Chúa sơn lâm trong võ thuật

VHO- Hổ có vị trí chủ đạo trong võ thuật cổ truyền Việt Nam bao đời nay; có hàng chục thế võ, bài quyền và hàng chục giai thoại về võ hổ, tượng hình hổ. Trong ngũ hình quyền “Long, hổ, xà, hạc, báo”, hổ được nhắc đến nhiều nhất, biểu trưng cho sự dũng mãnh, uyển chuyển, uy lực và được mệnh danh là chúa sơn lâm.

Chúa sơn lâm trong võ thuật - Anh 1

Võ sư Đinh Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền VN đang thị phạm các thế đả hổ

Võ hổ - từ đời sống sinh hoạt

Nhắc đến võ cổ truyền Bình Định, đầu tiên phải nói đến võ thực chiến, đối kháng (võ vườn) sau đó hình thành nên võ học. Các công cụ lao động như đòn gánh, đòn xóc (thanh gỗ vót nhọn 2 đầu để gánh rơm rạ, củi), cào cỏ, cuốc, rựa quéo, roi mây, trang cào lúa, khăn quấn cổ, dây thừng, chổi tre… tùy vào người sử dụng mà trở thành những binh khí lợi hại trong luyện võ.

Ở miền Trung, đã có những trai tráng khỏe mạnh, giỏi võ đã từng đánh nhau với hổ để bảo vệ bản thân, dân làng và vật nuôi, làm nên những câu chuyện, những giai thoại về đả hổ và dần hình thành nên những bài võ hổ; những đường quyền, những thế võ độc đáo cũng xuất phát từ động tác của con hổ. Các võ sĩ miệt vườn (võ ta) đưa vào trong luyện tập, nghiên cứu, kết nối lại thành bài võ chuyên về đả hổ, cũng như vận dụng các tư thế, đường nét của hổ để biến hóa thành đòn thế võ rất uy lực.

Theo Đại võ sư Kim Yên - thuộc Kim Sang quyền - Bắc phái Thiếu lâm tại Phú Yên thì hổ là tượng hình quyền trong võ thuật cổ truyền. Hổ quyền mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong đời sống rừng xanh hoang dã. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm bởi tính cách oai nghi, hùng dũng của nó. Hổ chỉ tấn công trong trường hợp tự vệ và khả năng chiến đấu của hổ rất cao, đặc biệt là hổ trảo (đòn tay). Cầm vĩ hổ là đòn cước nghịch (khác đá giò lái) vô cùng lợi hại mà cố Võ sư Kim Sang luyện thành tuyệt kỹ. Còn Hổ quyền luyện gân cốt, vận dụng sự vững chãi, nhanh nhẹn.

Nhiều chiêu thức chiến đấu tượng hình đặc thù mang tên loài hổ mà chúng ta thường gặp ở hàng chục bài quyền truyền thống như: Bạch hổ khởi động, Nhị hổ tiềm tung, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm, Lão hổ hạ sơn, Mãnh hổ quy sào quyền, Tỉ thố hổ xà quyền, Lão hổ thượng sơn… Trong đó, có các võ sư ở Bình Định gắn liền tên tuổi của họ với các bài quyền, thế võ về hổ như: Ngũ hổ quyền (võ sư Phan Thọ); Mãnh hổ trường quyền, Lão hổ ẩn nhơn hình (võ sư Lâm Ngọc Phú); Quyền 3 chân hổ (võ sư Hà Trọng Ngự); võ sư Hà Trọng Sơn thì được mệnh danh Hùm xám miền Trung.

Theo phân tích của các võ sư Lý Xuân Hỷ, Phan Thọ, Phi Long Vịnh,  hổ hay dùng đòn vồ vào mặt, cổ, vùng hông và những đòn tát ngang; nhưng muốn đánh hổ (hoặc người mạnh mẽ, thể lực hơn mình) thì đánh vào yết hầu, hoặc hạ bộ là hiệu quả nhất.

Các giai thoại đả hổ

Công bằng mà nói, con người thì không thể địch lại với hổ. Nhưng con người có tư duy, có kinh nghiệm và sự đoàn kết nên đã dần khắc chế, chinh phục và là chúa tể của muôn loài, trong đó có hổ. Sự thua thiệt, mất mát từ các cuộc đụng độ với hổ (nhất là từ những năm 1970 trở về trước), các nhà võ người Bình Định và các địa phương lân cận ở miền Trung, Tây Nguyên đã biến những động tác uy lực và uyển chuyển của hổ thành những bài tập thân pháp, thủ pháp cực kỳ lợi hại; đồng thời truyền bá mọi người luyện tập, chống hổ dữ và các loài thú dữ khác.

