Táo Quân lại gây tranh cãi ngay sau khi vừa được phát sóng

VHO- Sau khi chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2022 được phát sóng vào tối 31.1, không ít người tỏ ra ức chế vì thời lượng giành cho quảng cáo trong chương trình quá nhiều, đồng thời nội dung chương trình cũng chưa đủ sức thuyết phục khán giả.

Mở màn Táo Quân 2022 đã khơi gợi những vấn đề nóng năm 2021 đã qua, hai Thiên lôi trẻ do Việt Bắc và Mạnh Dũng thủ vai đã đề cập ngay đến chuyện vùng xanh – vùng đỏ – vùng cam và chuyện "đóng – mở" cửa Thiên đình.

Năm nay, các Táo lên chầu Thiên đình bằng tàu điện và có sự góp mặt của nhiều Táo như Kinh tế, Xã hội, Giao thông, Mạng, Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp…Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, việc báo cáo cũng được điều chỉnh theo quy định giãn cách, tránh tập trung đông người và không phải Táo nào cũng có cơ hội được vào chầu. Sau một hồi loanh quanh, tranh cãi chỉ có Táo Giao thông, Táo Kinh tế, Táo Xã hội, Táo Ảo… mới được diện kiến Ngọc Hoàng.

Táo Quân lại gây tranh cãi ngay sau khi vừa được phát sóng - Anh 1

Nam Tào – Bắc Đẩu “mới toanh” do diễn viên Duy Nam – Trung Ruồi phụ trách. Ảnh chụp màn hình

Điểm mới và cũng là sự thu hút sự chú ý nhiều nhất của khán giả truyền hình ở Táo Quân 2022, chính là sự xuất hiện của Nam Tào – Bắc Đẩu “mới toanh” do diễn viên Duy Nam – Trung Ruồi phụ trách. Lý giải về điều này Ngọc Hoàng đã chính thức thông báo "Bắc Đẩu cũ về hưu, Nam Tào cũ đang đi dưỡng bệnh và từ nay Thiên đình sẽ có Nam Tào – Bắc Đẩu mới". Lần đầu góp mặt trong Gặp nhau cuối năm với tư cách là vai chính và đã cố gắng phối hợp trên sân khấu, tuy nhiên dường như hai diễn viên vẫn chưa có thực sự ăn ý, nhịp nhàng.

Xuyên suốt thời gian phát sóng, nhiều vấn đề nổi cộm của đời sống dân sinh đã được các nghệ sĩ đưa lên sân khấu như phòng dịch, ngoáy mũi, test PCR, giãn cách, phong tỏa, cách ly, giấy đi đường, bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu, học online, vấn nạn sống ảo của giới trẻ, minh bạch và sao kê, rác mạng, phiếu đi chợ chẵn - lẻ, ôm đất bỏ cọc, F0 chứng khoán, ba tại chỗ…

Ngoài ra, dưới góc độ châm biếm, một số vấn đề đã được nhắc đến nhiều hơn cả như thay đổi giấy đi đường làm khổ dân trong thời điểm giãn cách xã hội; tàu điện cao tốc Cát Linh – Hà Đông đang chạy thử đã cho dân đi; livestream bốc phốt nhiều nghệ sĩ và đòi sao kê để minh bạch từ thiện; nâng khống giá thiết bị ý tế, trục lợi trong đại dịch của Việt Á...

Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, Táo Quân 2022 chưa thực sự cuốn hút. Điểm trừ đầu tiên khiến nhiều khán giả than phiền đó là chỉ với 3 phút mở màn với màn múa "nhà tôi 3 đời trị xương khớp" cùng pha tung hứng của 2 Thiên lôi, chương trình đã tiến thẳng đến phần... quảng cáo. Quảng cáo chen ngang với thời lượng dài hơn cả phần chương trình chính làm đứt đoạn cảm xúc của người xem và cũng dần trở thành "đặc sản" của Táo Quân từ nhiều năm nay. Chưa kể, ngoài quảng cáo chen ngang, quảng cáo còn lồng trực tiếp vào lời thoại của các nhân vật khiến câu chuyện trở nên vô cùng gượng ép, "sống sượng".

Táo Quân lại gây tranh cãi ngay sau khi vừa được phát sóng - Anh 2

Hình ảnh khán giả ngồi sát nhau, không đeo khẩu trang trên sóng Táo Quân 2022. Ảnh chụp màn hình

Trước khi phát sóng, ê kíp sản xuất Táo Quân 2022 đã tổ chức ghi hình vào giữa tháng 1.2022. Cả 2 buổi ghi hình đều không có khán giả vì ê kíp sản xuất muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vậy mà lúc chương trình lên sóng, khán giả lại thấy có rất nhiều người ngồi trên khán đài xem chương trình rồi bật cười, vỗ tay theo từng đợt tung hứng của các nghệ sĩ. Các khán giả này ngồi sát nhau và cũng không đeo khẩu trang. Điều này cũng khiến nhiều cư dân mạng đặt nghi vấn Táo Quân 2022 dùng kỹ xảo ghép mặt khán giả vào chương trình. “Điều này có thể dễ hiểu bởi ê kíp sản xuất cần có "chất xúc tác" là những tiếng vỗ tay của khán giả để chương trình thêm hấp dẫn. Thế nhưng, việc lồng ghép quá nhiều khiến chương trình trở nên thiếu tính chân thực hơn”, một cư dân mạng bày tỏ.

Bên cạnh đó, Táo Quân năm nay nhận phải không ít những lời nhận xét về kịch bản nhạt hơn so với các năm trước. Màn "đấu khẩu" của Táo Giao thông với Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu dài gần 30 phút nhưng rất thiếu điểm nhấn. Màn báo cáo của Táo Ảo dài thườn thượt và nhiều trò nhưng quá lố, thiếu chi tiết đắt giá, thiếu sự sáng tạo… Các Táo Kinh tế và Táo Xã hội trong năm có nhiều vấn đề có thể đẩy lên để tạo nên tiếng cười sâu cay nhưng lại bị bỏ qua.

Táo Quân lại gây tranh cãi ngay sau khi vừa được phát sóng - Anh 3

Người dùng facebook bày tỏ ý kiến về Táo Quân 2022 trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình

Một người dùng lên tiếng trên mạng xã hội facebook: “Ai cũng nói và cũng biết Táo quân cuối năm nhạt lắm rồi. Nhưng không có và chưa có chương trình gì thay thế nó mỗi đêm Giao thừa. Đó là bi kịch của cả VTV và khán giả”.

Rất nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này, tài khoản Namviet Nguyen cho rằng: “Xem mãi cũng nhàm chán , nhưng mà nhà đài chưa nghĩ ra được games gì mới để thay thế”. Nickname Lethe Thin thì nhẹ nhàng hơn: “Càng xem càng thấy cười nhạt”.

Bên cạnh hàng loạt điểm trừ thì Táo Quân 2022 cũng có một số điểm cộng khi vẫn giữ được phong độ khi đưa lên sân khấu nhiều câu thoại hài hước mang tính tạo trend như: "Chửi giao thông thường không có lợi", "Tiền nhiều để làm gì… để mang về cho mẹ", "Enjoy cái moment này", "Khi tình yêu hết hạn thì khốn nạn sẽ lên ngôi", "Dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu giếm", "Chỉ người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt"…

THANH VÂN

Ý kiến bạn đọc