Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đi gần hết cuộc đời để đắm say với Xòe

Thứ Ba 01/02/2022 | 14:30 GMT+7

VHO-  Nếu như người Thái ở Mường Lò (Yên Bái) luôn nhắc đến NNƯT Lò Văn Biến (89 tuổi) như một “pho sử sống”- người thắp lửa tình yêu với những điệu Xòe cổ thì tại Sơn La, NNƯT Lò Văn Lả (81 tuổi) cũng được tôn vinh như một “báu vật nhân văn”- người luôn gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua các thế hệ, trong đó có nghệ thuật Xòe Thái.

             Giây phút Chủ tọa kỳ họp gõ búa thông qua Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam 

 Đi gần hết cuộc đời để yêu và lan tỏa tình yêu với những giai điệu của Xòe, chứng kiến giây phút Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO chính thưc ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hai nghệ nhân già ôm lấy nhau, mừng vui và hạnh phúc giữa những thanh âm, giai điệu của Xòe đang dập dìu vang lên.

Đi khắp các bản làng truyền sức sống của Xòe

Mái tóc bạc trắng, nụ cười hồn hậu, nghệ nhân Lò Văn Biến (bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) vẫn luôn say mê khi nói về Xòe Thái, hồn cốt văn hóa của dân tộc mà ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy. Gặp ông ở buổi lễ chào mừng sự kiện Nghệ thuật Xòe Thái được  UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ nhân Lò Văn Biến cười thật tươi, rằng: “Tim tôi đang rung lên từng nhịp!”

Được người Thái ở Mường Lò trìu mến gọi là “pho sử sống”, nghệ nhân Lò Văn Biến luôn bền bỉ, tâm huyết với Xòe. Từ năm 1953, ông đã bắt đầu xây dựng đội văn nghệ để truyền cho bà con những giá trị của Xòe Thái. “Xòe không thể thiếu trong cuộc sống người Thái. Người Thái không có Xòe không khác nào cây không được tưới nước. Ngày vui mà thiếu những điệu Xòe thì cũng không thể trọn vẹn”, ông nói.

Với tâm niệm ấy, nghệ nhân Lò Văn Biến qua nhiều năm tháng luôn là người truyền lửa tình yêu với những điệu Xòe cổ mê hút hồn, mê đắm. 6 điệu Xòe cổ mang hồn cốt vùng đất Mường Lò, ông là người có công khôi phục, giữ gìn. Đó là những điệu Xòe Khắm khen (Nắm tay nhau), Ðổn hôn (Bước tiến lùi), Phá xí (Bố bốn), Nhôm khăn (Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu); Ỏm lọm tốp mư (Vỗ tay đi vòng tròn). Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, 6 điệu Xòe cổ được sắp xếp theo ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của  người Thái, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, các thái cực tình cảm của gia chủ với khách mời và trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng…  “Điều đặc biệt của Xòe là khi âm nhạc cất lên, tất cả đều vui và bước vào vòng Xòe, không biệt giàu nghèo, cao thấp, quan chức hay người nông dân. Tất cả cùng chung nhịp đập trái tim mà Xòe, với những giá trị nhân văn đẹp đẽ nhất đã đưa đến”, nghệ nhân Lò Văn Biến cười nói.

