Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ngày Xuân bàn chuyện yếm đào

Thứ Năm 03/02/2022 | 17:45 GMT+7

VHO- Trong tấm hộ chiếu tâm hồn của dân tộc Việt, chẳng biết tự bao giờ yếm đào đã trở thành một linh vật, một nét văn hóa độc đáo, một tín hiệu thẩm mỹ để thể hiện vẻ đẹp thanh tân và sức quyến rũ khi nồng nàn rực lửa, khi kín đáo, ấp e của nữ phái.

Nét duyên yếm đào Ảnh: Tịnh Hà

Vốn là một vật dụng, yếm đào dần dần được thiêng hóa, được coi là một mã văn hóa mang đậm ý nghĩa biểu trưng. Đặc biệt khi yếm đào dịu dàng, duyên dáng bước vào thơ ca nhạc họa, với những biến tấu bất ngờ, ẩn chứa lớp lớp nỗi niềm đầy vơi giăng mắc:

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím,

Em có chồng rồi trả yếm cho anh.

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh,

Yếm em em mặc yếm chi anh đòi.

 Điều này cắt nghĩa, tại sao trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt, các mỹ nhân quyến rũ nhất, gợi cảm nhất dường như luôn đồng hành cùng với tấm yếm đào. Và nhờ sự kỳ diệu của nghệ thuật, mảnh vải nhỏ vốn vô tri vô giác, thoảng mùi hương con gái ấy đã tỏa ra một từ trường mạnh, hội tụ được biết bao trầm tích văn hóa, ngày càng đa thanh, đa nghĩa và có một hấp lực lớn đủ làm đắm say biết bao kẻ đa tình…

Với dân gian Việt Nam, từ lâu lắm rồi, khố đuôi lươn và yếm thắm hở lườn đã được coi như thứ quốc bảo, quốc túy, quốc hồn, là tiêu chí của vẻ đẹp phồn thực, mang sắc màu lý tưởng mà những người dân cần cù, chịu khó, lạc quan yêu đời sống trên dải đất hình chữ S thuộc xứ xở nhiệt đới gió mùa quanh năm nóng ẩm hằng khao khát:

Đàn ông đóng khố đuôi lươn,

Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh.

Tuy thiết kế chỉ đơn giản là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây quàng qua cổ và buộc hờ hững sau lưng, yếm đào dùng để che ngực và khoe vẻ kiêu sa của thân thể thanh tân người con gái thuở đương thì nhưng lại sớm khẳng định được một “quyền năng “mềm kỳ lạ:

                                 Trời mưa, trời gió kìn kìn,

Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.

 Mang ý nghĩa biểu trưng của một tình yêu sâu nặng, đi vào thơ ca, đôi dải yếm đào thanh mảnh đã chuyển hoá thành sức mạnh vật chất, giúp chàng trai chiến thắng cái giá rét kéo dài đằng đẵng, đáng sợ suốt ba tháng  mùa đông.

Và chính  đôi dải yếm mong manh kỳ diệu kia  còn giúp chàng trai kéo được con đò mắc cạn, mà đâu cần tới cáp khỏe chão to:

                                 Thuyền anh mắc cạn lên đây,

Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.

 Có ý kiến cho rằng, yếm ra đời vào thế kỷ XII. Người bình dân thường mặc yếm nâu bằng vải thô. Còn con gái nhà phong lưu, gia giáo, quyền quý thường mặc yếm lụa sồi, màu trầm, nhã nhặn. Đi vào nghệ thuật, chiếc yếm được mỹ hóa, có màu hồng thắm, nên gọi yếm đào. Là trang phục không thể thiếu của người con gái, thứ bảo bối ấy giúp phái đẹp khoe được những đường cong đường lượn mềm mại, tình tứ làm cho bao thiếu nữ xinh tươi  càng thêm quyến rũ. Dù không hề cầu kỳ, diêm dúa nhưng  về mức độ quyến rũ, gợi cảm thì không thứ trang phục nào sánh được với yếm đào. Đặt trên cái cổ kiêu ba ngấn, trắng ngần của người con gái, dải yếm đào phất phơ luôn bất ngờ làm nên những khoảnh khắc đẹp mê hồn cho mỹ nhân đất Việt. Nên yếm đào mặc nhiên được gắn với tuổi trẻ, với cái đẹp, với mùa xuân và mang đậm thiên tính nữ, nghe thân thương và con gái vô cùng!

Chẳng thế mà đã mấy trăm năm qua, bức thi họa nàng thiếu nữ tuổi trăng tròn, yếm đào trễ tràng buông lơi, nửa kín nửa hở, hớ hớ hênh hênh, vô tư nằm ngủ giữa thanh thiên bạch nhật đã hút hồn biết bao đấng hiền nhân quân tử- những kẻ dù rằng đã quyết lấy lý tưởng tu thân, tề gia làm lẽ sống nhưng nào đâu có dễ cầm lòng trước sức nóng của yếm đào:             

Trưa hè hây hẩy gió Nồm đông,

Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.

Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,

Yếm đào trễ xuống dưới nương long.

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,

Một lạch đào nguyên suối chửa thông.

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,

Đi thì cũng dở, ở không xong.

                    (Thiếu nữ ngủ ngày, Hồ Xuân Hương)

Người con gái với trang phục yếm đào không chỉ toát ra vẻ đẹp cao quý, mẫu mực, đoan trang của phụ nữ Việt muôn thuở, mang hồn đá vọng phu, như Mặt trăng suốt đời tỏa sáng vì người khác:

Lặn lội thân cò

Vất vả nuôi con và chờ chồng biền biệt

mà còn mang một vẻ đẹp của sự lệch chuẩn. Chính cặp mắt lá răm lúng liếng,  đong đưa, lý lơi cùng yếm thắm đã tỏa ra một từ trường lạ làm hút hồn bao bậc tu mi nam tử. Đến nỗi những kẻ tưởng đã nhất tâm lánh xa cõi tục nhưng nào có thoát nổi bùa mê giấu trong yếm thắm của những nàng Mầu trong buổi lễ chùa, đến nỗi bị ma mị lú lẫn mù lòa nên đường tu không trót:

Hôm qua em đi lễ chùa,

Thấy cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.

Sư về sư ốm tương tư,

Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.

Như một điểm nhấn, yếm đào đã  giúp nàng Màu con gái phú ông trẻ mãi không già,  cổ mà không cũ. Vượt qua không gian và thời gian, bức thông điệp về quyền sống con người cô Màu gửi đi đã đến được những vùng khuất lấp của mỗi con tim và để lại dư âm, dư ảnh trong lòng công chúng ở mọi thời đại, trên mọi quốc gia. Suốt mấy thế kỷ qua  nàng Mầu đã không ngừng làm nghiêng ngả sân khấu chèo, làm rung chuyển sân khấu chèo, làm Phật trên chùa cũng phải động phàm tâm… Hiệu ứng lớn ấy là do sự cộng hưởng giữa đôi mắt dao cau đổ quán xiêu đình và cái cổ yếm đào khoét sâu, chao ơi là ướt át đa tình- một vẻ đẹp phồn thực, cá tính, gợi cảm, gợi tình của một hotgirl đi trước thời đại. Trong trang phục áo yếm cánh sen chói lói, theo cái lý trái tim mách bảo, bất chấp búa rìu của xã hội phong kiến hà khắc và nghiệt ngã, nàng cả gan cháy lên để sáng:

Lẳng lơ ai bảo lẳng lơ,

Mầu tôi yêu chứ ai chê cấm nào.

Anh tiểu ơi đã làm sao,

Yêu cho đất lở trời cao tròng trành.

                    (Thị Màu, Vũ Mạnh Tần)

Yếm đào ấp iu cái tình nồng nã của người Quan Họ, làm những anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm đắm đuối, dùng dằng ngày nhớ đêm mong:

Ta về ta lại nhớ mình,

Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.

Như một mẫu đề quý hiếm, linh vật yếm đào đã khơi nguồn sáng tạo cho các danh họa, những nhiếp ảnh gia và rất nhiều nghệ sĩ thời hiện đại. Không chỉ những người thơ lớp trước như: Nguyễn Nhược Pháp,  Nguyễn Bính, Hoàng Cầm mới nghiêng ngả, sóng sánh, chung chiêng vì yếm thắm mà vật thiêng ấy vẫn cứ mặc sức tung tẩy, biến ảo khôn lường trong thi phẩm sáng giá của những cây bút đương đại:

Em

Nõn nường

Yếm đào chẽ ba

Ôm trọn tình yêu

Một vòng tròn kín cổ

Dẫu ngàn xưa và bây giờ vẫn thế

Yếm đào em rạo rực thắt lưng xanh.

                                                  (Yếm đào, Phạm Thị Phương Thảo)

Yếm đào luôn thường xuyên đánh thức những ý tưởng đẹp và thấm đẫm hồn dân tộc ở các nhà tạo mốt và giúp nhiều người mẫu thành danh. Giờ đây, trong cuộc hội ngộ văn hóa Đông Tây, yếm đào bỗng trút lốt hóa thân thành áo hai dây tân kỳ, hiện đại, sexy… Cứ nửa kín nửa hở, ôm sát eo thon và vô cùng bắt mắt. Khi phối với chân váy, nó giúp bóng hồng dịu dàng khoe bờ vai nuột nà, uyển chuyển phô lưng ong mềm mại. Khi sóng cùng quần sooc ngắn để lộ cặp chân dài gợi cảm trên xe phân khối lớn tạo cho kiều nữ một vẻ đẹp trẻ trung, tự tin, khỏe mạnh, hiện đại mà không hề đứt đoạn với truyền thống, rất toàn cầu mà vẫn “made in Vietnam” chính hiệu.

Cứ thế, theo thời gian, giữa yếm đào và nghệ thuật đã hình thành một mối lương duyên dăng díu mặn nồng.

PGS.TS Trần Thị Trâm

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top