Thời các vùng nông thôn còn hoang vu đã nổi lên mấy địa danh ở miền Trung có cọp dữ hoành hành: Cọp núi Bé, cọp Hòa Đa (Phú Yên) cọp Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thanh (Bình Định), cọp Tu Bông, Vạn Giã (Khánh Hòa), cọp vùng núi An Khê (Gia Lai)… nhưng sau đó con người đã ngự trị, không để hổ quấy nhiễu nữa.

Tương truyền, nghệ sĩ Thập Có vốn là diễn viên Học bộ đình Vinh Thạnh của cụ Đào Tấn, nức tiếng giỏi giang võ nghệ. Có lần nghệ sĩ Thập Có dẫn đoàn tuồng của mình đi biểu diễn về khuya, ngang qua Truông Bà Đờn nằm trên QL 19, thuộc địa bàn phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định), khi ấy còn là vùng núi hoang vắng. Bỗng dưng có con cọp từ trên núi nhảy xuống, chặn đường. Nghệ sĩ Thập Có đi trước nhìn thấy cọp, ông ra dấu cho anh em dừng lại rồi ông ngồi thụp xuống, nói vẻ cầu xin: “Con xin thầy, con ngồi xuống đây để thầy ăn cho rồi, nhưng xin thầy tha mạng cho bạn diễn của con!” (ngày xưa dân học võ gọi cọp bằng thầy). Khi đó ông cọp bung chân nhảy vào vồ ngay. Nhanh như điện, nghệ sĩ dùng mũi nhọn cây dù trên tay đâm thẳng vào hạ bộ ông cọp. Đau hơn thiến, cọp quên ngay con mồi, gầm gào chạy thục mạng lên núi, cả đoàn thoát nạn.

Nói đến võ ta, có ông Lưu Kiểm (SN 1931), ở thôn Nam Bình, xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa, Phú Yên. Lúc trai tráng ông Kiểm nổi danh là người giỏi võ và có sức khỏe phi thường. Nhà cạnh núi Hóc Mít, nơi xuất hiện nhiều cọp, lợn rừng xuống làng quấy phá. Một sáng nọ, con bê (bò con) nhà đang ăn cỏ ven rào, bỗng rống lên đứt đoạn, ngó ra thấy bê của nhà mình bị con cọp đang vồ và cắn chặt vào cổ. Ông Kiểm xót cho vật nuôi, sẵn có chiếc roi mây chăn bò trên tay nên xông vào quất củ roi lên mình con cọp. Đau quá, cọp buông con mồi ra, thấy ông Kiểm nó liền quay hướng tấn công về bên ông. Nguy cấp, ông Kiểm vụt củ roi vun vút trước mặt cọp, một chút bối rối làm nó nhắm mắt và lùi lại. Nhưng với bản năng say mồi, cọp gầm gừ, dựng lông chuẩn bị chồm lên phủ đầu. Ông né được vài lần nhưng tay và ngực bị rách nhiều vết bởi móng sắc của cọp. Đã mấy chiêu ông đấm trúng vào yết hầu của cọp dữ, con thú có vẻ xuống sức. Vết thương trên người ông Kiểm càng dày thêm và sức cũng kiệt dần. Lại một đòn vồ định lấy mạng ông Kiểm khi ông ngã người nằm ngửa; nhưng cọp dữ đã phải rú lên, lăn quay mấy vòng sau khi ông Kiểm kịp dùng đòn đạp từ dưới lên đúng vào hạ bộ cọp dữ. Cọp chạy rống vào rừng thoát thân và từ đó biến mất.

Như lời võ sư Hà Trọng Ngự, quyền 3 chân hổ được khai sinh tại khu vực núi Bà, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Trước đây xuất hiện một con cọp 3 chân to lớn và hung dữ, người dân thường xuyên bị hổ vồ, ăn thịt. Một ngày nọ, vừa xẩm tối, có một tiều phu chưa kịp rời rừng đã bị một con cọp to lớn đứng trên 3 chân, nhe nanh chực vồ. Là một cao thủ, tiều phu nhanh tay rút đòn xóc (đã được vuốt nhọn để làm đòn gánh củi) thủ thế. Con hổ lúc lao tới vồ, lúc chồm lên cao chụp xuống, lúc áp sát tát những cú trời giáng vào người tiều phu. Khi cả người và cọp thấm mệt, tiều phu đành ngồi xếp bằng ôm đòn xóc nhọn chống thẳng. Cọp phóng mình lên không, giơ vuốt nhọn chụp xuống, bóng nó phủ kín người tiền phu. Một tiếng gầm xé trời, con cọp dữ trúng đòn hiểm từ đòn xóc, nó lăn quay vùng vẫy rồi chạy thoát vào rừng. Và cũng từ đó, người dân không còn thấy con hổ hung tợn ngày nào về làng quấy phá nữa.

NGỌC DIÊN

Ý kiến bạn đọc