 NNƯT Lò Văn Lả  Ảnh: Trần Huấn

Ông kể chuyện, cảm nhận được tình yêu với Xòe trong trái tim của chính mình, và trong trái tim của cộng đồng dân tộc Thái là động lực để ông không quản ngại khó khăn, những chuyến điền dã kéo dài, tự nguyện, để cố gắng nghiên cứu, sưu tầm và viết về những động tác Xòe. Từ năm 1995, ông bắt đầu đi truyền dạy  cho từng bản. Đến giờ, nghệ nhân Lò Văn Biến vẫn nhớ như in giai đoạn vượt núi băng rừng, với đôi bàn chân dẻo dai và trái tim ấm nóng để đi khắp các bản làng, truyền dạy về nghệ thuật Xòe cho các thế hệ người Thái. Với tâm huyết và sự bền bỉ, nghệ nhân Lò Văn Biến đã truyền ngọn lửa tình yêu với đến cộng đồng, trong đó có rất nhiều người trẻ. Nhờ vậy, từ việc nhiều người không nắm hết được những tinh hoa trong các điệu Xòe cổ, đến nay không khí của Xòe, tinh thần của Xòe đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp đập Mường Lò. “Ở đây bây giờ làng nào, bản nào cũng có 3-4 đội Xòe, của thiếu nhi, thanh niên, trung niên và cả những người già. Xòe đáng yêu lắm! Chẳng thế mà khi âm nhạc cất lên, không chỉ những nam thanh nữ tú rạng ngời mà ngay cả những người già, miệng bỏm bẻm nhai trầu cũng đều muốn bước trong vòng Xòe, với niềm vui không dứt…”, nghệ nhân Lò Văn Biến xúc động.

Nghệ nhân tâm sự, từ sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015, đến nay, Nghệ thuật Xòe Thái tiếp tục đón nhận niềm vui khôn tả khi được UNESCO ghi danh. “Khi tôi thông báo tin này, bà con mừng lắm. Họ thấy tôi được xuống Thủ đô chứng kiến phút giây thiêng liêng của Xòe Thái, ai nấy đều muốn vỡ òa. Xòe được ghi danh, nghĩa là tình yêu và ngọn lửa tâm huyết với di sản sẽ càng được thắp sáng, lan tỏa, để Xòe Thái không chỉ được duy trì mà còn không ngừng phát triển…”, nghệ nhân Lò Văn Biến chia sẻ.

Ông nhìn cánh phóng viên Hà Nội háo hức nghe kể về Xòe, rồi cười thật tươi và hồn hậu. Người Thái Tây Bắc lâu nay vẫn truyền nhau câu hát: “Không Xòe không vui/ Không Xòe cây ngô không ra bắp/ Không Xòe cây lúa không trổ bông/ Không Xòe trai gái không thành đôi”. Xòe chính là niềm vui của những bản mường Tây Bắc.  Còn ông, vẫn mộc mạc thế này: “Tôi sẽ đem hết sức lực và tâm huyết để tiếp tục truyền dạy, thắp lên ngọn lửa tình yêu với Xòe. Bản Thái còn, Xòe Thái còn. Vì thế cần phải duy trì tình yêu đó bằng cách quảng bá di sản, đưa vào các trường học cho lớp trẻ. Làm như vậy thì không lo mai một…”.

      NNƯT Lò Văn Biến Ảnh: Trần Huấn

Xòe là tín hiệu trái tim

“Cứ khi những giai điệu cất lên là bà con vào Xòe. Những vòng Xòe dập dìu không dứt, có thể kéo dài suốt đêm thâu. Xòe là tín hiệu trong tim người Thái…”, NNƯT Lò Văn Lả (Phường Tô Hiệu, TP. Sơn La) mộc mạc nói.

Năm nay 81 tuổi, nghệ nhân Lò Văn Lả được bà con mến gọi là "thư viện sống của đồng bào Thái", với một kho tàng tác phẩm văn hoá Thái đã được ông dày công sưu tầm, lưu giữ. Trong đó, Xòe Thái là loại hình nghệ thuật đặc biệt của đồng bào mà ông gắn bó gần trọn cuộc đời, từ khi còn là một cậu bé cho đến hôm nay, ở vào độ tuổi xưa nay hiếm.

“Xòe là nét văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Thái, là hơi thở trong đời sống thường ngày. Khi vui không có Xòe cảm thấy như thiếu một điều gì đó. Với người Thái, có Xòe thì mới vui. Vui khi lên nhà mới, khi ăn Tết, khi xên bản, xên mường. Xòe gắn bó với cuộc đời người Thái tự bao ngàn năm. Người Thái chúng tôi thường hay nói, trẻ con biết Xòe từ trong bụng mẹ…”, nghệ nhân Lò Văn Lả hạnh phúc nói về “đặc sản” của dân tộc mình.

Ông kể, để gìn giữ những giá trị cổ của Xòe, ông đã từng tham gia đoàn của tỉnh Sơn La đi khảo sát về Xòe Thái ở các bản, sau đó tổng hợp, viết về các động tác cơ bản để Sở VHTTDL Sơn La tập huấn cho cán bộ văn hóa các huyện, từ đó lan tỏa sức sống của Xòe xuống các xã, bản, các trường học…  “Hiện nay Sơn La có trên dưới 3.500 đội Xòe ở các bản, có bản hùng hậu có tới 6 đội Xòe, ở đủ các lứa tuổi: thiếu nhi, thanh niên , phụ nữ, người cao tuổi… Xòe với cộng đồng người Thái có sức sống mãnh liệt, như là hơi thở”, nghệ nhân Lò Văn Lả bộc bạch.

        

             Hai nghệ sĩ cao niên tại lễ chào mừng sự kiện Nghệ thuật Xòe Thái được  UNESCO ghi danh 

Trong ký ức của nghệ nhân già cả cuộc đời đắm mê trong dòng chảy của văn hóa Thái và những giai điệu Xòe, chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trẻ con dân tộc Thái chưa lớn lên đã biết Xòe, biết từng vũ điệu, giai điệu, động tác. “Con cháu tôi cứ nhạc lên là Xòe. Từ bé dường như những đứa trẻ đã cảm nhận được Xòe chính là niềm vui cuộc sống. Có Xòe bản mường mới vui, mới giàu có. Tôi vẫn nói trong gia đình và cộng đồng rằng, người Thái không thể không biết Xòe, nếu không thì con người khô khan, không có tình cảm.”

Chính bởi Xòe là biểu tượng của niềm vui, là bản sắc tạo nên hồn cốt văn hóa nên người Thái ở các bản làng có thể cùng nhau Xòe cả đêm, những điệu nhạc đắm say cứ rộn ràng mãi không muốn dứt. Một bữa cơm mừng nhà mới, mừng niềm vui mới…, hết tiệc rượu là phải có Xòe. “Tôi nhớ khi còn nhỏ, đã có lần tôi từng tổ chức đội Xòe về chiến dịch Điện Biên. Vui lắm, tất cả cùng nắm tay nhau hát, Xòe, cả đêm…”, đôi mắt nghệ nhân ánh lên niềm hạnh phúc.

“Xòe quý giá như thế, nên khi nghe Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh, người Thái vui sướng vô cùng. Đón nhận tin vui ấy, chúng tôi hân hoan Xòe đón cả ngày lẫn đêm, khắp các bản mường vùng người Thái rộn ràng không nghỉ”, nghệ nhân Lò Văn Lả kể.

Gương mặt nghệ nhân cũng rạng ngời khi nói rằng, ông không lo nỗi lo Xòe  sẽ mai một. Theo dòng chảy thời gian, dù cuộc sống hiện đại hơn, gấp gáp hơn, Xòe cũng ít nhiều thay đổi khi làm nền cho những điệu Xòe là những bản nhạc sẵn, là nhạc công hiện đại chứ không phải những thanh âm mộc mạc của nhạc cụ thiên nhiên, thế nhưng có một điều bất diệt, Xòe vẫn luôn hiện hữu như một tín hiệu của trái tim trong cộng đồng người Thái.

Ở tuổi đã cao, nghệ nhân Lò Văn Lả bày tỏ mong muốn, để tôn vinh, gìn giữ và phát huy những giá trị tinh túy, nhân văn của Xòe, nghệ thuật này bên cạnh sự tồn tại trong đời sống cộng đồng, trong các sự kiện văn hóa thì cũng cần được đưa vào giảng dạy trong trường học, từ  cấp mầm non, tiểu học trở lên. 

  “Không Xòe không vui/ Không Xòe cây ngô không ra bắp/ Không Xòe cây lúa không trổ bông/ Không Xòe trai gái không thành đôi”.

 

HOÀI ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top