Bình yên Lô Lô Chải

vho- Lô Lô Chải một ngày đông nắng đẹp cứ lung linh, hư ảo và bình yên như thể thế giới ngoài kia chưa hề có dịch Covid-19. Làng nhỏ này nằm dưới chân núi Rồng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), chỉ cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1km, là nơi sinh sống của người dân tộc Mông và Lô Lô từ hàng trăm năm nay.

Bình yên Lô Lô Chải - Anh 1

 Mỗi ngôi nhà ở Lô Lô Chải đều đẹp như một bức tranh

1. Thu hút biết bao bước chân du khách nhờ vẻ đẹp thanh bình và đầy màu sắc của các dân tộc, Lô Lô Chải là một làng văn hóa du lịch cộng đồng nổi bật của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, luôn được giới thiệu như một điểm nhấn trên bức tranh của du lịch Hà Giang.

Chuyến đi hiếm hoi của chúng tôi khi các địa phương đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, mở lại du lịch nội địa và xác định “chung sống an toàn” với đại dịch Covid-19. Khách đều đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, đều đi từ vùng xanh, đi đến đâu quét mã QR khai báo y tế đến đấy, thực hiện nghiêm quy định 5K…. Chặt chẽ hơn, đoàn lên cả các phương án nếu trên hành trình có thành viên là F1, F0 thì sẽ xử lý thế nào, điểm đến nâng cấp độ dịch thì giải quyết ra sao... Tóm lại, như các doanh nghiệp du lịch nói, khách an tâm nhất có thể khi tham gia chương trình du lịch.

Đường lên Lũng Cú bây giờ đã dễ hơn nhiều nhưng vẫn khiến nhiều người “xanh mặt” vì sự hiểm trở không biết dùng từ gì để nói.

Đến được đây, lúc mà đại dịch vẫn đang hoành hành dữ dội trên cả nước mới thấy trên đời không gì quý bằng sự bình yên. Những vùng cam, vùng đỏ, những thành phố giãn cách xã hội, bệnh viện dã chiến, gia đình cách ly... dường như ở đâu đó xa xôi. Ở Lô Lô Chải, mọi ngõ ngách trong làng, mọi ngôi nhà đều lồng lộng gió. Nắng rung rinh trên những cây đào nở sớm, nụ hồng phớt dịu dàng. Đường thì vắng hơn bình thường nhưng bà con vẫn đi lại, làm việc lặng lẽ, người lên nương, người sửa nhà, người trồng cây, người nấu rượu...

Đã lâu lắm nhà Sình Thị Khuân mới đông khách thế này. Hai năm dịch giã, khách không lên, các homestay, nhà hàng của bà con trong bản đều đóng cửa. Cứ bỏ không rồi thỉnh thoảng phải sang sửa lại mà không biết phải làm thế nào. Bữa trưa của đoàn được cả nhà nấu vô cùng hào hứng. Toàn món ngon. Các anh khách nam ăn mặc bụi bặm, râu ria mấy ngày không cạo, nhìn rất phong trần, vừa ăn vừa tấm tắc: “Sao gà đen ở đây ngon thế? Món nộm rau dớn rất vừa ăn. Khâu nhục đậm đà mà không ngấy. Canh hoa chuối vừa bùi vừa ngậy...”. Mấy cô gái trẻ mang đồ ăn cho khách bẽn lẽn khi được khen, chân ríu vào nhau, cười rinh rích chạy đi.

Sau bữa trưa với những món ăn đặc sắc, khách ngồi đầy trước hiên nhà, nơi có quầy hàng xinh xắn, với những vật dụng, màu sắc đặc trưng của dân tộc Lô Lô. Khuân mặc bộ trang phục dân tộc vô cùng sặc sỡ. Cả khách nam và nữ đều chụp ảnh cùng em. Mặt cô gái hồng lên trong nắng.

