sử chương trình. “Team Sang” tạt nước vào Nguyễn Hợp khiến đội ngũ sản xuất chương trình phải tổ chức họp để can thiệp. Rồi cả phần bắt Chà Mi bóp chân cho Thùy Dương cũng khiến khán giả không khỏi bức xúc vì màn “hạ thấp danh dự” của nhau.

Sang đến The Next Face Việt Nam, một trong những chương trình về thời trang phát sóng gần đây, khán giả hẳn không thể quên được màn quỳ gối xin lỗi của Thế Duy khi HLV nổi giận. Cả trường quay sững sờ, HLV của anh là TyhD ngay sau đó đã phải yêu cầu thí sinh của mình đứng dậy vì không muốn tiếp tục chứng kiến hành động thiếu suy nghĩ và có phần phản cảm như vậy.

Đó là với những chương trình đã phát sóng. Nhưng với ngay cả những chương trình chưa phát, nhà sản xuất cũng không quên tạo drama để hút khán giả từ khi mới có những thông tin rất “mập mờ” về chương trình. Quý ông hoàn hảo là ví dụ điển hình cho việc gameshow dù chưa ra mắt một tập nào nhưng đã cho khán giả “ăn đủ” các thể loại tình tiết gay cấn. Theo lịch dự kiến, Quý ông hoàn hảo phải ra Tết Nguyên đán mới phát sóng. Trong chia sẻ mới nhất, siêu mẫu Xuân Lan, một trong ba HLV của chương trình nhấn mạnh: “Sau khi đi quay Quý ông hoàn hảo, chúng em xin được phép đề xuất đổi tên chương trình là The Next Drama Mentor (tạm dịch: Drama giữa HLV). Cực kỳ drama, lật mặt nhau từng giây”.

Siêu mẫu Xuân Lan còn “đảm bảo”: “Trong lịch sử truyền hình thực tế Việt Nam, chưa bao giờ có có một show nào kinh khủng tới mức như vậy. Đây sẽ là show khiến tan nát đời nhau, đại hội vạch mặt, đại hội đạo lý. Nếu dựng đầy đủ để khán giả theo dõi được hết biến động thì 1 tập phải 10 tiếng mới đủ”.

Liệu có thiếu tôn trọng khán giả?

Không thể phủ nhận khi mỗi cá nhân tham gia chương trình, việc cá tính riêng khiến xung đột xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nhưng thay vì xảy ra tranh cãi vì chuyên môn, gameshow Việt lại toàn để xảy ra xung đột chuyện cá nhân. Vẫn biết những chương trình có tính chất thi hay tranh tài thì kịch tính là điều đương nhiên, nhưng không có nghĩa là từ tập này qua tập khác, khán giả phải chịu đựng cảnh cãi cọ hoặc mâu thuẫn đến mức sẵn sàng lao vào “đụng tay, đụng chân”... Đã đến lúc, các nhà sản xuất Việt Nam phải tự nhìn lại mình để cho ra đời những chương trình truyền hình thực tế xoáy sâu vào chuyên môn hơn. Nếu họ không tự thay đổi, đơn vị quản lý cần vào cuộc để chấn chỉnh, bởi lẽ, những phát ngôn, tình tiết kịch tính có thể thu hút được sự chú ý nhưng về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cách hành xử của một bộ phận giới trẻ.

Các chương trình giải trí sống còn, dễ gây hiệu ứng tiêu cực đã bị “khai tử” ở nước ngoài (Ảnh: iQIYI)

Bài học kinh nghiệm đến từ ngay phía Trung Quốc khi sau một thời gian loạt các chương trình truyền hình thực tế của nước này gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội, Cục Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc lập tức thông báo siết chặt công tác quản lý các chương trình giải trí. Nhân sự làm việc trong lĩnh vực này cũng bị quản lý bằng nhiều biện pháp quyết liệt. Một loạt động thái giới chức Trung Quốc đưa ra được cho là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử truyền hình thế giới, đó là: Các chương trình phải “thiết lập định hướng thẩm mỹ đúng đắn”. Cục Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc còn đưa ra các quy định tăng cường quản lý đối với người dẫn chương trình, yêu cầu họ tự giác tẩy chay mọi sự cám dỗ danh lợi, tự giác chịu sự giám sát của người dân, phấn đấu trở thành hình mẫu về đạo đức xã hội và xây dựng năng lượng tích cực… Để công tác quản lý trở nên hiệu quả, Trung Quốc đã cấm phát sóng nhiều chương trình có tính chất tranh đua, dễ tạo drama và thay vào đó, khuyến khích các nhà đài quảng bá mạnh mẽ văn hóa truyền thống.

Bị cấm phát sóng cũng đồng nghĩa với việc các bên sản xuất không dám bỏ tiền ra để làm chương trình vì có làm cũng… chẳng ai xem được. Nguy cơ thua lỗ rất cao nên các chương trình dễ tạo drama không thể để tồn tại. Có thể nói, đây là cách làm mạnh tay và hiệu quả để làm trong sạch lĩnh vực nghe nhìn.

ĐÌNH TOÁN

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top