Nỗi lo của người tiêu dùng Mỹ

VHO- Lạm phát của Mỹ tiếp tục lập đỉnh trong nhiều thập niên gần đây khiến người dân nước này “đau đầu” với bài toán chi phí tiêu dùng. Bởi thế, chỉ số niềm tin tiêu dùng sơ bộ tại Mỹ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Nỗi lo của người tiêu dùng Mỹ - Anh 1

 Người tiêu dùng Mỹ lo lắng khi lạm phát tiếp tục”phi mã” Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của nước này tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2.1982. Hiện giá năng lượng và thực phẩm tại Mỹ đang được ghi nhận mức tăng cao chưa từng có. So với năm 2021, giá năng lượng đã tăng 27% và giá thực phẩm tăng 7%. Người tiêu dùng Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng giá cả “leo thang” ở tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, từ các mặt hàng thiết yếu, đồ nội thất, dịch vụ y tế, đặc biệt là chi phí nhà và tiền thuê nhà tăng cao. Giới chuyên gia quan ngại, lạm phát và những nút thắt trong chuỗi cung ứng đã xâm nhập vào hầu hết mọi ngóc ngách của nền kinh tế, khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn.

Không chỉ đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, giá của hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ tại Mỹ đều nhích lên đáng kể. Giá điện đã tăng 4,2% chỉ trong tháng 1, mức tăng mạnh nhất trong 15 năm và tăng 10,7% so với một năm trước đó. Tháng trước, đồ nội thất và vật dụng gia đình đã tăng 1,6%/tháng, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1967. Bên cạnh đó, chi phí thực phẩm, do giá trứng, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa đã tăng 0,9% trong tháng 1. Giá ô tô mới, vốn đã tăng trong thời gian đại dịch vì thiếu chip máy tính, không thay đổi vào tháng trước nhưng tăng 12,2% so với một năm trước… Việc giá cả tăng hàng loạt đã khiến nhiều người Mỹ phải xoay sở để chi trả cho thực phẩm, khí đốt, tiền thuê nhà, chăm sóc trẻ em và các nhu cầu thiết yếu khác.

Thực tế, tiền lương trung bình của người lao động Mỹ đã được cải thiện. Mức lương trung bình theo giờ trong tháng 1 vừa qua đã tăng 5,7% theo năm, và cao hơn mức tăng 5,3% ghi nhận vào tháng 1.2021. Song điều này lại tạo ra áp lực đối với các công ty sản xuất, dịch vụ, buộc họ phải bù đắp mức tăng này thông qua hiệu suất lao động cao hơn hoặc tăng giá. Nhiều chuỗi nhà hàng và cửa hàng bán lẻ tại Mỹ như Starbucks, Amazon hay Chipotle đã phải điều chỉnh mức thu phí khách hàng nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều người Mỹ đã quay trở lại các đô thị sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn cũng khiến nhu cầu về nhà ở tăng cao. Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở Liên hợp Harvard, tỉ lệ trống căn hộ đã đạt mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980. Thực trạng này kéo theo giá thuê căn hộ cũng tăng lên đáng kể. Chi phí cho việc thuê căn hộ đã tăng 0,5% trong tháng 1, tốc độ nhanh nhất trong 20 năm qua.

Trước những lo ngại về tình trạng lạm phát khó “hạ nhiệt”, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Theo kết quả khảo sát mới được Đại học Michigan công bố, chỉ số niềm tin tiêu dùng sơ bộ giảm từ mức 67,2 điểm trong tháng 1, xuống mức 61,7 điểm trong nửa đầu tháng 2, mức thấp nhất kể từ tháng 10.2011. Ông Richard Curtin, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khảo sát cho biết, sự sụt giảm trong niềm tin tiêu dùng như trên là do khả năng tài chính cá nhân suy yếu bởi lạm phát gia tăng, niềm tin đối với các chính sách kinh tế của chính phủ giảm và triển vọng kinh tế dài hạn không thuận lợi. “Tâm lý của người dân đang tiếp tục đi xuống ở ngưỡng tồi tệ nhất trong một thập kỷ, giảm 8,2% so với tháng trước và 19,7% so với tháng 2 năm ngoái”, ông Curtin quan ngại.

Mặc dù khả năng cao Cục Dự trữ liên bang (FED) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới, nhưng niềm tin người tiêu dùng Mỹ vẫn xuống thấp, bởi nỗi lo canh cánh rằng các chính sách kinh tế có thể không phát huy nhiều tác dụng. 

 HI MINH

Ý kiến bạn đọc