Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Mở rộng Nghĩa trủng Hòa Vang: Đảm bảo an toàn cho các hiện vật, di vật trong khu di tích

Thứ Bảy 12/02/2022 | 14:16 GMT+7

VHO- Ngày 12.2, công trình mở rộng công viên bên ngoài Khu di tích Nghĩa trủng Hoà Vang (Đà Nẵng) được khởi công, kế hoạch thi công trong 90 ngày.

Theo ông Hồ Văn Khoa - Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ: “Quá trình thi công, quận đã yêu cầu các bên đảm bảo an toàn, không để xảy ra mất mát, hư hại các hiện vật, di vật của khu di tích. Trong thời gian tới quận ưu tiên tập trung vào việc xây dựng công trình công viên xung quanh Nghĩa trủng Hòa Vang đảm bảo đúng tiến độ. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi công theo đúng quy định, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của nhân dân”.

Khởi công xây dựng công viên, tạo cảnh quan quanh Nghĩa trủng Hòa Vang

Công trình công viên bên ngoài Nghĩa trủng Hòa Vang do UBND quận Cẩm Lệ làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 6.184 m2 (được xây dựng trên khuôn viên của Bệnh viện Y học cổ truyền cũ đã di dời), gồm các hạng mục: Sân hành lễ và các tiểu cảnh xung quanh sân hành lễ; Chiếu dâng hương và cảnh quan phía trước cổng vào nghĩa trủng; Khu công viên cây xanh, công viên ký ức; Đài phun nước; mở rộng đường Trịnh Hoài Đức từ 3,5m lên 10,5m; cải tạo và lát lại gạch vỉa hè xung quanh dự án; sân nền bê tông lối vào chính; bãi đỗ xe; vịnh đậu đỗ xe; hệ thống đường dạo, đường giao thông; hệ thống cây xanh, ghế đá; hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước; hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Tường rào mềm xung quanh. Công viên bên ngoài Khu di tích Nghĩa trủng Hoà Vang trong tương lai được xem là công trình văn hoá tiêu biểu trên địa bàn quận Cẩm Lệ nói riêng và cả thành phố Đà Nẵng nói chung. Công trình  nhằm bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị văn hoá truyền thống, khai thác tiềm năng, phát triển du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn quận. Quần thể khu di tích sau khi được đầu tư, tôn tạo sẽ là nơi tụ họp hành lễ, sinh hoạt hằng năm của cộng đồng dân cư trên địa bàn, để tưởng nhớ công ơn các tướng sĩ vì nước quên thân trong cuộc kháng chiến chống Pháp của cha ông; là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn âm nhạc cổ truyền, tôn vinh nghệ thuật dân tộc, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nghĩa trủng Hòa Vang (hay còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung) được xem là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên trong cả nước, nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa Khuê Trung, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ gồm các phế tích tháp Hóa Quê, Miếu Bà, giếng cổ Chăm và Nhà thờ Tiền hiền làng Hóa Quê, là nơi an nghỉ của hơn 1.000 nghĩa sĩ và đồng bào yêu nước đã hi sinh trong những ngày đầu đấu tranh, chống thực dân Pháp của dân tộc (1858-1860); Di tích Nghĩa trủng Hòa Vang được Bộ VHTTDL công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1999. Đến năm 2009, quận Cẩm Lệ tiếp tục quy tập thêm 2 vị tướng lĩnh từ Nghĩa trủng Phước Ninh, tên tuổi của các nghĩa sĩ gắn liền với các chiến công ở thành Điện Hải cùng với Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý. 

Nghĩa trủng Hòa Vang được xem là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của cả nước

Trước đó, với mục đích tạo cảnh quan cho Khu di tích quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang để người dân địa phương và du khách tới tham quan, tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh cứu nước, TP Đà Nẵng đã có quyết định cải tạo, mở rộng xung quanh Khu di tích này. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, UBND quận Cẩm Lệ đã có hồ sơ kèm theo tờ trình ngày 15.1.2021 đề nghị thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án cải tạo cảnh quan xung quanh Nghĩa trủng Hòa Vang với tổng mức đầu tư 14.945.049.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. 

Đứng trên phương diện quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, di sản, Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, ngành Văn hóa hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở rộng, tôn tạo, tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích. Nếu Nghĩa trủng được mở rộng thì người dân địa phương sẽ có thêm điểm sinh hoạt văn hóa, giáo dục giá trị truyền thống, lịch sử cách mạng tại địa phương. Công trình cũng có ý nghĩa thể hiện sự tri ân của người dân Đà Nẵng đối với các nghĩa sĩ đã dũng cảm hy sinh trong trận đấu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược. 

Tuy nhiên, theo Sở VHTT Đà Nẵng, trong nội dung hồ sơ chủ trương có hạng mục phù điêu và tượng các vị anh hùng nghĩa sĩ, do đó Sở VHTT đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ phương án thiết kế, vị trí bố trí tượng các vị anh hùng nghĩa sĩ. Đảm bảo về thẩm mỹ, bức phù điêu phải được thiết kế trang trọng, có tầm nhìn từ mọi hướng. Cân nhắc vấn đề phong thủy đối với việc bố trí các khẩu súng thần công theo hướng thẳng vào nhà dân và cần có phương án kết nối giữa khu hiện trạng và khu mở rộng. Đề nghị Chủ đầu tư dự án nghiên cứu Nghị định 113/201/NĐ-CP ngày 2.10.2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật và Thông tư số 08/2020/TT-BVHTTDL ngày 10.11.2020 của Bộ VHTTDL về ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật phần mỹ thuật trong xây dựng công trình tượng đài và phù điêu để tham mưu thực hiện đúng quy định.

NGỌC HÀ

Print
Tags: Di sản

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top