Đi trên con đường uốn lượn trong ngôi làng đẹp như cổ tích, đoàn khách lạc vào ngôi nhà cổ trên 100 tuổi. Nhìn hoa nở từ ngoài ngõ nở vào trong nhà là biết, dù dịch Covid-19 ngăn cản bước chân du khách thì chủ nhà vẫn kiên nhẫn chăm chút nhà cửa và chờ đợi ngày có người đến ngắm nhà mình. Chủ nhà đi vắng, chỉ có một người phụ nữ lớn tuổi ngồi lặng lẽ nơi bậu cửa, hiền từ nhìn khách, cười móm mém mời vào chơi.

Khỏi phải nói độ sống ảo bùng nổ như thế nào ở đây. Đầu tiên chụp ảnh theo đoàn, theo nhóm, rồi từng người. Chỉ một bờ tường cây hoa đá mà không thiếu một ai ghé vào “biểu diễn”. Ghi lại những khoảnh khắc sau chuyến đi ở một nơi vừa bình yên, vừa đẹp đẽ, vừa xưa cũ, vừa hồn nhiên, chắc không gì bằng.

Các nhóm khách nghe hướng dẫn không thiếu một từ nào. Dù đều là những người làm du lịch lâu năm, nhiều người là hướng dẫn viên kỳ cựu nhưng cảm giác của cả người hướng dẫn và người nghe hướng dẫn đều mới như lần đầu, có cảm giác là đi du lịch thật. Cũng để thấy, dịch Covid-19 đã khiến nhiều thứ thay đổi. Thậm chí, nhiều người còn không nhận ra cuộc sống, công việc của mình nữa và cũng không biết đến bao giờ cuộc sống mới trở lại bình thường.

Bình yên Lô Lô Chải - Anh 2

 Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú

2. Đi trên con đường nhỏ vào làng, hai bên nở đầy hoa cúc dại, khám phá sắc màu văn hóa đặc trưng ở Lô Lô Chải mới hiểu vì sao khách du lịch mê đắm vùng đất này đến vậy. Ở ngôi làng ấy, những mái nhà trình tường vách đất vàng nâu tuổi đời cả trăm năm nằm lặng lẽ sau hàng rào đá xanh vô cùng vững chắc. Trước hiên nhà treo những bắp ngô vàng óng ả. Cây đào trước cổng nghiêng nghiêng ra hoa hồng thắm. Vạt cải vàng đang ra hoa đung đưa trong gió quen thuộc đến lạ lùng. Thấy đoàn khách ngó nghiêng thăm nhà, người phụ nữ trẻ đang chở mấy đứa con trên xe máy cười tươi rói: “Lên chơi đấy à, chào nhé. Có mẹ mình trong nhà đấy, vào chơi đi”. Mấy mẹ con vẫy tay chào khách rồi phóng vụt đi.

Ở Lô Lô Chải, 90% dân cư trong làng là người Lô Lô, vẫn còn lưu giữ khá vẹn nguyên những nét văn hóa khác biệt, độc đáo. Từ kiến trúc nhà trình tường mái lợp ngói máng; các nghề thuyền thống (thêu, mộc...) tới các lễ hội (lễ cúng Thần Rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới, lễ cúng tổ tiên...) với những điệu múa dân gian và âm thanh sống động. Trong 54 dân tộc anh em, dù số dân không nhiều nhưng người Lô Lô vẫn tự hào có nét văn hóa rất nổi bật và mang dấu ấn riêng. Dân tộc Lô Lô có kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú, nhiều truyện kể thần thoại, nhiều làn điệu dân ca trữ tình và là một trong số cực hiếm các dân tộc ở Việt Nam hiện nay còn sử dụng trống đồng. Người Lô Lô luôn tự hào về vốn nghệ thuật dân gian của mình: múa, hát, truyện cổ tích, các mẫu thêu trên quần áo... Nghe kể, trong những ngày lễ, Tết, thanh niên nam nữ trong làng say sưa hát giao duyên ở những phiên chợ, chia sẻ yêu thương, gìn giữ truyền thống và tìm hạnh phúc ấm áp nơi vùng cao khắc nghiệt.

“Mọi vật có thể đổi thay theo năm tháng, nhưng giá trị bản sắc văn hóa không thể phai mờ”, người Lô Lô có quan niệm như vậy và luôn gìn giữ những nét riêng vốn có, truyền lại những phong tục, tập quán riêng cho con cháu trong gia đình, dòng họ. Hướng dẫn viên nói với chúng tôi, trong làng, những cô bé từ khi còn nhỏ tí đã được mẹ chỉ dạy cho cách thêu thùa, may váy áo. Những đường nét trên trang phục truyền thống rất nhiều họa tiết cầu kỳ tượng trưng cho trời, đất, núi rừng. Chiếc khăn quấn ngang đầu của người Lô Lô với những sợi tua rua nhiều sắc màu đính thêm những hạt cườm lóng lánh là tượng trưng bầu trời cùng các vì tinh tú. Những đường diềm trang trí tượng trưng cho sự tuần hoàn của Mặt trăng, Mặt trời về không gian và thời gian. Phải mất tới 3- 4 năm để thêu may một bộ trang phục đẹp. Những chiếc vòng bạc sáng loáng tạo thêm điểm nhấn cho những bộ trang phục được thêu bằng tay cầu kỳ. Đặc điểm văn hóa đậm nét trong trang phục nữ của người Lô Lô rất khó nhầm lẫn với các tộc người khác. Những nét văn hóa truyền thống đó ở Lô Lô Chải mừng là đến nay vẫn còn nhiều.

Huyện Đồng Văn cũng chủ trương khuyến khích người dân, làng xã cố gắng bảo toàn các giá trị truyền thống, nét văn hóa cổ xưa và động viên những thế hệ sau  phát huy bản sắc dân tộc, tránh bị mai một. Các làng nghề truyền thống cũng được chính quyền tạo điều kiện mở rộng phát triển và tìm kiếm thị trường, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Các dịch vụ homestay, phát triển du lịch cộng đồng cũng được quan tâm ở các thôn có người Lô Lô sinh sống, giúp du khách trải nghiệm các nét văn hóa, ẩm thực, đời sống thường ngày của người dân.

Nhâm nhi tách cà phê và cảm nhận văn hóa vùng cao ở quán "Cà phê Cực Bắc” là một cái thú của dân du lịch khi tới đây.Người gây dựng quán cà phê này là ông Yasushi Ogura, một người Nhật đã “phải lòng” Lũng Cú. Đầu tư quán cà phê lên tới hàng trăm triệu này và sau đó ông giao lại toàn bộ cho một gia đình người Lô Lô để hoạt động kinh doanh mà không đòi hỏi khoản lợi nhuận nào. Ông Yasushi Ogura chia sẻ ước muốn, sau này có thể dành những năm tháng cuối đời ở Việt Nam.

Khách du lịch nhắn với nhau trên các hội nhóm, đã tới Hà Giang, nên ngủ lại một tối ở Lô Lô Chải để cảm nhận được nhiều hơn không khí cuộc sống thường nhật ở bản vùng cao biên giới cực Bắc. Buổi sáng ngủ dậy, dưới sương sớm huyền ảo, vừa uống tách trà, vừa đứng nghiêng đầu, tựa cửa ngắm nhìn những cụ già tư lự, vài đứa trẻ ríu rít, cùng các cô các bà nhuộm vải hay thử làm bánh truyền thống trong vùng cũng đủ để cảm thấy có chút gì hạnh phúc.

Lại mách với nhau rằng, tới làng cổ tích Lô Lô Chải, nhất định phải chọn mùa đông để thưởng thức màu trời xanh lam nhẹ, ngồi quây quần bên nhau ăn lẩu rau cải hái vườn nhà và lợn đen bản xứ, nhấm nháp chút rượu ngô.

Tết cổ truyền ở Lô Lô Chải cũng rất đặc biệt. Nếu may mắn được trải nghiệm một đêm giao thừa ở đây, cùng người dân ra ngoài lấy may, nếu có gặp nhau cũng không cần chúc tụng gì, cứ lặng lẽ bình yên như vậy mà đón chào năm mới.

Ghi chép của THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc