Bao giờ mới thôi cưỡi voi?

VHO- Mới đây, trên trang thông tin mạng xã hội có chia sẻ dòng trạng thái của một chủ Facebook nêu quan điểm cá nhân khi đi du lịch ở Đắk Lắk và chứng kiến cảnh tượng những chú voi phải còng lưng chở khách du lịch, thậm chí những chú voi này bị chủ voi dùng roi bịt sắt đánh chảy máu.

Bao giờ mới thôi cưỡi voi? - Anh 1

 Ở Đắk Lắk, voi được khai thác tối đa để phục vụ cho du lịch

Dòng trạng thái sau khi được đăng tải đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng.

Voi ở Đắk Lắk vẫn bị vắt kiệt phục vụ du lịch?

Chiều ngày 7.2, Facebooker của Nguyễn Ngọc A (ở Hà Nội) đăng trên hội nhóm Review Buôn Ma Thuột về cảnh voi chở khách du lịch, trên thân xuất hiện nhiều vết máu rỉ ở vùng đầu và tai.

Cụ thể, vị khách này vừa đến Đắk Lắk tham quan du lịch. Tuy nhiên, người này tự nhận đây là trải nghiệm tệ nhất khi đến hai địa điểm du lịch của tỉnh này và nhận về sự thất vọng. “Đến với hồ Lăk, Bản Jun có ngay dịch vụ cưỡi voi ở bên hồ, khách tham quan thay vì chèo thuyền độc mộc thì có thể cưỡi voi xuống hồ tham quan cảnh hùng vĩ nước non. Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm một cây gậy với phía đầu là móc sắt dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và “răn” chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới...

Còn ở bản Đôn ngày Tết có tổng 6 con voi nhưng tần suất khách tới thăm hằng ngày lên đến vài nghìn người, người đợi để được cưỡi voi xếp hàng dài. Mình chuẩn bị sẵn một nải chuối và ít cùi dừa tươi khi đến Buôn Đôn với hy vọng được cho voi ăn. Nhưng khi đến, mình thấy chúng chở người tham quan liên tục không ngừng nghỉ. Những tấm mía được mời chào hỗ trợ cho voi ăn không thể thấm tháp với khẩu phần ăn hằng ngày. Và cứ thử ngẫm xem nếu bạn vừa phải vác gạo trên lưng vừa ăn thì có nuốt nổi không??? Hiện nay, quần thể voi tại Đắk Lắk còn không quá 140 cá thể (khoảng 100 cá thể voi hoang dã và 37 cá thể voi nhà), giảm 90% số lượng so với năm 1980. Và rõ ràng UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác với Tổ chức Động vật châu Á để chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi đối với toàn bộ voi nhà trong tỉnh Đắk Lắk! Hy vọng chính quyền sẽ tiến hành sớm để các cá thể voi tham gia vào dự án du lịch thân thiện được tận hưởng dinh dưỡng trọn vẹn, được nghỉ ngơi và được chăm sóc chu đáo!”, trích đoạn chia sẻ của du khách Nguyễn Ngọc A trên hội nhóm Review Buôn Ma Thuột.

Dòng trạng thái sau khi chia sẻ nhận được sự quan tâm, bình luận của hàng ngàn người. Đa số các ý kiến cho rằng, tỉnh Đắk Lắk sớm có biện pháp để chấm dứt mô hình du lịch cưỡi voi. Một số ý kiến khác thì cho rằng như vậy là cắt cần câu cơm của các chủ voi.

Bao giờ mới thôi cưỡi voi? - Anh 2

 Hình ảnh voi với những vết thương trên người được lan truyền trên mạng xã hội

Cần thời gian và cơ chế để bỏ hẳn cưỡi voi

Anh Ý Gai Byá (44 tuổi) sống tại buôn Ea Rông B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) quản tượng tại khu du lịch Cầu Treo cho hay, hình ảnh trong bài viết là con voi của nhà anh, đã nuôi được 40 năm. Anh khẳng định không đánh đập voi chảy máu như trường hợp du khách nêu trong bài viết trên Facebook.

“Con voi này nhà tôi nuôi từ năm 1983, ngày nhỏ nó sống cùng gia đình tôi, chúng tôi chăm sóc nó. Từ nhỏ, nó đã chở nông sản giúp gia đình, chúng tôi thương và coi nó như thành viên trong nhà. Đến năm 2006, tôi đưa voi làm du lịch chở khách cho đến ngày nay”, anh Ý Gai Byá nói và cho biết thêm. “Voi nhà bị thương là sự cố gặp trong rừng chứ không phải do đánh đập chảy máu. “Mắt của voi một bên bị kém, tật, khi đi trong rừng thì đụng phải gai chảy máu chứ thật sự tôi không có đánh đập, bạo lực gì voi. Nó sống với gia đình chúng tôi, đâu phải muốn đánh đập, hành hung gì cũng được, chúng tôi coi nó như người nhà. Nhà tôi cũng nuôi voi 3 - 4 đời chứ không phải mới nuôi một con voi này”.

Trước khi có dịch Covid-19, trong một tháng, voi của anh Ý Gai Byá làm việc 2 tuần, còn 2 tuần sống trong rừng. Vào các ngày lễ Tết, mỗi ngày voi chở khách khoảng 6 giờ, ngày thường khoảng 1-1,5 giờ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, anh đưa voi làm du lịch trở lại. Liên quan đến việc này, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ Động vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang làm việc với quản tượng tại khu du lịch Cầu Treo Buôn Đôn, người xuất hiện trong bài viết trên Facebook mà du khách đề cập đến. “Hình ảnh là có thật, tuy nhiên vẫn còn nhiều khúc mắc. Việc quản tượng đánh voi là có thể nghi ngờ, còn thực tế thì không thấy. Tuy nhiên, chúng tôi đã có tuyên truyền, vận động và ký cam kết sẽ không xảy ra trường hợp như trên nữa”, ông Phước thông tin.

Ông Trần Xuân Phước nhận định thêm, vì thời gian nghỉ dịch Covid-19 kéo dài khoảng 9 tháng, voi ở trong rừng nhiều không hoạt động du lịch, khi bắt đầu lại công việc, có trường hợp voi phản ứng, chống cự với người nài voi, đôi khi họ không kiểm soát được voi mới dùng đến roi, gậy. Bình thường họ điều khiển voi bằng giọng điệu, cử chỉ tay chân là voi nghe lời, bất đắc dĩ lắm mới dùng đến roi.

Theo tìm hiểu của Văn Hóa, tháng 12.2021 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation) về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo bản ghi nhớ hợp tác, tỉnh Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà bao gồm: Du lịch cưỡi voi, các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co, voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông, dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi… Trao đổi với báo chí về việc này, ông Trần Xuân Phước cho biết, hiện việc triển khai kế hoạch vẫn cần thời gian, chính sách và nguồn tài trợ. Việc ký kết mới chỉ là bước đầu, công tác bảo tồn voi từ năm 2022 đến 2026 vẫn cần vốn hỗ trợ, chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi.

“Hiện nay, việc ký kết mới ở bước đầu. Họ vẫn cần thời gian để vận động các hộ nuôi voi cam kết chuyển đổi mô hình cũng như hỗ trợ nguồn vốn cho các bên này. Kế hoạch có thể kéo dài 5 năm và việc chuyển đổi sớm nhất cũng chỉ có thể diễn ra từ năm nay”, ông Phước cho hay. 

 NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc